Ông Phan Văn Hơn, Chủ tịch UBND xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp cho biết: “Quỹ toàn cầu hóa NTM Hàn Quốc (SGF) hỗ trợ Làng NTM - Saemaul tại ấp Tân Qưới Lộ nhiều công trình: nhà văn hóa cộng đồng, trụ sở làm việc, hệ thống nông trại sản xuất nông nghiệp nhà kính, nhà lưới, máy cày, xới, máy cắt lúa…”.
Bên cạnh đó, Quỹ SGF còn phối hợp cùng Trung tâm Saemaul thuộc Trường Đại học KHXH&NV TP. Hồ Chí Minh thường xuyên tổ chức các buổi tập huấn, đào tạo kỹ năng, nâng cao kiến thức, trình độ ngoại ngữ và phương pháp sản xuất mới cho bà con Nhân dân tại 2 Làng NTM - Saemaul này.
Theo ông Huỳnh Thành Hữu, Chánh văn phòng điều phối các Chương trình Mục tiêu Quốc gia tỉnh Hậu Giang: “Qua hơn 9 năm triển khai, tổng vốn đầu tư từ Qũy SGF ở 2 Làng NTM - Saemaul đạt trên 1,2 triệu USD (tương đương 30 tỷ đồng). Từ đó mang lại kết quả tích cực, làm thay đổi cách nghĩ, cách làm, hiệu quả kinh tế cao, tăng thu nhập cho người dân vùng dự án”.
Ông Đặng Thanh Phong, Chủ tịch Hội đồng Quản trị HTX Nông nghiệp – Dịch vụ Tân Qưới Lộ - Saemaul xã Bình Thành chia sẻ: HTX được thành lập vào năm 2020, với 17 thành viên. Được Dự án hỗ trợ khoa học kỹ thuật, sau nhiều vụ sản xuất hiệu quả, đến nay HTX mở rộng gần 10.000m2 nhà kính trồng dưa lưới và 79ha sản xuất lúa, đến nay thành viên HTX tăng lên 72 hộ, chiếm 1/3 dân số ấp. Ứng dụng mô hình sản xuất hiện đại và được bao tiêu với hợp đồng giá cố định theo mùa vụ, đến nay đời sống người dân ấp Tân Qưới Lộ nâng cao, thu nhập tăng gấp 3 lần so với 10 năm trước”.
Phấn khởi chia sẻ về cuộc sống ở Làng NTM - Saemaul, ông Trần Văn A, người dân ấp Tân Quới Lộ, xã Bình Thành kể: Trước năm 2017, người dân chủ yếu tự sản xuất theo phương thức canh tác cũ nên nguồn thu nhập thấp, hạ tầng giao thông nông thôn chưa kết nối, khu vực sản xuất chưa có đê bao ngăn lũ, việc bơm tưới và vận chuyển hàng hóa, nông sản của bà con gặp nhiều khó khăn. Từ khi triển khai mô hình Làng NTM - Saemaul, kênh thủy lợi thông thoáng, có bờ bao chống lũ, đảm bảo tưới tiêu và người dân vận chuyển hàng hóa.
Sau 9 năm từng bước đi lên, xã Lương Tâm (Long Mỹ) và Bình Thành (Phụng Hiệp) hôm nay đã khác xưa rất nhiều. Bà Bùi Thị Lệ Nguyên, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thành, huyện Phụng Hiệp vui mừng: Ứng dụng mô hình Làng NTM - Saemaul hiệu quả, đời sống người dân ở Tân Qưới Lộ và 4 ấp còn lại của xã không ngừng cải thiện. Từ địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao, đến nay còn dưới 2% theo chuẩn mới.
Đặc biệt, đến nay xã không còn gia đình đảng viên có hoàn cảnh khó khăn. Đời sống nâng cao, hạ tầng hoàn thiện góp phần giúp người dân thay đổi tư duy, từ đó các công tác, hoạt động ở địa phương cũng thuận lợi, hiệu quả hơn.
