Thêm 10 “nhà tình thương” ở huyện Tu Mơ Rông
Theo thông tin từ UBND huyện Tu Mơ Rông thì từ năm 2023 đến năm 2024, bà Nguyễn Thị Kim Thảo (đại diện doanh nghiệp K. Ngọc) và bà Y Phím đã hỗ trợ cho 10 trường hợp xây dựng “nhà tình thương” tại xã Đăk Tờ Kan, xã Đăk Sao và xã Tu Mơ Rông.
Cụ thể, tại xã Đăk Tờ Kan, trong năm 2023, đại diện doanh nghiệp K. Ngọc triển khai hỗ trợ xây dựng 5 căn “nhà tình thương”, mỗi hộ được hỗ trợ 90 triệu đồng, gồm: Hộ bà Y Nông, thôn Đăk Prông; hộ ông A Bình, hộ ông A Lui, hộ ông A Hùng, hộ ông Nguyễn Hữu Trọng (đều trú thôn Kon Hnông, xã Đăk Tờ Kan). Trong số 5 hộ này thì chỉ có hộ A Hùng do không có điều kiện nên không đóng tiền đối ứng; 4 hộ còn lại thì có đóng tiền đối ứng, hộ thấp nhất là 2 triệu đồng và hộ nhiều nhất là 70 triệu đồng.
Ông Trần Thanh Hoàng, Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Việc triển khai hỗ trợ xây “nhà tình thương” của đại diện doanh nghiệp K. Ngọc đều không thông qua UBND xã mà làm việc trực tiếp với các hộ dân trên địa bàn xã để hỗ trợ xây nhà. Các căn nhà đã hoàn thành và đưa vào sử dụng.
Căn “nhà tình thương” của hộ ông A Hùng, thôn Kon Hnông, xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ RôngTại xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông, trong năm 2024 có hộ ông A Ly Kha và hộ ông A Thun, ở thôn Kạch Nhỏ được đại diện doanh nghiệp K. Ngọc hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương”. Nhưng 2 hộ này sau khi đóng tiền đối ứng thì nhà chỉ xây dựng dang dở rồi dừng, gia đình tự bỏ tiền để hoàn thiện nhà.
Đơn cử, hộ ông A Ly Kha, theo thỏa thuận ban đầu thì đại diện doanh nghiệp K. Ngọc và bà Y Phím hỗ trợ 90 triệu đồng để làm nhà, gia đình đối ứng 35 triệu đồng. Đầu năm 2024, gia đình đưa cho bà Y Phím 35 triệu đồng để mua vật liệu; đến tháng 7/2024 tiếp tục đưa thêm 100 triệu đồng; đến tháng 9/2024 hộ gia đình tiếp tục đưa thêm 70 triệu đồng nữa. Tổng cộng hộ gia đình đưa cho bà Y Phím là 205 triệu để mua vật liệu, nhưng làm nhà chưa hoàn thiện thì không làm nữa, gia đình điện thoại thì bà Y Phím không nghe máy. Do nhà bỏ dang dở, cuối năm 2024, ông A Ly Kha tiếp tục bỏ ra 99 triệu đồng để tự làm và hoàn thiện nhà ở.
Căn “nhà tình thương” của hộ ông A Thun, thôn Kạch nhỏ, xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông ước trị giá khoảng 95 triệu đồng, nhưng đây là số tiền ông A Thun phải tự bỏ ra làm chứ không có được 90 triệu đồng hỗ trợ như thỏa thuận của đơn vị tài trợÔng Nguyễn Văn Bền, Chủ tịch UBND xã Đăk Sao, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Khi triển khai làm nhà thì đơn vị hỗ trợ không thông qua xã, khi xã nắm bắt được thông tin và gọi điện cho đại diện doanh nghiệp K. Ngọc là bà Thảo và mời vào xã làm việc nhưng bà Thảo không vào. Từ đó đại diện doanh nghiệp K. Ngọc không hỗ trợ nữa và 2 gia đình tự bỏ tiền ra mua vật liệu thêm, thuê thợ để làm hoàn thiện nhà và đưa vào sử dụng. Tính ra giá trị căn nhà là toàn bộ số tiền người dân tự bỏ ra để làm, chứ không có hỗ trợ 90 triệu đồng từ đại diện doanh nghiệp K. Ngọc.
Riêng tại xã Tu Mơ Rông, huyện Tu Mơ Rông thì có 3 hộ được hỗ trợ làm “nhà tình thương”. Các hộ đã đóng tiền làm hồ sơ, tiền đối ứng qua bà Y Phím, nhưng chính quyền địa phương phát hiện, ngăn chặn kịp thời.
Nhiều vấn đề cần làm sáng tỏ
Theo quy định tại Khoản 1, Điều 18, Nghị định số 93/2021/NĐ-CP của Chính phủ “về vận động, tiếp nhận, phân phối và sử dụng các nguồn đóng góp tự nguyện hỗ trợ khắc phục khó khăn do thiên tai, dịch bệnh, sự cố; hỗ trợ bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo” thì cá nhân vận động từ thiện đều phải thông báo đến UBND nơi tiếp nhận để phối hợp xác định phạm vi, đối tượng, mức, thời gian hỗ trợ và thực hiện phân phối, sử dụng theo đúng cam kết, kể cả với các khoản đóng góp có điều kiện, địa chỉ cụ thể…
Như vậy, các hoạt động hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương” của bà Nguyễn Thị Kim Thảo và bà Y Phím trên địa bàn huyện Đăk Tô, huyện Tu Mơ Rông đều không thông qua chính quyền địa phương?
Việc hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương” thì đơn vị hỗ trợ tự làm việc với người dân chứ không thông qua chính quyền địa phươngTheo Điều 174, Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), lừa đảo chiếm đoạt tài sản là người phạm tội có hành vi áp dụng các hình thức, thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tài sản của người khác.
Theo đó, về hành vi: Dùng thủ đoạn gian dối là đưa ra thông tin giả (không đúng sự thật) nhưng làm cho người khác tin đó là thật và giao tài sản cho người phạm tội. Việc đưa ra thông tin giả có thể bằng nhiều cách khác nhau như bằng lời nói, bằng chữ viết (viết thư), bằng hành động và bằng nhiều hình thức khác như giả vờ vay, mượn, thuê để chiếm đoạt tài sản.
Về giá trị tài sản bị chiếm đoạt phải từ 2 triệu đồng trở lên.
Vậy, với việc hỗ trợ xây dựng “nhà tình thương”, nhưng người dân đóng tiền đối ứng, tiền làm hồ sơ nhưng người hỗ trợ không thực hiện như cam kết sẽ được xử lý như thế nào? Câu hỏi này xin được chuyển đến các cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum.