Những thảm xanh vươn lên trời mây, sừng sững, bề thế, vững chãi và rất gần gũi. Cho tới bây giờ, tôi vẫn nhớ như in hình ảnh chị em tôi nằm trên chõng tre đặt dưới lùm tre, kĩu kịt buổi trưa hè. Gió từ đồng xa thổi về mát lộng. Tiếng gió xạc xào trên lũy tre cứ đi dần vào giấc ngủ, êm đềm như lời ru…
Tôi thích ngắm những đàn cò trắng bay vềlũy tre làng, dưới mặt đất khói lam chiều, cơm nhà ai đang thổi, ấm áp làm sao! Tôi cũng không thể nào quên được những mầm măng tre vừa nhú lên khỏi mặt đất sau mưa. Những búp măng nhọn hoắt, đầu xanh, bẹ vàng, thân trắng như ẩn chứa những sức mạnh thần kỳ, sức vươn mạnh mẽ.
Sở dĩ tre nhiều như thế vì tre luôn gắn liền với đời sống thường nhật của người dân. Hầu như mọi thứ trong nhà đều từ tre mà ra. Trong cuộc sống hằng ngày, gần như trăm thứ tre đều “có mặt”. Từ cái nhỏ nhất là que tăm, đôi đũa, cái chổi tre đến cán dao, rựa, cuốc, gầu tát nước, cho đến ngôi nhà tranh tre, chiếc chõng tre trưa hè… Cánh diều bay cao bát ngát, tiếng sáo diều réo rắt vang xa… cũng đều có nguồn gốc từ cây tre thân thuộc.
Tre không sang trọng mà dân dã. Trong tiềm thức tôi, tre trúc được xem như biểu tượng khí phách của người quân tử, cho tinh thần bất khuất và sức sống mãnh liệt của người quê. Cứng mà dẻo dai, đổ mà không gãy, biểu trưng cho tinh thần và khí độ an thiên tự tại. Tre, trúc biểu lộ tính cách của một dân tộc có tiết tháo, phẩm hạnh và kiêu hùng, ngoan cường nhưng hiếu hoà, độ lượng.
Về quê bây giờ từ phía xa nhìn không còn thấy lũy tre bề thế vòm xanh nữa. Người ta chặt tre, lấp cát, đắp nền bán đất, xây dựng nhà mới. Lũy tre làng thân thương và gắn bó bao đời, nay chỉ còn trong ký ức của những người cao tuổi. Còn đâu những lũy tre làng?