Toàn cảnh chùa Đại Tuệ nhìn từ trên caoDấu ấn Phật giáo lâu đời trên đất Nghệ
Về mảnh đất Nam Đàn, không chỉ là về với quê hương vị lãnh tụ vĩ đại của dân tộc Hồ Chí Minh, mà còn được chiêm bái ngôi cổ tự có lịch sử rất lâu đời. Ấy là chùa Đại Tuệ, hay còn gọi là chùa Đại Huệ, chùa Cao… tọa lạc trên động Thăng Thiên - một trong những đỉnh núi cao nhất trong dãy núi Đại Huệ (thuộc xã Nam Anh, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An).
Lịch sử ghi lại, chùa Đại Tuệ là nơi ghi dấu Phật giáo lâu đời trên vùng đất Nghệ An, gắn với những biến thiên thời cuộc lịch sử của dân tộc. Tương truyền, chùa Đại Tuệ được xây dựng từ thời vua Mai Hắc Đế ở đầu thế kỷ thứ VIII, nhưng lịch sử chỉ ghi nhận sự ra đời của ngôi chùa dưới thời vua Hồ Quý Ly đầu thế kỷ XV.
Chùa được xây cất để thờ Phật bà Đại Tuệ, bởi Phật bà đã hiển linh giúp vua xây thành chống giặc. Đây là ngôi chùa duy nhất ở Việt Nam thờ Phật bà Đại Tuệ (đại diện cho trí tuệ của Đức Phật với Tuệ Giác, Tuệ Kiếm, Tuệ Lực, Tuệ Tâm, Tuệ Mục, Tuệ Nhãn). Vị trụ trì đầu tiên của chùa, chăm lo, hương khói phụng thờ chính là công chúa Thái Dương, con gái vua Hồ Quý Ly.
Tam quan dẫn lối vào chùaVào mùa Xuân năm Kỷ Dậu 1789, trên đường ra Bắc đại phá quân Thanh, vua Quang Trung - Nguyễn Huệ đã dừng chân ở đây chiêu mộ mười vạn quân sĩ, rồi tổ chức huấn luyện ngay trước sân chùa. Vua cũng được nhà sư ở chùa mách bảo kế sách hành quân theo đường tắt, vừa tránh được tai mắt kẻ địch, rút ngắn được đường ra Thăng Long trong thời gian sớm nhất.
Và sử sách đã ghi lại rằng, Quang Trung đã hành quân cấp tốc ra Thăng Long đại phá 29 vạn quân Thanh trước dự định hai ngày. Sau chiến thắng này, Hoàng đế Quang Trung xuống chiếu cắt 20 mẫu ruộng giao cho chùa để dân làng lo việc hương khói, thờ cúng. Tuy nhiên, những biến thiên của lịch sử dẫn đến chùa Đại Tuệ chỉ còn lại 3 bức tường rêu phong và một mái nhà tranh.
Gần chùa Đại Tuệ còn có một ngôi mộ xây bằng đá. Người dân địa phương cho rằng: Khi bị nhà Nguyễn truy sát, Hoàng đế Cảnh Thịnh (Vua Quang Toàn – con trai của Quang Trung) đã chạy lên núi Đại Huệ, xuống tóc tu tại chùa Đại Tuệ. Khi đã viên tịch, mộ vua Cảnh Thịnh được chôn cất tại đây.
Tại tòa chính điện, tổ đường và nhà thờ Ngũ đế đặt 32 pho tượng Phật làm từ gỗ dâu nguyên khốiGhi nhận những đóng góp to lớn trong công cuộc bảo vệ nền độc lập của dân tộc, ngày 16/4/2011, chùa Đại Tuệ chính thức được khởi công xây dựng lại với các hạng mục chính như chùa Thượng, chùa Trung, chùa Hạ, chùa Trình… trên khuôn viên khoảng 6.000m2, ở độ cao hơn 450m so với mực nước biển.
Đến tháng 10/2015, chùa Thượng đã hoàn thành với bảo tháp Đại Tuệ cao 9 tầng, Đại hùng bảo điện, Tổ đường, nhà thờ Ngũ đế cùng với khu Tăng xá, nhà cư sỹ, khách đường, lầu chuông lầu khánh…
Công trình kiến trúc nổi bật tại chùa là tòa bảo tháp Đại Tuệ 9 tầng, cao 32m, thờ Phật cùng các Anh hùng dân tộcNhững kỷ lục ở chùa Đại Tuệ
Do nằm ở vị trí cao nên khí hậu ở khu vực chùa đóng chân cũng rất đặc biệt. Hành hương về chùa, du khách sẽ cảm nhận được một tiểu khí hoàn toàn khác với những vùng dân cư xung quanh. Ở đây, du khách sẽ cảm nhận được bốn mùa trong một ngày.
Buổi sáng, không khí thoáng đãng, ấm áp giống mùa Xuân; buổi trưa là những tia nắng chói chang của mùa Hè; buổi chiều là sự mát mẻ của mùa Thu và buổi tối đến lại cho cảm giác se lạnh của mùa Đông. Đường lên chùa vi vút thông reo. Gió núi, mây ngàn hòa cùng bảng lảng sương mai càng làm cho Cổ tự Đại Tuệ thêm linh thiêng, huyền bí.
Nhưng ở Đại Tuệ không chỉ có vậy. Đây còn là ngôi cổ tự đạt được những kỷ lục Việt Nam khiến nhiều phật tử và khách hành hương thích thú. Vào tháng 2/2016, tại chùa Đại Tuệ, Hội kỷ lục gia Việt Nam đã xác nhận 4 kỷ lục tại Việt Nam cho ngôi chùa này.
Đó là, ngôi chùa trên núi có hồ nhân tạo lớn nhất; có hệ thống tượng pháp trên đại tháp chùa Thượng được làm bằng đá hồng ngọc nhiều nhất; có tượng pháp trong Đại điện cũng như Tổ đường và nhà thờ Ngũ đế được làm từ gỗ dâu nguyên khối nhiều nhất; có hệ thống câu đối bằng thư pháp thuần Việt nhiều nhất Việt Nam... Đó cũng chính là những điểm nhấn đặc sắc của chùa Đại Tuệ.
Một trong bốn kỷ lục của ngôi chùa là có hồ nhân tạo trên núi lớn nhất cả nướcTrước đó, vào tháng 5/2015, tại chùa Đại Tuệ đã diễn ra Lễ đón nhận Kỷ lục “Bức tranh Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng hoa sen lớn nhất thế giới” do Liên minh Kỷ lục thế giới trao tặng. Bức tranh Bác Hồ bằng hoa sen với hai màu chủ đạo là hồng và trắng, có kích thước 4x6m. Năm đó, bức tranh được đặt trang trọng tại chùa Đại Tuệ, đã thu hút nhiều du khách đến tham quan, chiêm ngưỡng.
Chùa Đại Tuệ là ngôi chùa duy nhất trên đất nước Việt Nam thờ Phật mẫu Đại Tuệ. Như nhắc nhở mọi người nhớ về luật nhân quả, tu tâm dưỡng tính để tự hoàn thiện nhân cách cho chính mình và góp phần xây dựng xã hội tốt đẹp hơn.
Ở chùa Đại Tuệ, phật tử và du khách còn được thấy những vị vua và những nhân vật gắn liền với lịch sử dựng nước và giữ được được thờ phụng. Tiêu biểu là Vua Hùng, Mai Hắc Đế, Hồ Quý Ly, Quang Trung, Cảnh Thịnh và Chủ tịch Hồ Chí Minh.