Dự kiến đại biểu quốc tế dự Đại lễ Vesak 2025 gồm khoảng 1.200 đại biểu đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ (Ảnh MH)Dự kiến đại biểu quốc tế dự Đại lễ Vesak 2025 gồm khoảng 1.200 đại biểu, đến từ 85 quốc gia và vùng lãnh thổ. Các đại biểu chính thức gồm: Quan chức lãnh đạo cơ quan của Liên hợp quốc; nguyên thủ một số quốc gia; các vị Tăng vương, Tăng thống, Chủ tịch các tổ chức Phật giáo trên thế giới; các vị cao Tăng, tiêu biểu các truyền thống Phật giáo lớn trên thế giới, có vai trò quan trọng trong việc định hướng, phát triển cộng đồng Phật giáo thế giới; các nhà nghiên cứu, các học giả, giáo sư, tiến sĩ từ các trường đại học, viện nghiên cứu nổi tiếng; các nhân sĩ trì thức Phật giáo trên thế giới.
Đại biểu trong nước dự kiến khoảng 1.500 đại biểu, gồm Giáo hội Phật giáo Việt Nam (Lãnh đạo Hội đồng Chứng minh, Hội đồng Trị sự, Ban Trị sự các tỉnh, thành phố cả nước); khách mời lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; các Ban, Bộ ngành Trung ương; Lãnh đạo TP. Hồ Chí M Minh, tỉnh Long An, tỉnh Tây Ninh, TP. Hà Nội, tỉnh Ninh Bình, tỉnh Hà Nam; các Phật tử tiêu biểu các địa phương
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc là hoạt động văn hóa của Liên hợp quốc. Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 54 ngày 15/12/1999 quyết định Vesak hay lễ Tam hợp kỷ niệm ngày đản sinh, thành đạo và Niết bàn của Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là lễ hội văn hóa tôn giáo vì hòa bình. Từ năm 2000 đến nay, Đại lễ Vesak Liên hợp quốc đã được tổ chức 19 kỳ, tại Trụ sở Liên hợp quốc và các nước trên thế giới.
Việt Nam đã đăng cai và tổ chức thành công 3 kỳ Đại lễ Vesak Liên hợp quốc, vào các năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình, Thủ đô Hà Nội; năm 2014 tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình; và năm 2019 tại chùa Tam Chúc, tỉnh Hà Nam.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc 2025 được tổ chức tại TP. Hồ Chí Minh cũng là dịp khẳng định với cộng đồng quốc tế về chính sách nhất quán tôn trọng và bảo đảm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo của Đảng và Nhà nước Việt Nam; về thực tiễn đời sống tự do tôn giáo ở Việt Nam; về thành quả mà cộng đồng các tôn giáo ở Việt Nam thành tựu sau 50 năm đất nước thống nhất.
Đại lễ Vesak Liên hợp quốc được xem là hoạt động rất tích cực của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong đường lối đối ngoại nhân dân. Tăng cường sự hiểu biết, giao lưu, hợp tác hữu nghị thân thiết giữa nhân dân Việt Nam với tất cả bạn bè quốc tế trên thế giới. Qua đó khẳng định vị thế và trách nhiệm của Việt Nam đối với Liên hợp quốc, cộng đồng quốc tế trong khu vực và thế giới.
Tuyên bố Vesak TP. Hồ Chí Minh sẽ là sự đóng góp của Việt Nam vào sứ mệnh hoàn thành mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc vì hòa bình và phát triển bền vững.