Cả cuộc đời gắn bó với âm nhạc dân tộc
Giáo sư Trần Văn Khêsinh ngày 24/7/1921 tại làng Đông Hòa, tổng Thuận Bình, tỉnh Mỹ Tho (nay là huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang), trong một gia đình nghệ sỹ, có bốn đời theo âm nhạc truyền thống.
Trong cuốn Hồi ký Trần Văn Khê, ông viết rằng, ngay từ khi trong bụng mẹ, ông đã được cậu Năm (tức nghệ sĩ Năm Khương) “ngày ngày thổi sáo, hòa đờn cho đứa bé đang còn trong bụng mẹ nghe để nó thấm nhuần âm nhạc nước nhà”.
Lớn lên trong gia đình mà cả hai bên nội, ngoại đều có những nghệ sỹ chơi nhạc, viết nhạc giỏi, cậu bé Trần Văn Khê đã thụ hưởng được cả một không gian âm nhạc và cộng với thiên khiếu của mình, ông sớm bước vào thế giới âm nhạc truyền thống. 8 tuổi, ông đã được cậu Năm Khương dạy đờn cò, 12 tuổi, được người cô của mình là bà Trần Ngọc Viện (nghệ sĩ Ba Viện) dạy đờn tranh, 14 tuổi biết chơi trống nhạc.
Ngoài âm nhạc, Giáo sư Trần Văn Khê còn được học chữ Hán, giỏi ngôn ngữ và sớm bộc lộ năng khiếu văn chương qua những bài thơ đầu đời.
Năm 1949, Trần Văn Khê sang Pháp du học. Ông bắt đầu theo đuổi nghiên cứu âm nhạc từ năm 1954.
Năm 1958, ông là người Việt Nam đầu tiên bảo vệ thành công luận án tiến sỹ âm nhạc tại Đại học Sorbonne với đề tài Âm nhạc truyền thống Việt Nam, trong đó nhấn mạnh âm nhạc tài tử miền Nam và nhạc Cung đình Huế cùng hai đề tài phụ là Khổng tử và âm nhạc và Vị trí âm nhạc trong xã hội Việt Nam. Cũng từ đây, ông bắt đầu đi những bước đầu tiên trên chặng đường dài là: sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam.
Từ giữa thập niên 1960, ông xuất hiện như một chuyên gia về âm nhạc Việt Nam, giảng dạy, quảng bá âm nhạc Việt Nam đến khắp nơi trên toàn thế giới. Ông sưu tầm, nghiên cứu, quảng bá âm nhạc truyền thống Việt Nam không phải bởi thấy âm nhạc Việt Nam độc đáo hay đẹp hơn âm nhạc của các dân tộc khác mà đơn giản ông là người Việt Nam. Với ông, đó là một thứ "quốc hồn", "quốc tuý".
Luận án tiến sỹ của ông là công trình nghiên cứu khoa học đầu tiên về nền âm nhạc Việt Nam thống nhất được giới thiệu trên thế giới khi đất nước còn bị chia cắt. Ông đã tự hào đem đàn tranh và đàn cò Việt Nam giới thiệu tại Festival Âm nhạc thanh niên thế giới tại Budapest vào năm 1949 và giành được giải Nhì về biểu diễn nhạc cụ. Kể từ đó, thế giới bắt đầu biết đến hình ảnh một "thầy đờn" Việt Nam độc đáo và hấp dẫn kỳ lạ.
Sống nơi đất khách, Giáo sư Trần Văn Khê không bỏ lỡ một dịp nào để đem lời ca, tiếng nhạc Việt Nam đến khắp năm châu nhằm quảng bá rộng rãi cho mọi người yêu nhạc. Gần nửa thế kỷ nghiên cứu, hoạt động và giảng dạy âm nhạc, Giáo sư Trần Văn Khê đã viết hàng trăm bài báo và tham luận về đề tài âm nhạc dân tộc Việt Nam, được dịch ra 14 thứ tiếng.
Với những đóng góp cho sự nghiệp âm nhạc thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, Giáo sư Trần Văn Khê là người Việt Nam đầu tiên được ghi danh và tiểu sử vào cuốn Đại từ điển âm nhạc thế giới; được tặng nhiều giải thưởng lớn, danh giá: Giải thưởng đặc biệt về âm nhạc của UNESCO, Giải thưởng lớn Hàn lâm Viện Đĩa hát Pháp, Giải thưởng Đại học Pháp, Giải thưởng Dân tộc nhạc học, Giải thưởng lớn về Âm nhạc UNESCO và Hội Đồng quốc tế Âm nhạc…
Với ngón đàn điêu luyện và khả năng truyền cảm, ông đảm nhận giới thiệu các chương trình âm nhạc dân tộc Việt Nam trên làn sóng phát thanh, truyền hình. Đồng thời ông cũng tham gia thuyết trình về âm nhạc truyền thống Việt Nam trong nhiều hội nghị và các trường đại học lớn tại hơn 50 quốc gia. Ông rất bác học, tinh tế qua những cuộc diễn thuyết, minh họa về chèo, tuồng, hát bội, cải lương, hát bài chòi, hò Huế, hò lục tỉnh...
