Cô Chinh kể: khi mới về công tác, nhà dân thưa thớt, đường đất mưa lầy, nắng bụi. Ngôi trường chỉ có một căn nhà cấp 4 nằm khuất sau những rẫy cà phê, hồ tiêu cao vút. Lớp học dựng tạm bợ bằng tranh tre, vách nứa, 98% học sinh là con em đồng bào Ê-đê, hoàn cảnh khó khăn nên học sinh thường xuyên nghỉ học đi làm rẫy, lượm ve chai phụ giúp gia đình. Do vậy, cô phải thường xuyên vào tận nhà vận động gia đình, động viên các em đến lớp.
Cô nhớ mãi trường hợp gia đình có 3 con đang học tại trường; nhưng người cha suốt ngày say rượu nên bắt con bỏ học đi làm kiếm tiền mua rượu uống. Nhà trường đến vận động nhiều lần không được, cuối cùng cô phải dùng biện pháp dọa nếu không cho con đi học cán bộ xã sẽ đến kiểm tra và phạt. Thế là sáng sớm hôm sau, phụ huynh này dắt 3 đứa con đến trường rất sớm. Hay có những hôm, trên đường đến trường cô bắt gặp nhóm 4 học sinh của mình tay vác bao, tay cầm cây sắt chọc ve chai đang trên đường vào bãi rác, cô dừng lại nói chuyện, thuyết phục rồi chở học sinh về nhà thay đồ, lấy dụng cụ học tập và đưa đến trường.
Biết học sinh thường dậy sớm đi lượm ve chai, hằng ngày, cô cũng đạp xe từ mờ sáng để kịp “bắt” học sinh đến lớp trước khi các em đi làm để các em theo kịp chương trình, không bị đúp lớp. Ngoài giờ giảng dạy trên lớp cô Chinh còn tham gia lớp phổ cập xóa mù chữ cho thanh, thiếu nhi DTTS độ tuổi 14 đến 17.
Vì học sinh chủ yếu là người Ê-đê, chưa rành tiếng phổ thông nên việc tiếp thu kiến thức còn hạn chế. Cô Chinh tìm nhiều cách đổi mới phương pháp dạy cho phù hợp với đặc thù học sinh và chủ động tham gia lớp học tiếng Ê-đê, hiểu ngôn ngữ mẹ đẻ để kết hợp giảng dạy cho học sinh dễ hiểu hơn, truyền đạt kiến thức hiệu quả nhất...
Với nỗ lực của cô và tập thể nhà trường, từ năm 2010 học sinh đi học đúng độ tuổi và trường hợp học sinh bỏ học ngang cũng dần được cải thiện. Năm 2015, Trường Tiểu học Triệu Thị Trinh vinh dự được công nhận là trường chuẩn quốc gia.
Ở cương vị là lãnh đạo, cô Chinh tham mưu với các cấp chính quyền, tổ chức kêu gọi tập thể, các cá nhân đóng góp xây dựng thêm 8 phòng học 2 tầng, 1 nhà hiệu bộ và những công trình phụ bao gồm cả nhà vệ sinh. Năm 2017, ngành Giáo dục chuyển công tác cô đến ngôi trường khác, nhưng vì nặng lòng với học sinh Ê-đê cô xin xuống làm Hiệu phó để tiếp tục được công tác tại ngôi trường này.
Cô Chinh liên tục là đảng viên xuất sắc, chiến sĩ thi đua cấp cơ sở. Với những nỗ lực của một nhà giáo, năm 2012, cô được UBND tỉnh Đăk Lăk trao tặng Bằng khen trong cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”.
Lê Liên-Lê Hường