Nơi ấy có loài hoa mà khi nhắc đến người ta nghĩ ngay đến Đà Lạt, như một hương vị rất riêng mà khi đến, đi du khách thường nhắc nhau thưởng thức và mang về làm quà-bông Atiso.
Theo lời kể của nhiều tiểu thương thì nhiều khách nước ngoài thường diễn tả bông Atiso là loài hoa trăm cánh khi tìm mua.
Nhắc đến Atiso, đặc sắc nhất phải kể đến món ăn nức tiếng-bông Atiso hầm xương heo. Vị ngọt của xương quyện với vị thanh mát của bông Atiso cho ra đời món canh không chỉ ngon miệng mà còn vô cùng bổ dưỡng. Ngoài tác dụng thanh nhiệt, món ăn này còn có tác dụng lợi tiểu, chống lão hoá, trị mất ngủ, giải độc gan… Cách thưởng thức món ăn này cũng “có một không hai”. Bông Atiso sau khi được hầm nhừ múc vào chén, dùng tay gỡ từng lớp cánh, hết lớp này đến lớp khác, nhai từ từ và thật kỹ mới cảm nhận hết vị thanh ngọt của loài bông này. Chị Nguyễn Hiền-du khách đến từ TP. Hồ Chí Minh, chia sẻ: “Không chỉ ngon, bổ mà cách ăn món ăn này cũng rất thú vị”.
Chị Ngọc Yến-du khách từ Đồng Nai nói vui “Mọi người hay nói, đến Đà Lạt mà chưa ăn chén canh Atiso thì xem như chưa đi Đà Lạt”. Có lẽ vậy, vị thanh ngọt nhẹ nhàng của Atiso Đà Lạt như gợi nhớ sự nhẹ nhàng, bình yên của cảnh sắc nơi đây.
Điểm đặc biệt ở loài cây dược liệu quý này là từ lá đến thân, rễ và bông đều có thể sử dụng vào những mục đích khác nhau, không bỏ bất cứ bộ phận nào. Không chỉ là loại rau, hoa cao cấp, bông Atiso còn được sấy khô để dùng được lâu. Bông Atiso là phần quý nhất của cây, các bộ phận còn lại như lá, thân, rễ thường được lấy phơi khô nấu nước uống. Ngoài ra, lá Atiso được nấu thành cao, dạng mềm dùng đặc biệt tốt cho những người bị bệnh gan, mất ngủ.
Atiso còn nổi tiếng ở dạng trà túi lọc, thành phần ngoài Atiso còn có thêm cỏ ngọt, vị ngọt, dễ uống. Hiện tại, Đà Lạt có hơn 50 hãng trà atiso, trong đó phải kể đến một số danh trà nổi tiếng như Ladophar, Ngọc Duy, Thái Bảo…
Ít ai lên Đà Lạt mà không chọn mua vài gói trà Atiso về uống và làm quà cho người thân. Vị ngọt ấm của tách trà Atiso trong tiết trời se lạnh của phố núi như làm ấm lòng du khách ghé chân.
BTK