Ông đã thực hiện được gần 30 đĩa hát 33 vòng và CD về âm nhạc Việt Nam và âm nhạc một số nước châu Á; tham dự 210 hội nghị quốc tế về âm nhạc và âm nhạc học trên 67 quốc gia, gần 20 liên hoan quốc tế về âm nhạc khắp năm châu…
Có thể nói, Giáo sư Trần Văn Khê đã trở thành một thư viện sống, một bách khoa thư sống về âm nhạc truyền thống Việt Nam. Với sự tín nhiệm của UNESCO, ông đã có cơ hội góp sức vào việc thẩm định Hồ sơ Nhã nhạc cung đình Huế, Cồng chiêng Tây Nguyên, Ca trù, Quan họ, Đờn ca tài tử Nam bộ… Ông đã chứng minh được những nét đặc sắc, độc nhất vô nhị của các loại hình nghệ thuật này để được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.
Ông còn là thành viên của nhiều hội quốc tế về âm nhạc và nghiên cứu âm nhạc của các quốc gia Pháp, Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, cũng như tham gia giảng dạy, đào tạo gần 7.000 sinh viên, hướng dẫn gần 40 học viên cao học và nghiên cứu sinh về âm nhạc học.
“Không có hạnh phúc nào bằng được nói tiếng Việt”
Sống ở nước ngoài đến hơn nửa đời người, 57 năm bôn ba ở nơi đất khách, chưa lúc nào Giáo sư Trần Văn Khê quên mình là một người Việt Nam. Chất giọng của ông vẫn mang những nét đặc trưng Nam bộ, không hề pha tạp. Ông chỉ dùng tiếng nước ngoài khi nào buộc phải giao tiếp với người nước ngoài. Còn lại, ông luôn sử dụng tiếng Việt. Ông yêu đất nước bằng tình yêu máu mủ, ruột thịt, gắn bó với quê hương từ những món ăn thường ngày tự nấu, đến âm nhạc dân tộc mà ông dành cả đời nghiên cứu, bảo tồn...
Đã nhiều lần mong muốn về định cư hẳn tại Việt Nam, nhưng ông không thực hiện được chỉ vì một nguyên nhân: đó là về nước mà không được mang theo kho tư liệu khổng lồ của mình về âm nhạc mà ông đã sưu tầm, lưu giữ suốt mấy chục năm qua. Với ông, đó là một gia tài lớn mà ông muốn hiến tặng đất nước, cho những người có chung tình yêu dành cho âm nhạc dân tộc giống như ông. Mãi đến năm 2006, khi được Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch TP. Hồ Chí Minh đồng ý tiếp nhận số tư liệu này, ông mới chính thức về định cư tại quê nhà và mang theo 420 kiện hàng về Việt Nam.
Từ ngày về nước, ông tiếp tục đi sâu tìm hiểu, giảng dạy âm nhạc dân tộc Việt Nam trên chính quê hương mình. Ông đặc biệt quan tâm đến giới trẻ, mong muốn đưa âm nhạc dân tộc đến với thanh niên, học sinh - sinh viên, để từ đó giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa Việt Nam. Nhà của ông trở thành một điểm giao lưu văn hóa đặc sắc. Sau khi ông qua đời, nơi đây được xây dựng thành Thư viện Trần Văn Khê với hàng chục nghìn cuốn sách, báo, sổ ghi chép, băng từ ghi hình và tiếng cùng nhiều kỷ vật ông mang về sau hơn nửa thế kỷ sống ở Pháp.
Giáo sư Trần Văn Khê từng tâm sự, về nước, ông mới được sống cuộc đời của một người hạnh phúc. "Không có hạnh phúc nào bằng được nói tiếng Việt, giảng dạy cho người Việt Nam. Không có cái ngon nào bằng được ăn món ăn Việt Nam và được nghe âm nhạc Việt Nam trên đất nước Việt Nam... Không thể lấy bánh mì pate mà thay cơm Việt Nam, không thể lấy rượu Tây mà thay được ngụm nước quê nhà"… Đây cũng là những lời ông thường dạy các học trò của mình.
Những năm cuối đời, ông không thể tự di chuyển, việc nói chuyện cũng rất khó khăn. Vậy nhưng trong những buổi thuyết trình của học trò về văn hóa - nghệ thuật, ông lại tỏ ra minh mẫn lạ thường. Ông ngồi nghe với ánh mắt say mê và giao lưu với người hâm mộ với giọng nói vẫn tràn đầy sinh lực.
Sự ra đi của Giáo sư Trần Văn Khê vào ngày 24/6/2015 đã trở thành một mất mát, một sự tiếc nuối lớn lao đối với nền âm nhạc truyền thống Việt Nam. Đối với những người yêu và gắn bó với âm nhạc truyền thống, ông mãi mãi là bậc thầy, là người "truyền lửa" để tình yêu âm nhạc dân tộc luôn sống cùng thời gian.
Quỹ học bổng Trần Văn Khê được thành lập tại Thành phố Hồ Chí Minh vào năm 2021- đúng vào dịp Kỷ niệm 100 năm ngày sinh cố nhạc sĩ Trần Văn Khê. Quỹ nhằm mục đích hỗ trợ các hoạt động văn hóa, xét trao giải thưởng và học bổng thường niên cho những học sinh, những nhà nghiên cứu và nghệ sĩ có thành tựu xuất sắc trong học tập, nghiên cứu, phát huy giá trị nghệ thuật dân tộc truyền thống Việt Nam.