Giấc mơ đổi dời
“Đà Lạt chẳng còn gì!”, nhiều người đã thảng thốt khi đến Đà Lạt thời gian gần đây, khi mà họ đã nghe quá nhiều về Đà Lạt với sự thơ mộng, về khung cảnh, về cái hồn thơ của Đà Lạt sống động trong từng khung cảnh rất đơn sơ, chẳng hề tạp lẫn. Nhưng bây giờ, Đà Lạt ồn ào khói bụi, kẹt xe, không khí nóng lên, những rừng thông bị bức tử, những khối bê tông đồ sộ mọc lên choán hết tầm nhìn.
Ở những khu du lịch tại Đà Lạt, nhiều loại hình du lịch không phù hợp đã xuất hiện. Chuyện của khu du lịch Quỷ Núi khiến nhiều người dân và cả du khách thất vọng…
Người ta đang quy hoạch lại Đà Lạt theo hướng phát triển mới. Điển hình nhất là quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình. Đây có lẽ là chủ đề được quan tâm nhất hiện nay ở Đà Lạt, và với cả những người yêu Đà Lạt vì sức ảnh hưởng quá lớn của nó. Trong một bài viết trên báo, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng đã nói đại ý rằng, không nên hoài niệm quá khứ mà cản trở sự phát triển của Đà Lạt. Và nhiều người đã xót xa khi nhìn vào bản quy hoạch chi tiết khu trung tâm Hòa Bình. Ở đó sẽ có một loạt cái tên: Rạp Hòa Bình, dãy Kiosque và khách sạn dọc đường Nguyễn Thị Minh Khai, khu phố chợ đường Phan Bội Châu, khu bến xe Tùng Nghĩa... sẽ được san bằng để xây dựng trung tâm thương mại cao tầng.
Những người yêu Đà Lạt và cả trong những tấm ảnh về Đà Lạt nhiều năm qua, có thể dễ dàng nhận ra, đa số những căn nhà sẽ bị xóa sổ ấy đã được định vị từ cách đây gần trăm năm trong quy hoạch ban đầu của Đà Lạt mà người Pháp đã xây dựng. Những người hoài cổ sẽ rất đau lòng khi rạp hát Hòa Bình sẽ bị dỡ bỏ. Dãy nhà cổ phía sau rạp Hòa Bình, trong đó có bức tường vàng Cối xay gió của ngôi nhà cổ lâu nay trở thành điểm Check-in nổi tiếng của giới trẻ cũng sẽ không còn nữa. Lúc ấy, cái không gian thoáng đãng, những công trình vừa cũ kỹ vừa ấm áp hiện nay sẽ hoàn toàn biến mất, cùng với nét duyên thầm của một Đà Lạt xưa.
Chưa hết, nhiều người thực sự âu lo khi vây quanh Đà Lạt là chuyện nhà kính phủ trắng từng mét đất Đà Lạt. Bên dưới lớp màng trắng là cái chết của cảnh quan, môi trường. Có những đánh giá khác rằng, nhà lồng, nhà kính như hiện nay không phải là nông nghiệp mà đó là những công xưởng nông sản. Những công xưởng chứa đựng những nguy hại không kém sản xuất công nghiệp.
Và những ngôi nhà cổ, những biệt thự cổ cả trăm năm tuổi nữa cũng đang đối diện với giấc mơ phát triển. Đà Lạt có hơn 1.900 biệt thự, trong đó hơn 1.500 ngôi được xây dựng trước năm 1975. Thế nhưng 30% trong số đó bị hư hỏng nặng, nhiều biệt thự cổ bị bỏ hoang.
