Cả làng đi đào đá
Theo ghi nhận của chúng tôi, tại vùng bán ngập lòng hồ Thủy điện Sông Hinh (khu vực xã Ea Trol, huyện Sông Hinh), từng tốp người mang theo những dụng cụ như cuốc, xẻng, xà beng tiến vào lòng hồ để đào bới. Ở đây có cả thanh niên, người già, phụ nữ; có khi cả gia đình cùng đi tìm đá. Mặc dù, những ngày qua, có mưa lớn nhưng vẫn có rất nhiều người tập trung về khu vực này đào đá.
Ông Y Thu, xã Ea Bia (huyện Sông Hinh) đang cặm cụi đào đá cho biết: Nhà mình có 3 người đi đào đá hơn 1 tháng nay. Chúng tôi không biết đá gì, nhưng thấy có giá cao, thu nhập cả triệu đồng mỗi ngày nên bà con ngày nào cũng đi đào. Không chỉ có người dân địa phương mà có hàng trăm người từ nơi khác ở huyện Sơn Hòa, Tây Hòa (Phú Yên) cũng lên khu vực này đào đá.
Cũng theo ông Thu, cách xác định được khu vực nào có đá đen là dựa vào lớp đất trên mặt. “Khu vực nào thấy có lớp đất trắng, cứ tiếp tục đào xuống thì sẽ có đá đen. Tuy nhiên có nhiều hay ít, đá to hay nhỏ thì không biết được. Nhiều chỗ đá đen được tìm thấy chỉ sau vài lớp đất. Có những chỗ đá nằm sâu dưới lòng đất nên phải đào sâu tạo hàm ếch lút cả đầu người… Việc đào đá này chắc làm được khoảng 1 tháng nữa vì sắp đến mùa mưa, lòng hồ này sẽ ngập nước”, ông Thu cho biết thêm.
Theo một số bà con đi khai thác đá cho biết, họ không biết giá trị thật là bao nhiêu, tác dụng để làm gì mà chỉ biết khả năng dùng làm mỹ nghệ và đồ trang sức. Tại khu vực này, có rất nhiều người đến mua đá với nhiều giá khác nhau theo 3 loại: loại đá vụn có giá từ 80.000 đến 220.000 đồng/kg; loại đá lớn có giá từ 1.000.000 đến 3.000.000 đồng/kg, loại đá lớn trên 01kg/viên mua theo thỏa thuận, tùy theo mức độ đá lớn, đá càng lớn thì giá mua càng cao. Người dân còn thông tin thêm, việc khai thác đá đen không chỉ diễn ra khu vực lòng hồ Thủy điện Sông Hinh mà còn bị khai thác, đào bới tại nhiều nơi khác như suối Lồ Ô, suối Dứa (xã Sông Hinh), Buôn Thung (xã Đức Bình Đông), các suối của Hòn Cồ (xã Ea Trol).
Khó quản lý
Điều đáng lo ngại là, không ai biết loại đá này dùng để làm gì nhưng hiện tại đá đang được thương lái thu mua giá cao và không hạn chế số lượng nên người dân tập trung về đào đá ngày càng đông, gây ảnh hưởng đến môi trường, an toàn của thủy điện và gây mất an ninh trật tự tại địa phương.
Ông Mai Kim Lộc, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên cho biết: Sở đã nhận được thông tin phản ánh và đã tiến hành kiểm tra; phối hợp với UBND huyện Sông Hinh và chính quyền địa phương để xử lý vụ việc. Tuy nhiên, do người dân tự phát đi đào đá và tập trung rất nhiều người nên khó quản lý.
Trao đổi với chúng tôi, ông Ksor Y Phun, Phó Chủ tịch UBND huyện Sông Hinh cho biết: Tình trạng đào và thu mua đá đen đã có trước đây. Tuy nhiên, phạm vi và mức độ nhỏ hơn. Hiện nay, việc đào đá đen ở vùng bán ngập lòng hồ Thủy điện Sông Hinh thuộc địa phận 3 xã là, Đức Bình Đông, Ea Trol và Sông Hinh. Người dân đào đá theo kiểu “da báo” chứ không phải tập trung vào một điểm. UBND huyện Sông Hinh đã yêu cầu các cơ quan chức năng tìm hiểu rõ việc mua bán và mục đích sử dụng loại đá này, từ đó có hướng quản lý vì đây cũng là một loại khoáng sản.
“Qua kiểm tra thực tế, UBND huyện Sông Hinh đã yêu cầu các địa phương vận động người dân không tiếp tục đào tìm đá đen. Nếu tình trạng này tiếp tục diễn biến xấu, huyện Sông Hinh sẽ có biện pháp xử lý mạnh tay hơn”, ông Y Phun cho biết thêm.
Còn ông La Ô Y Thanh, Chủ tịch UBND xã Ea Trol (Sông Hinh) chia sẻ: UBND xã đã thành lập đoàn tổ chức truy quét nhiều lần, nhưng lượng người đến khai thác đá đen quá đông trong khi lực lượng cán bộ, công an xã không đủ ngăn chặn tình trạng khai thác đá đen. Công an xã làm báo cáo gửi Công an huyện Sông Hinh đề nghị phối hợp để chủ động ngăn chặn tình trạng này.
PHƯƠNG LÊ