Cúc Phương là xã vùng cao thuộc huyện miền núi Nho Quan được thụ hưởng Chương trình 135 của Chính phủ, với 84% dân số là người dân tộc Mường, kinh tế người dân còn nhiều khó khăn, do vậy vấn đề dạy nghề, tạo việc làm cho lao động địa phương luôn được chính quyền địa phương quan tâm. Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho LĐNT vẫn chưa thực sự thu hút được người dân trên địa bàn tham gia.
Bí thư Đảng ủy xã Cúc Phương- Đinh Thị Văn cho biết: Mặc dù địa phương nằm trong diện được hỗ trợ chính sách đào tạo nghề theo Quyết định 1956/QĐ-TTg cho LĐNT nhưng không thể mở các lớp đào tạo nghề cho LĐNT do thiếu học viên. Giai đoạn từ năm 2016 - 2019, xã mới mở được một lớp đào tạo đan bèo bồng cho khoảng 20 học viên. Do vậy một bộ phận lao động địa phương phải ly hương tìm việc làm.
Còn đối với xã Phú Long, xã chiếm hơn 30% là đồng bào DTTS cũng cùng chung tình trạng này. Anh Quách Văn Hà, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn 6, xã Phú Long cho biết: Hằng năm đều có chương trình hỗ trợ học nghề LĐNT, tuy nhiên tỷ lệ người dân tham gia các lớp đào tạo nghề rất ít. Hiện nay, thanh niên của thôn sau khi tốt nghiệp THPT xong chủ yếu đi làm trong các công ty ở khu vực lân cận.
Cúc Phương và Phú Long chỉ là hai trong những địa phương trên địa bàn huyện Nho Quan gặp khó khăn từ việc thu hút học viên tham gia các lớp đào tạo nghề LĐNT. Để thực hiện Đề án đào tạo nghề cho LĐNT đến năm 2020, UBND huyện Nho Quan đã đề ra mục tiêu mỗi năm đào tạo nghề cho từ 1.800 - 1.900 lao động. Giai đoạn 2010 - 2019, toàn huyện đã đào tạo nghề cho 5.259 lao động với tổng kinh phí trên 5,6 tỷ đồng. Trong đó, cao điểm nhất là năm 2010, 2011 thực hiện đào tạo nghề cho gần 2.000 học viên với tổng kinh phí trên 3 tỷ đồng, tập trung vào các nghề: Đính hạt cườm, đan bèo bồng, trồng nấm…
Tuy nhiên, nhiều nghề được đào tạo lại không thể duy trì, thực trạng này đã ảnh hưởng không nhỏ đến công tác đào tạo nghề của huyện. Cụ thể như năm 2015, huyện không tổ chức được lớp đào tạo nghề phi nông nghiệp nào do không tuyển được học viên. Bên cạnh đó, tỷ lệ học viên là người DTTS tham gia rất ít, chỉ chiếm 10%.
Lý giải về vấn đề này, ông Quách Văn Vĩ, Trưởng phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Nho Quan cho biết: Do trên địa bàn huyện chưa có nhiều nhà máy, xí nghiệp nên các học viên sau khi đào tạo nghề chưa giải quyết được nhu cầu việc làm, đầu ra sản phẩm theo nghề đào tạo chưa ổn định, còn bấp bênh nên chưa thu hút được người dân tham gia.
Để công tác đào tạo nghề gắn liền với giải quyết việc làm một cách lâu dài, bền vững thì đào tạo nghề phải gắn với duy trì được nghề đã học. Cần lựa chọn nghề đào tạo phù hợp với địa phương, liên kết đầu ra sản phẩm phải ổn định, đủ sức cạnh tranh. Có như vậy mới thu hút được người dân tham gia học nghề, giải quyết được việc làm trên quê hương…