Thế nhưng, với tâm địa xấu xa, các thế lực thù địch đã trắng trợn xuyên tạc, bóp méo vai trò, ý nghĩa của phần việc này; đồng thời tung ra nhiều chiêu trò, đặt điều hoài nghi rằng: Liệu người dân Việt Nam có dám nói thẳng, nói thật góp ý với Đảng? Và rằng liệu Đảng có trân quý, thực tâm lắng nghe dân?
1. Trên trang của RFA vừa đăng một bài với tiêu đề: “Liệu dân có “dám” đóng góp ý kiến với Đảng?”. Bài viết này cho rằng, việc Đảng Cộng sản Việt Nam khai trương trang web kêu gọi nhân dân tham gia góp ý vào dự thảo văn kiện đại hội (VKĐH); các cơ quan báo chí chính thống đồng loạt mở chuyên mục góp ý vào dự thảo VKĐH XIII của Đảng, thực chất chỉ là một hình thức mị dân, bởi chắc chắn người dân Việt Nam sẽ không dám ý kiến, không có điều kiện nói thẳng, nói thật với Đảng; thậm chí sẽ “cố tình im lặng” để bảo đảm an toàn tính mạng và lợi ích chính trị... Hoặc nếu có thì đó cũng chỉ là những màn kịch đã được dựng sẵn theo chủ ý của giới lãnh đạo Việt Nam.
Thực chất, đây là những chiêu trò hòng bôi nhọ bản chất và truyền thống trọng dân, lắng nghe dân của Đảng ta. Đây cũng là cách thức mà lực lượng chống phá cố tình gây nhiễu loạn thông tin về hoạt động lấy ý kiến nhân dân vào dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng. Nguy hiểm hơn, những thủ đoạn này ít nhiều sẽ gây hoang mang dư luận, giảm bầu nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm của một bộ phận quần chúng; lôi kéo những người thiếu bản lĩnh, nhẹ dạ, cả tin hùa theo ý đồ chính trị đen tối, chống phá Đại hội XIII của Đảng; sâu xa hơn là phủ nhận, tiến tới xóa bỏ vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với toàn xã hội.
Chúng ta biết rằng, suốt chiều dài lịch sử của Đảng Cộng sản Việt Nam, trải qua các kỳ đại hội, Đảng ta luôn cầu thị, lắng nghe góp ý của quần chúng nhân dân. Trong hoạt động lãnh đạo phong phú, sôi động và hào hùng kể từ khi ra đời đến nay, Đảng luôn thấm nhuần bài học sự nghiệp cách mạng là của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Toàn bộ hoạt động của Đảng đều xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Sức mạnh của Đảng là ở sự gắn bó mật thiết với nhân dân!
Bởi thế, việc Trung ương tổ chức lấy ý kiến góp ý rộng rãi của quần chúng nhân dân vào dự thảo các VKĐH Đảng lần thứ XIII là thể hiện sự tiếp nối bản chất, truyền thống cách mạng tốt đẹp của Đảng; cũng đồng thời cho thấy sự cầu thị, nghiêm túc lắng nghe dân của Đảng cầm quyền chân chính; khẳng định vị trí, ý nghĩa của một phần việc quan trọng đã thành nền nếp qua các kỳ đại hội của Đảng. Hoạt động này càng cho thấy sự quan trọng đặc biệt và yêu cầu rất cao về chất lượng VKĐH XIII của Đảng, đúng như khẳng định của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, rằng: VKĐH là một văn kiện rất quan trọng, vừa mang tính lý luận cao, tính thực tiễn sâu sắc và tính chính trị chỉ đạo lâu dài, là một văn kiện tồn tại mãi mãi trong lịch sử của Đảng, của đất nước. Do đó phải chuẩn bị thật công phu, khoa học, phát huy hết trí tuệ, trách nhiệm của toàn Đảng, toàn dân.
2. Thực chất, việc lấy ý kiến rộng rãi của các tầng lớp nhân dân vào dự thảo VKĐH XIII của Đảng là tập hợp và phát huy trí tuệ, tâm huyết, quyền làm chủ của nhân dân, tham gia đóng góp với Đảng trong quá trình hoạch định đường lối, chủ trương, quyết sách quan trọng, phát triển đất nước đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030 và 2045. Điều này thể hiện bản chất ưu việt của chế độ, phát huy tinh thần dân chủ, tạo sự thống nhất về nhận thức, hành động; giúp tăng cường đoàn kết thống nhất trong Đảng, đại đoàn kết toàn dân tộc; củng cố, bồi đắp niềm tin của nhân dân đối với Đảng; làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ máu thịt giữa Đảng và nhân dân.