Dinh Tỉnh trưởng là di tích cấp thành phố của Đà Lạt đã tồn tại hơn 100 năm, là nơi ở và làm việc của Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức trước đây. Tòa dinh thự hơn một trăm năm tuổi, là một trong những công trình được xây dựng sớm nhất ở Đà Lạt cũng đang đứng trước nguy cơ bị di dời. Chính quyền TP. Đà Lạt đã lập đề án sử dụng hợp lý quỹ biệt thự thuộc sở hữu nhà nước với nhiều căn ở trung tâm các trục đường lớn như Trần Hưng Đạo, Cô Giang, Quang Trung, Nguyễn Du, Hùng Vương, Trần Bình Trọng... nhưng số biệt thự thực sự đưa vào kinh doanh du lịch lại rất ít, dẫn đến những ngôi biệt thự cổ này đang bị bỏ hoang…
Đà Lạt bây giờ không còn sự thoáng đãng mát mẻ trước đây, không còn sự thơ mộng ngọt ngào, không còn hiu hắt thương nhớ. Giờ trong suy nghĩ của nhiều người từng đến, Đà Lạt như một mớ hổ lốn được cấp tốc dựng lên ngay trong những phần đất hoang sơ còn sót lại.
Thương nhớ ở ai?
Câu hỏi dấy lên nhiều ưu tư cho những ai đang sống hoặc trăn trở về thành phố của tình yêu. Khi mọi thứ qua đi, những gì còn lại đó là văn hóa. Đã có những tháng ngày, Đà Lạt kiêu hãnh bởi vô số rừng thông cổ thụ, bởi thiên nhiên hài hòa, khí hậu mát mẻ, bởi làn sương lạnh quyện bên hàng thông và cả những công trình kiến trúc cổ kính nhất. Nếu một ngày, một trong bất kỳ điều nào mất đi thì Đà Lạt cũng sẽ chẳng còn là Đà Lạt nữa.
Đà Lạt cứ mỗi tháng lại nổi lên những điểm Check in mới, thu hút giới trẻ không ngừng đến với thành phố. Và mộng mơ đôi khi có ranh giới thật mỏng manh với ác mộng! Nhất là khi người ta mang theo mộng mơ, còn thì gieo cho Đà Lạt toàn những ác mộng. Cơn ác mộng vây lấy thiên nhiên. Còn đấy bài toán núi rác Cam Ly hoài chưa giải được. Rồi ngang nhiên đốn hạ rừng thông cổ, giành giật đất với rừng để tư nhân hóa khu du lịch. Còn dòng người săn mây thích lưu dấu bằng rác, cả ham thích những điều hư ảo mà nỡ chặt cây dựng cầu nhân tạo cho vài cuộc vui... Và còn, còn rất nhiều cơn ác mộng đi vào Thành phố này mà người ta ngó lơ.
Đừng nhìn ký ức như một kẻ đeo bám, hãy hiểu rằng, nó còn đấy để nhắc ta sống thế nào không hoài phí hôm nay, không thất thố ngày mai. Trong Đà Lạt có ký ức, trong ký ức là linh hồn của vùng đất! Vẫn còn những vị khách say mê Đà Lạt trong từng điều tưởng chừng bình dị, chẳng mấy ai màng tới như tường rào, hẻm nhỏ... Dạo quanh Thành phố, ngắm nhìn tường rào quanh những ngôi nhà, người ta cảm nhận được sự tinh tế, thân thiện và tình yêu thiên nhiên của người dân xứ sở. Tiếng xình xịch đầu máy kéo, tiếng còi dài vang rền, bật lên trong khung cảnh xanh mướt, ở đó thấp thoáng tà áo dài ngẩn ngơ chờ người chiều sân ga, hay bóng chàng lãng tử ôm đàn hát nghêu ngao bên bờ hồ Xuân Hương...
Đà Lạt hôm nay, người ta ca thán về sự lộn xộn, về bê tông hóa, rồi trách Đà Lạt sao mất “chất”. Nhưng mấy ai hiểu cho Đà Lạt? Hiểu cho Thành phố bé nhỏ đang gồng trên vai quá nhiều “mộng ước” của con người. Bằng cách nào đó, hãy làm sao để những xô lệch bên dưới vừa được thu vén và cân bằng. Để những thứ trong lành phủ lên Thành phố màu hy vọng trong giấc mơ phát triển này.