Giúp đồng bào an cư
Trước đây, người Mã Liềng có thói quen sống du canh, du cư, ở trên các sườn núi, cứ khoảng 2 đến 3 mùa rẫy khi đất đai nghèo kiệt, bà con lại kéo nhau đi tìm mảnh đất màu mỡ mới để khai hoang trồng lúa, trồng ngô và săn bắn, hái lượm. Cuộc sống nay đây, mai đó, nghèo đói, bệnh tật và nạn hôn nhân cận huyết khiến tộc người này đối diện với nguy cơ tuyệt chủng.
Năm 1993, khi Nhà nước triển khai thực hiện Chương trình định canh, định cư, xây nhà ở, trường học, trạm y tế, kiên trì vận động người Mã Liềng rời núi ra định cư ở các thôn bản. Thế nhưng, lối sống hoang dã đã ăn sâu vào tiềm thức đồng bào, việc vận động được họ làm quen với cuộc sống mới không hề đơn giản.
Chia sẻ về hành trình xây dựng cuộc sống mới của người Mã Liềng, chị Phạm Thị Lâm, Trưởng bản Cáo nhớ lại, ngày đó khi đoàn cán bộ của huyện vào núi để vận động bà con về bản mới định cư, gia đình chị là một trong những hộ đi đầu. Bố của chị được cử làm Trưởng bản Cáo.
“Chúng tôi được cấp nhà ở, được dạy chữ, dạy cách trồng cây lương thực và cũng được chăm sóc sức khỏe, thế nhưng chỉ được một thời gian, các hộ gia đình đều lần lượt bỏ vào rừng sống vì xa lạ với nơi ở mới. Đến cuối năm 1998, cả bản Cáo chỉ còn 3 hộ trụ lại bản, còn hầu hết bà con dắt díu nhau vào núi. Không nản chí, nhiều tổ chức đoàn thể, nhiều đoàn cán bộ lại lần lượt lên núi tìm để vận động bà con ra bản. 2 bố con tôi cũng ở lại rừng cả tháng trời để thuyết phục bà con về bản”, chị Lâm chia sẻ.
Để giúp bà con thích nghi với nơi ở mới, Nhà nước còn xây nhà cho bà con theo đúng mẫu nhà sàn truyền thống phù hợp với tín ngưỡng của người Mã Liềng; hoàn thiện cơ sở hạ tầng từ xây cầu, làm đường bê tông vào các bản; xây nhà sinh hoạt cộng đồng, nước sạch, đập thủy lợi phục vụ sản xuất… Dần dà “mưa dầm thấm lâu”, người dân bắt đầu tin tưởng cán bộ và lại lục tục kéo nhau về bản.
Xây dựng cuộc sống mới
Nhằm tạo sinh kế cho bà con, huyện Tuyên Hóa đã phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh Quảng Bình tổ chức cho bà con đến thăm quan, học tập mô hình định cư của người Vân Kiều. Đồng thời, đầu tư đập thủy lợi, hỗ trợ kinh phí khai hoang đất sản xuất. Hằng năm, huyện đều trích ngân sách hỗ trợ bà con các loại giống cây trồng, phân bón và cử cán bộ về hướng dẫn kỹ thuật để giúp bà con tự sản xuất… Nhờ đó, ý thức của đồng bào trong việc xây dựng cuộc sống đã thay đổi, đồng bào đã chủ động học hỏi để phát triển kinh tế hộ tăng thu nhập.
“Còn nhớ vụ đông-xuân năm 2015-2016, vụ đầu tiên đồng bào dân tộc bản Cáo tự sản xuất trên đất mới khai hoang. Nhà ai cũng có lạc để thu hoạch, có hộ bán được 10 triệu đồng, hộ được 20 triệu đồng, thậm chí có hộ được 30 triệu đồng, bà con phấn khởi còn đề nghị chính quyền cấp thêm đất sản xuất”, chị Phạm Thị Lâm, Trưởng bản Cáo phấn khởi kể lại.
Đặc biệt, bản Cà Xen, xã Thanh Hóa được xem là mô hình định canh, định cư thành công nhất của đồng bào Mã Liềng tại Quảng Bình. Ngoài lúa nước và các loại cây ngắn ngày, bà con đã biết sản xuất theo kiểu nông lâm kết hợp. Tận dụng nguồn nước, nhiều hộ đào ao thả cá. Hộ nào cũng có vài ba sào lạc, đậu xanh, mỗi hộ có hai, ba con trâu, bò. Đến nay, bản đã có đường nhựa, điện lưới thắp sáng từng nhà. Có trường tiểu học và trường mầm non khang trang.
Từ chỗ du canh, du cư, về định cư nơi ở mới, cái ăn hoàn toàn phụ thuộc vào nguồn gạo hỗ trợ của Nhà nước, hiện nay đồng bào Mã Liềng ở các bản nói chung đã biết trồng lúa nước 2 vụ, các loại cây ngắn ngày như ngô, đậu, lạc và chăn nuôi để ổn định đời sống. Điện lưới quốc gia cũng được chính quyền kéo về tận hộ gia đình. Ban đêm, nhà nhà đều sáng trưng, dễ dàng cho trẻ con đọc con chữ. Nhờ đó mà nhiều gia đình của người Mã Liềng đã có con em học đến cao đẳng, đại học.
Ông Cao Trung Kiên, Chủ tịch UBND xã Lâm Hóa cho biết thêm, năm 2013, UBND tỉnh đã thu hồi hơn 700ha đất của Ban Quản lý rừng phòng hộ giao cho UBND xã Lâm Hóa để xét và cấp đất cho người dân Mã Liềng sản xuất. Bình quân mỗi hộ có từ 0,5 đến 3ha rừng trồng. Chủ yếu bà con trồng các loại cây keo, tràm. Một số bản, bà con trồng cây vàng tim mỡ, xen cây huê đỏ, ba kích vào những diện tích rừng nghèo để tăng thu nhập. Hiện tại, nhiều diện tích rừng trồng đã cho thu hoạch. Điển hình như gia đình chị Cao Thị Vân ở bản Kè có gần 2 vạn cây keo chuẩn bị thu hoạch.
“Đất rừng được Nhà nước cấp. Cây giống, cách trồng, chăm sóc cũng được các cán bộ xã và các dự án hỗ trợ, hướng dẫn. Bà con ai cũng phấn khởi nên rất cố gắng để làm cho tốt”, Chủ tịch xã Cao Trung Kiên chia sẻ thêm.
Mặc dù còn nhiều khó khăn trong hành trình xây dựng cuộc sống mới, tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nhưng nhìn chung đời sống của đồng bào Mã Liềng đã ổn định và từng bước phát triển. Dấu ấn nổi bật là, một dân tộc từng được xếp vào diện nguy cơ suy vong, thì nay bà con đã bắt nhịp được với cuộc sống hiện đại, thu hẹp dần khoảng cách chênh lệch với các dân tộc khác.
QUỲNH TRÂM - NGỌC HẢI