Linh hoạt cách phòng chống
Theo Sở Y tế Đăk Nông, trong địa bàn tỉnh có nhiều huyện như: Huyện Tuy Đức, Đăk R’lấp, Đăk Mil và Cư Jút nằm trong vùng sốt rét lưu hành nặng. Chỉ riêng năm 2018, toàn tỉnh có trên 200 ca mắc bệnh sốt rét. Các vùng giáp ranh biên giới hay vùng ven các vườn quốc gia đều có diễn biến phức tạp.
Để “hạ nhiệt” tình trạng này, các nhân viên y tế đã phối hợp với các già làng, Người có uy tín trong cộng đồng đến tận các thôn, buôn khảo sát, theo dõi chặt chẽ diễn biến của các ca bệnh, đồng thời cấp phát màn, phun hóa chất, khoanh vùng các ổ dịch. Là địa phương có sốt rét lưu hành nặng nhất tỉnh, với 100% xã có sốt rét, Trung tâm Y tế Tuy Đức cho biết: Đang triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả Dự án “Phòng, chống sốt rét cho dân khu vực biên giới Việt Nam-Campuchia giai đoạn 2016-2020”. Cốt lõi của Dự án này là đẩy lùi sốt rét ra khỏi khu dân cư, tạo đời sống ổn định cho các thôn, buôn. Cùng với việc xác lập bản đồ theo dõi chặt chẽ các nhóm dân di cư tự do thì 2 đội phòng chống sốt rét cơ động cũng đã được thành lập để kịp thời nắm bắt tình hình dân di cư nhiễm bệnh, đồng thời tăng cường điều tra, xử lý ổ bệnh sốt rét. Cùng với đó, ngành Y tế Đăk Nông cũng đã cấp Fendona 10SC và kem xua muỗi cho Trung tâm Y tế Tuy Đức để triển khai đến các nhóm thường xuyên đi rừng.
Tại các huyện khác, cũng đang khẩn trương khống chế bệnh bằng nhiều cách làm khác nhau như: Tăng cường điều tra, đánh giá tình hình mắc sốt rét tại cộng đồng. Cơ số thuốc và hóa chất luôn sẵn sàng. Tại Trung tâm Y tế Cư Jut, Đăk Glong công tác test chẩn đoán nhanh để phục vụ công tác phát hiện bệnh trong cộng đồng cũng được thực hiện mạnh mẽ, thường xuyên.
Với các cách làm linh hoạt của mình, ngành Y tế Đăk Nông kỳ vọng đến năm 2030 sẽ loại trừ được bệnh sốt rét ra khỏi các khu dân cư. Tuy nhiên, với diễn biến thất thường của thời tiết và nạn phá rừng như hiện nay, đó vẫn là bài toán cần nhiều nỗ lực để thực hiện.
Chủ quan, hậu quả sẽ khó lường
Theo báo cáo của ngành Y tế Đăk Nông, hết năm 2018, không có ca nào tử vong vì bệnh sốt rét. Vậy nhưng, người dân ở các vùng nông thôn, các nhóm dân di cư, các vùng kinh tế mới không được chủ quan. Vì chủ quan sẽ làm dịch bệnh phát triển, gây tổn hại sức khỏe cho chính mình và người thân. Ông Lê Văn Vị ở xã Đăk Ngo (huyện Tuy Đức) cho biết: Giữa năm 2018, do ngủ rừng nhiều ngày, mình bị sốt rét nhưng tự điều trị ở nhà. Cả con trai sau đó đi ngủ rừng cũng bị. Đến lúc nặng quá, phải vào bệnh viện cấp cứu. May thoát khỏi lưỡi hái của tử thần nhưng sức khỏe bị ảnh hưởng nặng nề.
Bác sĩ Nguyễn Thị Thanh Hương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đăk Nông nhận định: Khó khăn lớn nhất trong công tác chống bệnh sốt rét là do sự di biến động dân cư, tập quán sinh sống của người dân đi làm rừng, ngủ rẫy qua đêm ít sử dụng màn và các biện pháp bảo vệ cá nhân. Vậy nên, mỗi nhân viên y tế cũng phải như một tuyên truyền viên, nhất là các nhân viên ở địa bàn thôn, xã. Công tác vận động người dân làm tốt công tác phòng chống sốt rét, thường xuyên đến các cơ sở y tế để được chăm sóc sức khỏe, thăm khám bệnh kịp thời tiến hành liên tục, chắc chắn công tác phòng, chống dịch bệnh sẽ đạt được nhiều hiệu quả tích cực.
HÀ VĂN ĐẠO