Theo một số nghệ nhân cao tuổi của làng nghề cho biết, tận dụng nguồn nguyên liệu tre dồi dào ở địa phương, một số người khéo tay đã tạo kế sinh nhai bằng cách biến những cây tre mộc mạc trong phum sóc thành những chiếc giường, thang, chõng, bàn, ghế, tủ đem bán kiếm tiền trang trải cuộc sống. Ban đầu chỉ có vài hộ làm, sau những người biết nghề chỉ cho người chưa biết, cứ thế theo thời gian đã hình thành cả một làng nghề truyền thống như hiện nay.
Tuy nhiên, cũng như nhiều làng nghề khác, có thời gian khá dài sản phẩm tre, trúc bị thoái trào bởi sự cạnh tranh của các sản phẩm bằng nhôm, nhựa trên thị trường, nên làng nghề gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ. Chính vì vậy, để tồn tại và phát triển, những nghệ nhân của làng đã có nhiều cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm theo nhu cầu thị trường.
Là nghệ nhân đời thứ 3 trong một gia đình theo nghề cha truyền con nối, ông Thạch Trì Cảnh có nhiều sáng tạo cải tiến mới góp phần làm đa dạng, phong phú mẫu mã, chủng loại sản phẩm sản xuất từ tre. Đặc biệt, ông chính là “cha đẻ” của những chiếc xe đạp tre độc đáo, đang được các cơ sở kinh doanh du lịch thường xuyên đặt hàng.
Sản phẩm xe đạp tre của nghệ nhân Thạch Trì Cảnh có 30% bộ phận làm bằng các loại vật liệu khác, (bánh xe, nan hoa, dây xích…), còn 70% bộ phận là làm từ tre (khung sườn, ghi đông…). Trung bình ông và 2 người thợ phải mất thời gian khoảng 10 ngày mới hoàn thiện một sản phẩm xe đạp tre. Hiện nay, sản phẩm xe đạp tre của ông được du khách nước ngoài rất ưa chuộng vì nhẹ, bền, thân thiện môi trường, nên đã có mặt ở hầu hết các khu du lịch tại TP. Hồ Chí Minh, Vĩnh Long, Cần Thơ, Nha Trang. Bình quân mỗi tháng cơ sở ông bán ra thị trường theo đơn đặt hàng từ 10–15 chiếc “xe đạp tre”, với giá mỗi chiếc khoảng 5, 5 triệu đồng/xe.
Theo nghệ nhân Thạch Trì Cảnh, hiện làng nghề Hàm Giang đã có hơn 20 mẫu mã, chủng loại sản phẩm cao cấp được sản xuất từ tre phục vụ cho nhu cầu của các hộ gia đình, khu du lịch sinh thái, khu resort, nhà hàng như: Salon, bàn ghế, tủ, kệ sách, ghế gấp bãi biển… Khách hàng có thể đặt hàng từ xa theo mẫu mã mà mình thích và được tất cả các cơ sở trong làng nghề giao hàng tận nơi.
Ông Thạch Trì Cảnh cho biết thêm, từ năm 2013 đến nay, cơ sở của ông làm ăn thuận lợi, nhờ sản phẩm được xuất khẩu sang thị trường nhiều nước. Đều đặn mỗi tháng trung bình giao khoảng 100 bộ bàn, ghế, tủ, giường, salon cho các doanh nghiệp, đại lý ở các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, TP. Hồ Chí Minh, miền Trung, với doanh thu hàng trăm triệu đồng.
Song song với việc mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước, những năm gần đây sản phẩm được sản xuất từ tre đã và đang được xuất khẩu ra thị trường nước ngoài, tạo cơ hội mở ra hướng đi mới cho làng nghề. Nhờ đó đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng ngàn lao động nông thôn, với thu nhập ổn định bình quân từ 5-6 triệu đồng/người/ tháng, nên không chỉ thoát nghèo bền vững, mà nhiều hộ còn trở nên khấm khá, xây dựng nhà khang trang.
Từ năm 2013 tới nay, được sự quan tâm của lãnh đạo UBND xã Hàm Giang và Trung tâm Khuyến công tỉnh Trà Vinh, các nghệ nhân làng nghề đã tham gia vào 7 tổ hợp tác, với gần 700 hộ gia đình hành nghề, để cùng sản xuất và tiêu thụ sản phẩm được ổn định hơn, bền vững hơn.
Những năm gần đây các tổ hợp tác đã đầu tư mua máy cưa tre, đục lỗ, bào mắt tre dần dần máy móc hóa thay cho thủ công ở một số công đoạn sản xuất. Đồng thời những nghệ nhân làng nghề cũng đầu tư nghiêm túc đa dạng mẫu mã, chất lượng sản phẩm… Nhờ vậy, sản phẩm từ tre của làng nghề ngày càng được các đối tác ưa chuộng, mở rộng thị trường xuất khẩu.
LƯƠNG ĐỊNH