Bến nước giữa lòng thành phố
Vào các ngày cuối tuần, ông Y Wih Êban, Trưởng buôn K’mrơng Prông B, xã Ea Tu, TP . Buôn Ma Thuột, tỉnh Đăk Lăk lại cùng lũ trẻ trong buôn dọn vệ sinh con đường xuống bến nước và khu vực xung quanh. Ông Y Wih cho biết: Bến nước này đã có từ rất lâu đời. Bến nước đông và tấp nập nhất vào lúc sáng sớm và cuối chiều.
Người Ê-đê tin rằng, uống nước lấy từ bến nước của buôn sẽ được thần nước che chở và ban sức khỏe. Nên ngày nay, dù cuộc sống văn minh hiện đại, nhà nhà đều có giếng khoan, nhưng 80% người dân trong buôn vẫn giữ thói quen ngày 2 buổi sáng, chiều vào bến gùi nước về uống nên trách nhiệm giữ rừng, giữ bến nước càng cần thiết. Đặc biệt, lễ cúng bến nước vẫn được duy trì và trở thành lễ cúng linh thiêng nhất trong năm của buôn làng. Việc giữ gìn bến nước là trách nhiệm của cả cộng đồng buôn làng. Hàng tuần, người dân sẽ tự vệ sinh dọn dẹp bến nước thật sạch sẽ.
Già làng Y Yơh Kbuôr, buôn K’mrơng Prông A kể: Ngày xưa, ông bà chọn nơi đây lập buôn vì tìm được bến nước nằm sâu trong rừng già. Nước là “thần hồn” , hiện linh của sự sống, rừng là “lá bùa hộ mệnh” che chở cho buôn làng. Thần nước mang đến cho người dân mùa màng tươi tốt, sự ấm no. Nhưng để có nguồn nước trong và sạch, bà con trong buôn cùng nhau giữ gìn cây xanh đầu nguồn. Bởi rừng mất thì nước cạn, mỗi một cây gỗ lớn bị chặt phá là một mạch nước ngầm cạn đi, mất rừng, mất bến nước thì buôn làng cũng không còn. Vì vậy, khu rừng bao quanh bến nước buôn K’mrơng Prông B được người dân bảo vệ như báu vật nên vẫn còn dáng vẻ nguyên sinh.
Năm 2012, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường tỉnh tổ chức lễ gắn biển bảo tồn cây đầu nguồn bến nước tại buôn K’mrơng Prông B. Đăm di-Bến nước huyền thoại Bến nước buôn Sah B, xã Ea Tul, huyện Cư M’gar mát rượi ngập tràn trong màu xanh dưới tán rừng già. Dòng nước mát lạnh, trong vắt chảy ra từ những ống tre xuống tảng đá, miếng gỗ, tạo âm thanh róc rách. Những đứa trẻ theo mẹ đi giặt đồ, gùi nước xòe bàn tay hứng dòng nước vui đùa rộn ràng.
Chị H’Ruôl cho biết: Trước đây, bến nước này rất ít người sử dụng do đường đi rất dốc, trời mưa trơn trượt. Một thời gian không sử dụng, lá cây rụng không có người vệ sinh nên khu vực bến nước bị ô nhiễm. Năm 2011, Huyện Đoàn Cư M’gar tu sửa, phục hồi bến nước trở lại đông vui tấp nập.
Theo lời già làng Ama Phăng, thì bến nước buôn Sah B gắn với một truyền thuyết về anh hùng Đăm Di trong sử thi Đăm Di của người Ê-đê. Vì thế, bến nước này còn có tên gọi khác là bến nước Đăm Di. Không ai còn nhớ chủ bến nước là ai và buôn Sah có từ bao giờ, chỉ biết rừng vùng đất này do người Ê-đê canh giữ.
Già làng Ama Phăng cho biết: Lúc nhỏ, tôi được nghe ông bà kể về chàng Đăm Di tài giỏi, dũng cảm chiến đấu quyết liệt với ông thần nước để giữ đất. Chàng Đăm Di dựng buôn tại đây để cai quản và đặt tên là buôn Sah. Ngày đó, buôn Sah có hai chị em ruột H’Bea và H’Bri đẹp như đóa hoa pơlang giữa núi rừng khiến bao chàng trai trong vùng mê đắm. Mỗi ngày 2 lần, chị em H’Bea và H’Bri đến bến nước, giặt giũ, tắm gội và gùi nước về cho gia đình. Một buổi chiều, hai chị nô đùa ở bến nước, tiếng cười vang cả khu rừng như tiếng chim hót khiếm chàng Đăm Di mê mẩn lần theo chất giọng lảnh lót đó. Nhìn thấy chị em H’Bea và H’Bri dưới dòng chảy của mạch nước càng làm chàng mê mẩn. Vừa nhìn thấy Đăm Di, hai cô gái lấy vội váy áo khoác lên người rồi chạy vội về nhà.
Quá say đắm nhan sắc hai cô gái, chàng lấy kiếm vẽ lên đá hình ảnh hai nàng rồi ngồi ngắm. Do sự bào mòn của thời gian, nay vết vẽ không còn nhưng dấu chân chàng Đăm Di còn in trên phiến đá.
Nhiều người am hiểu văn hóa Tây Nguyên khẳng định rằng: “Nơi nào còn bến nước đẹp nhất và đúng nghĩa nhất thì nơi đó bà con thực hành nghi lễ cúng bến nước cổ truyền” .
Ngày nay, do ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, không gian văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS dần bị thu hẹp, luật tục phai nhạt dần. Việc tôn tạo, tái hiện lại một số nghi lễ truyền thống của các tộc người bản địa Tây Nguyên, trong đó có bến nước cần được chính quyền các địa phương quan tâm, có kế hoạch, giải pháp bảo tồn bến nước đúng nghĩa.
LÊ HƯỜNG