"Phấn khởi nhất là, người dân đã thay đổi tư duy sản xuất theo hướng tích cực, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng thích ứng với biến đổi khí hậu và ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Giai đoạn mới, chúng tôi tiếp tục tham mưu với Huyện ủy, UBND huyện từng bước xây dựng xã Bình Thành đạt chuẩn NTM nâng cao”, Bí thư Đảng ủy xã Bình Thành - Bùi Thị Lệ Nguyên bộc bạch.
Niềm vui của bà con nông dân vùng quê Hậu Giang còn nhân lên ở ấp 9, xã Lương Tâm (huyện Long Mỹ). Cùng với Tân Quới Lộ, ấp 9 xã Lương Tâm cũng được Quỹ SGF hỗ trợ xây dựng Làng NTM - Saemaul. Theo đó, HTX Nông nghiệp Lương Tâm - Saemaul Hàn Quốc được thành lập và không ngừng mở rộng quy mô, tăng cường hợp tác và thực hiện đa dạng các loại hình dịch vụ, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, lan rộng địa bàn xã.
Có thể nói, thành công nhất của HTX Nông nghiệp Lương Tâm - Saemaul Hàn Quốc là phát huy được vai trò tập hợp, vận động thành công thay đổi cách nghĩ, cách làm cho bà con nông dân ứng dụng có hiệu quả tiến bộ KH-KT, nâng cao hiệu quả sản xuất. Nhất là đã thực hiện tốt việc liên doanh, liên kết, bảo đảm ổn định cho nông sản. HTX làm ăn hiệu quả, số lượng thành viên cùng tăng theo, đến nay thành viên tăng gấp 3 lần.
Ông Kwak Busung, Trưởng đại diện Quỹ SGF, thông tin: "2 Làng NTM - Saemaul được Quỹ SGF phối hợp với tỉnh Hậu Giang thực hiện trong thời gian qua, là 2 làng đầu tiên của vùng Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng và Việt Nam nói chung. Người dân ở đây cần cù, tự lực và hợp tác trong sản xuất, đời sống. Dù chương trình kết thúc, nhưng chúng tôi sẽ còn đề xuất với SGF tiếp tục có những chính sách mới hỗ trợ thêm ở 2 Làng NTM - Saemaul này hướng đến mục tiêu không ngừng phát triển".
Tại chuyến thăm và làm việc với lãnh đạo tỉnh Hậu Giang về tình hình thực hiện 2 làng NTM - Saemaul, ông Bae Han Chul, Chủ tịch HĐND tỉnh Gyeongsangbuk, Hàn Quốc (là tỉnh quản lý Quỹ SGF) cho biết: “Mô hình xây dựng Làng NTM- Saemaul được các tổ chức quốc tế, Liên Hiệp Quốc công nhận phát triển hiệu quả nhất dành cho các nước đang phát triển. Tính đến nay, chúng tôi đã và đang triển khai 77 Dự án Làng NTM - Saemaeul tại 16 quốc gia, trong đó tỉnh Hậu Giang, Việt Nam có 2 làng”.
Không dừng lại việc hỗ trợ xây dựng Làng NTM - Saemaul thời gian qua, hai tỉnh Gyeongsangbuk và Hậu Giang còn hợp tác triển khai nhiều nội dung hướng tới mục tiêu phát triển nông nghiệp bền vững, đồng thời có nhiều hoạt động đào tạo giúp người dân nâng cao thu nhập.
Bức tranh Làng NTM - Saemaul ở tỉnh Hậu Giang được tô đậm thêm nét mới khi nông dân sản xuất nông nghiệp thông minh trong nhà kính, với hệ thống tuần hoàn khép kín; cùng với đó là những ngôi nhà kiên cố khang trang mọc lên ngày càng nhiều tạo nên nét chấm phá độc đáo cho bức tranh nông thôn thêm sinh động.
Ông Trương Cảnh Tuyên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hậu Giang nhìn nhận: “Những kết quả tích cực đạt được này sẽ là hình mẫu để các địa phương trong tỉnh nghiên cứu nhân rộng, qua đó có những mô hình sản xuất cho phù hợp với từng địa bàn”.