Để phát huy cao nhất trí tuệ, trách nhiệm của nhân dân, Ban Tuyên giáo Trung ương đã sớm ban hành nhiều văn bản hướng dẫn, yêu cầu việc đóng góp vào dự thảo VKĐH XIII phải được tiến hành khoa học, thiết thực, đúng tiến độ, chất lượng, hiệu quả, tránh hình thức, lãng phí; bảo đảm khơi dậy và phát huy tinh thần trách nhiệm, tình cảm và tâm huyết của nhân dân đối với Đảng và đất nước. Hướng dẫn số 151-HD/BTGTW của Ban Tuyên giáo Trung ương chỉ rõ hình thức góp ý của nhân dân được tiến hành trực tiếp tại hội nghị lấy ý kiến nhân dân, sinh hoạt thường kỳ của các tổ chức chính trị-xã hội (CTXH), các hội thảo, tọa đàm khoa học; gửi thư góp ý kiến đến cấp ủy đảng các cấp và tới các cơ quan báo chí của Trung ương, của đảng bộ các địa phương, các ban, bộ, ngành, tổ chức CTXH.
Thực hiện chủ trương và các hướng dẫn của Trung ương, tuy thời gian lấy ý kiến các tầng lớp nhân dân chỉ diễn ra trong 20 ngày (từ ngày 20-10 đến hết ngày 10-11-2020), nhưng trong toàn xã hội đã diễn ra một đợt sinh hoạt chính trị rộng khắp; nhất là ở các ban, ngành, tổ chức CTXH, địa phương, cơ quan báo chí... Trên cơ sở định hướng và sự thật tâm cầu thị của Trung ương, quần chúng nhân dân trên mọi miền Tổ quốc đã chủ động nghiên cứu, tự giác nêu chính kiến, quan điểm, chia sẻ kinh nghiệm, đề xuất giải pháp, đóng góp cho Đảng thông qua các kênh tiếp nhận khác nhau. Người dân làm việc đó một cách tự giác, chứ không gò ép, hay bị bắt buộc. Đặc biệt, phần lớn quần chúng đều nhận thức rõ trách nhiệm công dân và gửi đi hy vọng, rằng ý kiến bản thân sẽ được Trung ương và các ban, ngành chức năng tiếp thu, bổ sung vào dự thảo VKĐH, góp phần hoạch định đường lối cách mạng, đẩy mạnh công cuộc đổi mới đất nước trong thời gian tới.
Tính tích cực của quần chúng được thể hiện rất rõ ở việc quan tâm theo dõi, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu các tài liệu về Đại hội XIII của Đảng. Theo đó, ngay sau khi Trung ương công bố các dự thảo văn kiện, nhiều cơ quan báo chí đã tiếp nhận và đăng tải được ngay các ý kiến góp ý của người dân vào các dự thảo VKĐH XIII (thông qua việc chủ động nghiên cứu các dự thảo các văn kiện trình Đại hội XIII của Đảng được gửi đến các đảng bộ cơ sở (bản tóm tắt) và đảng bộ cấp huyện, tỉnh và tương đương (bản toàn văn) để đóng góp ý kiến trước đó...
Và như vậy, không hề như sự rêu rao của những đối tượng ác ý, chống phá cách mạng, rằng việc góp ý kiến vào dự thảo VKĐH XIII của Đảng sẽ có thể bị chính quyền “sờ gáy”, bị bỏ tù nếu dám nói thẳng, nói thật, hay phát biểu xúc phạm đến chính quyền và đội ngũ cán bộ. Trên thực tế, người dân đã thật tâm, thật lòng, không ngần ngại dốc bầu nhiệt huyết, góp ý thẳng thắn, nêu cao tính chiến đấu, mạnh mẽ phê bình và đề cao dân chủ trong quá trình đóng góp ý kiến. Có thể nói, chưa bao giờ cơ chế và điều kiện xã hội được khơi thông, khuyến khích, cổ vũ người dân góp ý cho Đảng một cách thuận lợi, rộng rãi như thời gian qua. Bởi thế, người dân mạnh dạn đề xuất nhiều vấn đề bức xúc, vướng mắc, kể cả những nội dung nhạy cảm, như: Hạn chế của công tác phòng, chống tham nhũng; yếu kém trong công tác cán bộ; trực tiếp phê bình tổ chức đảng, người đứng đầu ở các cấp... Có một nguyên tắc bất biến, được người dân tự giác thực hiện, đó là việc đóng góp ý kiến phải trên tinh thần xây dựng, không vượt quá giới hạn của dân chủ XHCN và phải được tiến hành bằng các phương pháp, hình thức chính thống.
Sự tích cực đóng góp vào dự thảo VKĐH XIII còn được thể hiện rất rõ từ tinh thần, trách nhiệm của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài. Dù làm ăn, sinh sống nơi xứ người, nhưng với tình yêu Tổ quốc, với trách nhiệm công dân, đông đảo người Việt Nam ở nhiều nước trên thế giới đã tích cực đóng góp trí tuệ, trách nhiệm, kinh nghiệm vào dự thảo VKĐH XIII của Đảng thông qua các hội nghị do đại sứ quán các nước tổ chức. Nhiều người dân, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu Việt Nam ở nước ngoài đã dành nhiều thời gian, công sức nghiên cứu dự thảo VKĐH XIII của Đảng, chủ động viết bài, góp ý cho Đảng thông qua hệ thống cơ quan báo chí Trung ương và cơ quan chức năng có thẩm quyền. Đây thật sự là một trong những kênh tri thức quý báu để Trung ương xem xét, tiếp thu, hoàn chỉnh các dự thảo VKĐH.
