Với lịch sử hơn 2.000 năm, Phật giáo Việt Nam đã hội nhập và đồng hành như một thành tố quan trọng trong đời sống văn hóa-xã hội đất nướcLTS: Là thành viên của LHQ và là nước có Phật giáo gắn bó đồng hành cùng dân tộc trong suốt chiều dài lịch sử, năm 2025, Việt Nam lần thứ tư vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ. Đây là sự ghi nhận của LHQ đối với những thành tựu của Việt Nam trong việc thực hiện chính sách, pháp luật về tôn giáo và vai trò của Giáo hội Phật giáo Việt Nam trên trường quốc tế. Hướng tới Đại lễ Vesak LHQ năm 2025 dự kiến diễn ra từ 6-8/5 tại Học viện PGVN Cơ sở II - TP. Hồ Chí Minh, Báo Dân tộc và Phát triển điểm lại những dấu ấn của Việt Nam trong việc tổ chức sự kiện tôn giáo này; qua đó một lần nữa khẳng định đường lối phát triển tôn giáo nhất quán của Đảng và Nhà nước ta, được cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Mốc son của lịch sử Phật giáo Việt Nam
Đại lễ Vesak (còn gọi là Đại lễ Phật đản) là ngày kỷ niệm Đức Phật Thích Ca sinh ra. Theo Hòa thượng Danh Lung, Ủy viên Thư ký Hội đồng Trị sự, Phó Ban Hoằng pháp Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN) phụ trách Phân ban Hoằng pháp Phật giáo Nam tông Khmer, Đại lễ Phật đản là ngày Lễ kỷ niệm lớn nhất trong năm của Phật giáo. Ngày Phật đản hay còn gọi là đại lễ ngày Đản sinh, thành đạo và nhập Niết bàn.
“Vào ngày này, phật tử thường tới chùa cúng trai tăng, nghe pháp, xin thọ trì bát quan trai giới và có các hoạt động như tụng kinh, thọ hạnh đầu đà một đêm hoặc tổ chức nghi thức tắm Phật và rước xe hoa Phật”, Hòa thượng Danh Lung chia sẻ.
Đại lễ Vesak là Đại lễ gọi theo tháng (Vesak); Đại lễ Tam hợp Đức Phật là Đại lễ kỷ niệm ba sự kiện lớn trong cuộc đời Đức Phật đều diễn ra vào ngày trăng tròn tháng Vesak (tương đương với tháng 5 Tây lịch).
Ngày 15/12/1999, theo đề nghị của 34 quốc gia thành viên có Phật giáo, tại phiên họp thứ 54, Đại hội đồng LHQ đã chính thức công nhận Đại lễ Vesak là một lễ hội văn hóa, tôn giáo quốc tế của LHQ để tôn vinh giá trị đạo đức, văn hóa, tư tưởng hòa bình, đoàn kết hữu nghị của Đức Phật.
Năm 2000, lần đầu tiên Đại lễ Vesak LHQ đã được long trọng tổ chức tại Trụ sở chính LHQ (New York, Mỹ) với sự tham dự của các truyền thống tông môn, hệ phái Phật giáo thuộc 34 quốc gia.
Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ năm 2008 (diễn ra từ ngày 14 - 17/5, tại Hà Nội). Là quốc gia có nhiều tôn giáo và tín ngưỡng, để đảm bảo sự đoàn kết giữa các tôn giáo cũng như đảm bảo sự hài hòa trong việc tổ chức một sự kiện vừa mang ý nghĩa văn hóa, vừa có tính chất thuộc một tôn giáo, Thủ tướng Chính phủ đã thành lập Ban Điều phối Quốc gia tổ chức Đại lễ Vesak LHQ năm 2008 tại Quyết định số 1275/QĐ-TTg ngày 24/9/2007.
Đại lễ Vesak LHQ năm 2008 do Việt Nam đăng cai tổ chức tại Trung tâm Hội nghị quốc gia – Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)Theo Quyết định số 1275/QĐ-TTg, Trưởng Ban Điều phối Quốc gia là ông Nguyễn Thế Doanh, Trưởng ban Ban Tôn giáo Chính phủ; Phó Trưởng ban là đại diện Hội đồng Trị sự GHPGVN; đại diện lãnh các cơ quan: Ban Đối ngoại Trung ương, Ban Dân vận Trung ương (nay là Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương), Bộ Ngoại giao, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ; Tổng Thư ký Ban Điều phối Quốc gia là Hòa thượng Thích Trí Siêu (tức GS.TS Lê Mạnh Thát) - Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Vesak LHQ năm 2008.
Thông tin chính thức từ Ban Tôn giáo Chính phủ (Bộ Dân tộc và Tôn giáo) cho thấy, Đại lễ Vesak LHQ năm 2008 có sự tham dự của trên 900 đại biểu quốc tế, đại diện cho 74 quốc gia, vùng lãnh thổ có Phật giáo; đại biểu các tổ chức quốc tế, các đoàn ngoại giao... Ngoài ra còn có sự tham gia của trên 20.000 Tăng, Ni, Phật tử đại diện các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài, Phật tử Việt kiều tiêu biểu; đồng bào Phật tử, Nhân dân trong nước.
Tại Đại lễ, đại diện cho GHPGVN, Hòa thượng Thích Trí Siêu (tức GS.TS Lê Mạnh Thát), Phó Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Uỷ ban Tổ chức Quốc tế Vesak LHQ năm 2008 đã khẳng định: “Đại lễ Vesak 2008 là sự kiện lịch sử Phật giáo quốc tế lớn nhất trong hơn 2 nghìn năm lịch sử Phật giáo của Việt Nam”.
