Với lịch sử hơn 2.000 năm, Phật giáo Việt Nam đã hội nhập và đồng hành như một thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa - xã hội đất nướcLễ quốc tế vì hòa bình
Cách đây hơn 24 năm, theo đề nghị của 34 quốc gia thành viên có Phật giáo, tại phiên họp thứ 54, Đại hội đồng LHQ đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của LHQ để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật. LHQ cũng công nhận Đại Lễ Vesak là Lễ thiêng liêng của thế giới, là Lễ quốc tế vì hòa bình của LHQ.
Theo Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Dân tộc và Tôn giáo), việc LHQ công nhận Đại lễ Vesak là Lễ quốc tế vì hòa bình là một chủ trương lớn, với nhiều ý nghĩa quan trọng. Bên cạnh mở rộng nhịp cầu tâm linh thì Đại lễ Vesak LHQ là sự kiện tôn vinh Phật giáo về những giá trị văn hoá nhân bản của con người và xã hội. Đặc biệt, theo Ban Tôn giáo Chính phủ, LHQ mong muốn thông qua việc tổ chức Đại Lễ Vesak LHQ để đề cao triết lý và khuyến khích xây dựng một thế giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác, cùng phát triển bền vững.
Đây cũng là dịp để các quốc gia có Phật giáo, đặc biệt là nước đăng cai tổ chức, có cơ hội tạo hình ảnh tốt đẹp với bạn bè thế giới về đất nước và con người có Phật giáo yêu chuộng hoà bình, thân thiện, đoàn kết và phát triển. Đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ còn là sự thể hiện vai trò, trách nhiệm của quốc gia thành viên LHQ, với đóng góp tích cực, chủ động và trách nhiệm vào việc thực hiện các mục tiêu Thiên niên kỷ của LHQ.
Với sự tham dự của 1.250 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ và khoảng 1.500 đại biểu trong nước, Đại lễ Vesak LHQ 2025 được xem là hoạt động rất tích cực của GHPG Việt Nam trong thực thi đường lối đối ngoại Nhân dân; qua đó, khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế trong khu vực và thế giới. Tuyên bố Vesak TP. Hồ Chí Minh sẽ là sự đóng góp của Việt Nam vào sứ mệnh hoàn thành Mục tiêu Thiên niên kỷ của Liên hợp quốc vì hòa bình và phát triển bền vững.
Là thành viên của LHQ và là nước có Phật giáo gắn bó đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, năm 2025, Việt Nam lần thứ tư vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ. Trước đó, Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công 3 kỳ Đại lễ Vesak LHQ, vào các năm 2008 (với 87 nước tham dự), năm 2014 (với 95 nước tham dự) và năm 2019 (với 112 nước tham dự). Đây là sự ghi nhận của LHQ đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế.
Đoàn kết để phát triển bền vững
Là quốc gia có nhiều tôn giáo và tín ngưỡng, để đảm bảo sự đoàn kết giữa các tôn giáo cũng như đảm bảo sự hài hòa trong việc tổ chức một sự kiện vừa mang ý nghĩa văn hóa, vừa có tính chất thuộc một tôn giáo, trong lần đầu tiên đăng cai (năm 2008), Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Điều phối Quốc gia tổ chức Đại lễ Vesak LHQ. Còn lần thứ hai (năm 2014) và lần thứ ba (năm 2019) đều do Giáo hội Phật giáo (GHPG) Việt Nam đứng ra tổ chức, với sự giúp đỡ của Tổ công tác liên ngành Trung ương, và cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương nơi diễn ra Đại lễ.
Đại lễ Vesak năm 2025 cũng do GHPG Việt Nam đăng cai tổ chức, với sự giúp đỡ của Tổ công tác liên ngành Trung ương, do Thứ trưởng Bộ Dân tộc và Tôn giáo Nguyễn Hải Trung làm Tổ trưởng. Với sự hỗ trợ của Tổ công tác liên ngành và TP. Hồ Chí Minh, GHPG Việt Nam đã hoàn tất công tác chuẩn bị cho ngày Đại lễ thiêng liêng của thế giới - Lễ quốc tế vì hòa bình của LHQ diễn ra tại Việt Nam.
Lễ thả chim bồ câu cầu nguyện hòa bình trong Lễ khai mạc Đại lễ Vesak LHQ năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình. Ảnh: TTXVNTại buổi họp báo thông tin về Đại lễ Vesak 2025, Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội đồng Trị sự GHPG Việt Nam, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Đại lễ Vesak LHQ 2025, Trưởng ban Nội dung Đại lễ Vesak LHQ 2025 đã khẳng định: Đại lễ Vesak LHQ năm nay được tổ chức đúng dịp Kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025) và Kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam (02/9/1945 - 02/9/2025). Đây là sự kiện đối ngoại văn hóa quốc tế vô cùng ý nghĩa của GHPG Việt Nam và của đất nước ta năm 2025.
“Đây là dịp giới thiệu về hình ảnh đất nước, con người Việt Nam yêu chuộng hòa bình, thân thiện, đoàn kết; để bạn bè quốc tế chứng kiến TP. Hồ Chí Minh năng động, sáng tạo, phồn vinh, thịnh vượng sau 50 năm thống nhất đất nước. Đất nước Việt Nam hội nhập, phát triển, vươn mình cùng thế giới trong kỷ nguyên mới”, Thượng tọa Thích Đức Thiện khẳng định.
Theo đại diện GHPG Việt Nam, đây cũng là dịp khẳng định với cộng đồng quốc tế về chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; về thực tiễn đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam; đồng thời một lần nữa khẳng định với quốc tế về vai trò, vị thế của GHPG Việt Nam trong cộng đồng Phật giáo thế giới. Đại lễ là dịp để tiếp tục xiển dương giá trị giáo lý của Đức Phật vì hòa bình và phụng sự nhân sinh trong bối cảnh thế giới ngày nay.