3. Cùng với việc rêu rao, cho rằng người dân Việt Nam sẽ không dám tham gia góp ý với Đảng, lực lượng thù địch còn cố tình đặt ra nghi vấn, rằng liệu Đảng Cộng sản Việt Nam có chân thành lắng nghe góp ý của nhân dân?
Thực chất, luận điệu này là hòng tạo ra sự hoài nghi trong dư luận và tâm lý cộng đồng khiến quần chúng giảm bớt tâm huyết, trách nhiệm trong quá trình tham gia nghiên cứu, đóng góp ý kiến với Đảng...
Xin thưa rằng, tâm huyết, trí tuệ của quần chúng nhân dân là tài sản vô cùng quý báu-nguồn sức mạnh tri thức dồi dào và “tươi màu thực tiễn” mà Đảng ta luôn trân quý, cầu thị lắng nghe, thực tâm đón nhận. Thực tiễn cách mạng Việt Nam đã chứng minh sinh động cho điều đó và trong quá trình chuẩn bị Đại hội XIII của Đảng, thực tế đó một lần nữa được kiểm định, củng cố chắc chắn.
Như đã biết, ngay từ tháng 1-2020, Văn phòng Trung ương Đảng đã ban hành Hướng dẫn số 60-HD/VPTW, hướng dẫn tổng hợp ý kiến góp ý vào các dự thảo VKĐH đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Văn bản này chỉ rõ mục đích, yêu cầu, nội dung, phương pháp tổng hợp ý kiến đóng góp của các đối tượng vào dự thảo VKĐH XIII của Đảng. Điều đó cho thấy, Đảng ta nhận thức rất rõ vai trò, vị trí của công tác tổng hợp; cũng đồng thời minh chứng cho sự trọng thị, lắng nghe ý kiến quần chúng nhân dân của Trung ương.
Bám sát hướng dẫn đó, việc tiến hành công tác tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân thời gian qua được thực hiện chặt chẽ, khoa học, nghiêm túc ở mọi cấp, mọi ngành. Trong đó, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể CTXH tổ chức lấy ý kiến theo hệ thống dọc và mỗi đoàn thể đều có trách nhiệm tổng hợp gửi về Ban Dân vận Trung ương. Trung ương cũng phân công rõ trách nhiệm của các ban đảng trong việc tham gia tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân. Trong đó, Ban Tuyên giáo Trung ương tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân qua báo chí, thư gửi trực tiếp về Trung ương. Đảng đoàn Quốc hội tổng hợp ý kiến thảo luận góp ý của các đại biểu Quốc hội, gửi Bộ Chính trị qua Văn phòng Trung ương Đảng...
Chính sự phân công bài bản cho các ban, ngành, tổ chức đảng; đặt ra yêu cầu chặt chẽ về chất lượng và tiến độ, càng cho thấy sự trân trọng, nghiêm túc lĩnh hội, đón nhận ý kiến góp ý của nhân dân vào VKĐH XIII của Đảng. Theo GS, TS Phùng Hữu Phú, Phó chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương, sau khi các đầu mối có trách nhiệm tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân theo phân công của Trung ương, những văn bản tổng hợp sẽ được chuyển về các tiểu ban và các tổ biên tập để nghiên cứu, tiếp thu đến mức cao nhất những nội dung hợp lý.
Đặc biệt, sau khi các tiểu ban tiếp thu, hoàn thiện, Bộ Chính trị sẽ trực tiếp lắng nghe tổng hợp ý kiến góp ý của nhân dân; tiếp đó, Trung ương một lần nữa lắng nghe ý kiến nhân dân để tiếp thu triệt để, rồi mới trình Đại hội XIII của Đảng. Quá trình Bộ Chính trị và Trung ương lắng nghe ý kiến góp ý của nhân dân sẽ yêu cầu các tiểu ban phải giải trình rõ các vấn đề, như: Ý nào tiếp thu và tiếp thu thế nào, thể hiện trong văn bản thế nào so với trước; chỗ nào tiếp thu, chỗ nào chưa tiếp thu, vì sao. Tức là phải giải trình rất cặn kẽ lý do tiếp thu và những chỗ chưa tiếp thu. Cách làm đó cho thấy, Đảng ta luôn cầu thị, tiếp thu cao nhất trách nhiệm, trí tuệ của nhân dân, quyết tâm xây dựng các văn kiện của Đảng trở thành "văn bia để lại muôn đời sau". Đây cũng chính là cơ sở vững chắc, căn cứ xác đáng giúp vạch trần những luận điệu xuyên tạc, cố tình quy chụp bản chất của một Đảng cầm quyền chân chính luôn trọng dân, lắng nghe dân!