Dấu ấn Việt Nam
Hoạt động của Đại lễ Vesak năm 2008 quy mô không chỉ ở Thủ đô Hà Nội mà còn diễn ra ở nhiều địa phương với các hoạt động phong phú. Ngoài những hoạt động chung với tính chất Đại lễ còn có những Hội thảo theo các chủ đề, hoạt động văn hoá, văn nghệ, triển lãm ảnh, thư pháp nghệ thuật, triển lãm thực phẩm, diễu hành xe hoa, thả đèn lồng trên sông và trong không gian, thả bóng bay, thắp nến cầu nguyện cho hoà bình thế giới.
Đại biểu dự Lễ khai mạc Đại lễ Vesak năm 2008 tại Trung tâm Hội nghị quốc gia - Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)Theo đánh giá của Ban Tôn giáo Chính phủ, bên cạnh ý nghĩa tâm linh, ý nghĩa văn hóa, ý nghĩa đạo đức,... thì Đại lễ Vesak LHQ năm 2008 có ý nghĩa học thuật to lớn, đúc rút từ các hội thảo được tổ chức trong khuôn khổ Đại lễ. Những chuyên đề tại các hội thảo đã đưa ra những quan điểm, giải pháp của Phật giáo đối với các vấn đề ảnh hưởng đến xây dựng xã hội phát triển bền vững, gắn liền với chủ trương của LHQ và mối quan tâm của các quốc gia, đặc biệt là nước đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ.
Tại Đại lễ Vesak LHQ 2008, với chủ đề chính “Sự cống hiến của Phật giáo trong việc xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”, các đại biểu đã thảo luận những đề tài như: Sự thay đổi khí hậu toàn cầu, những mâu thuẫn trong gia đình, chiến tranh và hàn gắn, những thay đổi xã hội, vấn đề giáo dục của Phật giáo, Phật giáo nhập thế và Phật giáo trong giai đoạn kỹ thuật số.
Đại lễ Vesak LHQ năm 2008 đã ra Tuyên bố Hà Nội gồm 16 điểm, nhấn mạnh những khía cạnh Phật giáo có thể đóng góp, thúc giục cộng đồng quốc tế tăng cường các nỗ lực cho một thế giới bền vững thông qua đối thoại trên cơ sở tôn trọng và tin tưởng lẫn nhau. Tuyên bố Hà Nội còn khẳng định, phát triển kinh tế, xã hội không thể bền vững khi thiếu vắng hòa bình và sự tôn trọng quyền tự do căn bản của con người.
Theo đánh giá của Ban Tôn giáo Chính phủ, Đại lễ Vesak LHQ năm 2008 là dịp để các quốc gia có Phật giáo, đặc biệt là nước đăng cai tổ chức có cơ hội tạo hình ảnh tốt đẹp với bạn bè thế giới về đất nước và con người có Phật giáo yêu chuộng hoà bình, thân thiện, hoà hợp, đoàn kết và phát triển.
Đối với nước chủ nhà đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ là sự thể hiện, nâng tầm vị thế với bạn bè thế giới, tăng cường thiết lập bang giao, tình hữu nghị với các quốc gia mời tham dự và các tổ chức quốc tế.
Thả chim cầu nguyện hòa bình tại Lễ thượng cờ Đại lễ Vesak năm 2008 tại Hà Nội. (Ảnh: TTXVN)Đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak LHQ còn là sự thể hiện vai trò, trách nhiệm của quốc gia thành viên LHQ, với đóng góp tích cực, chủ động và trách nhiệm vào việc thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của LHQ; góp phần hội nhập quốc tế sâu rộng của các quốc gia nhằm xây dựng nền hòa bình trên thế giới.
Tại Hội nghị tổng kết công tác tổ chức Đại lễ Vesak LHQ năm 2008 do Ban Tôn giáo Chính phủ tổ chức ngày 12/01/2009, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm đánh giá cao những đóng góp trí tuệ, công sức và quyết tâm của hàng ngàn tín đồ Giáo hội Phật giáo; của các học giả, của các tăng ni, phật tử gần xa; của GHPGVN và Ban Điều phối Quốc gia, trong đó có nhiều đại biểu là người Việt Nam ở nước ngoài, đã nâng vị thế và uy tín của Phật giáo Việt Nam trong lòng bạn bè thế giới.
Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Gia Khiêm khẳng định, thông qua Đại lễ Vesak LHQ năm 2008, Việt Nam đã giới thiệu và khẳng định với bạn bè thế giới quan điểm chỉ đạo, đường lối phát triển tôn giáo nhất quán của Đảng và Nhà nước; vai trò, vị trí và những đóng góp của của Phật giáo đối với sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa đất nước; đánh bại những âm mưu của các thế lực thù địch muốn dùng tôn giáo để xuyên tạc, bôi nhọ hình ảnh của Việt Nam. Đồng thời, tiếp tục thúc đẩy và tăng cường mối quan hệ hợp tác, tinh thần đoàn kết giữa phật tử và Nhân dân Việt Nam với bạn bè thế giới.
Đại lễ Vesak LHQ là ngày quốc tế tôn vinh Phật giáo về những giá trị văn hoá nhân bản của con người và xã hội. Đại lễ còn là cơ hội để các quốc gia, cộng đồng và cá nhân giao lưu, học hỏi, trao đổi những tinh hoa văn hoá của các nước; đồng thời kêu gọi ý thức bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hoá thế giới và di sản văn hóa quốc gia, trong đó bao gồm các di sản văn hoá Phật giáo.
(Còn nữa)