Bèo Bọt - đó là tên của một thôn nghèo nằm biệt lập ở phía bên kia sông Mã, thuộc xã Cẩm Thành, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Ngay ở cái tên của thôn đã nói lên sự lênh đênh và khó nhọc. Chỉ cách trung tâm xã chừng hơn 10 km, thế nhưng con đường vào thôn Bèo Bọt không hề dễ dàng. Bởi để sang được thôn, chỉ có hai con đường, một là leo qua dãy núi đá vôi dựng đứng ở xã Lương Trung (Bá Thước), hai là dùng thuyền vượt sông Mã.
Từ bao đời nay, người dân nơi đây đã quen với cách di chuyển bằng thuyền, nay được thay thế bằng phà máy do Nhà nước hỗ trợ. Mọi việc giao thương đi lại của người dân trong làng đều phải phụ thuộc vào chiếc phà chỉ chở tối đa được 12 người mỗi chuyến. Những ngày nắng ráo thì còn đỡ, cứ đến mùa mưa lũ, nước sông Mã dâng cao và nguy hiểm, việc đi lại của người dân bị ngưng trệ, ảnh hưởng đến việc học của con trẻ, đi làm của bà con.
Là người nơi khác đến lấy chồng và sinh sống ở thôn Bèo Bọt đã hơn chục năm nay, chị Trương Thị Linh cảm nhận rõ nỗi vất vả, nhọc nhằn ra sao với cuộc sống nơi đây. “Việc đi lại của chúng tôi vô cùng bất tiện, do giao thông không thuận tiện, việc buôn bán giao thông càng khó khăn hơn. Hàng hóa làm ra muốn bán thì bị ép giá rẻ, còn hàng đưa về làng thì phải chịu giá cao. Mong sao sớm có cây cầu để bà con trong thôn yên tâm làm ăn, phát triển kinh tế”, chị Linh nói.
Ông Bùi Thái Dương (57 tuổi) thì cho biết, ông tích cóp được ít tiền muốn xây dựng ngôi nhà. Trong quá trình xây dựng, gia đình phải mang từng viên gạch, bao xi măng… bốc lên thuyền chở thành nhiều chuyến, rồi phải thuê người, phương tiện chở về thôn, chi phí đội lên rất nhiều so với những ngôi nhà bên kia sông.
Anh Cao Ngọc Hoan (47 tuổi), người đã sinh ra và lớn lên ở Bèo Bọt, được giao nhiệm vụ điều khiển con phà chở khách qua sông. Đã hơn 3 năm gắn bó với nghề, bất kể trời mưa hay nắng, mùa Hè hay những ngày Đông giá rét, anh Hoan vẫn ngày đêm cần mẫn, miệt mài đưa người dân và học sinh qua sông đều đặn.
Anh Hoan kể, để phục vụ nhu cầu đi lại cho bà con trong thôn, ngoài giờ đưa đò từ 6 giờ sáng đến 6 giờ tối, ai có nhu cầu hoặc công việc muốn qua sông, anh đều nhiệt tình phục vụ, có những thời điểm giữa đêm 1 - 2 h sáng, dù đang nằm ngủ nhưng khi nhận được điện thoại cầu cứu của người dân trong làng, bất kể mưa rét anh đều sẵn sàng chở khách qua sông.
“Có hôm trời tối, tôi vẫn thường đợi để đưa các cháu đi học thêm về sau đó mới yên tâm về nghỉ ngơi ăn uống được. Ngay cả đêm khuya khoắt, có người cần gấp muốn qua sông, tôi vẫn sẵn sàng”, anh Hoan nói.
Ông Cao Xuân Tuấn - Trưởng thôn Bèo Bọt cho biết: Thôn hiện có 87 hộ dân với 383 nhân khẩu, đồng bào Thái chiếm trên 97%. Hàng trăm năm nay, thôn Bèo Bọt như một ốc đảo nằm tách biệt với thế giới bên ngoài, bởi dòng sông Mã và những vách núi cao. Ngoài cây lúa nước, người dân còn trồng thêm ngô, tre, luồng.... Trong thôn cũng có khoảng 3 hộ nuôi cá lồng. Nhờ chăm chỉ, chịu khó làm ăn vươn lên, những năm gần đây cuộc sống của người dân ổn định và chất lượng cuộc sống từng bước được nâng lên hơn. Đến nay, thôn còn 11 hộ nghèo.
“Giao thông bị chia cắt, nên mọi việc lớn nhỏ từ ma chay, cưới hỏi, ốm đau, bệnh tật… người dân phải trông chờ chiếc phà máy, nên thường rất bị động. Đặc biệt, chỉ tính riêng việc thu hoạch, vận chuyển hàng hóa như lúa, gạo, luồng… bà con tốn rất nhiều công đoạn, thời gian và tiền bạc. Thế nên, bán được luồng thì trừ chi phí vận chuyển đi người dân chẳng còn được là bao...”, Trưởng thôn Tuấn cho hay.
Cũng theo ông Tuấn, dù đi lại khó khăn, song 100% trẻ em trong thôn đều được đến trường đúng độ tuổi, ở nhiều cấp học không có học sinh bỏ học, đây là điều phấn khởi nhất ở thôn.
Ông Bùi Tiến Dũng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Thành cho biết: Trong những năm qua, hệ thống đường giao thông nội thôn Bèo Bọt được quan tâm để đầu tư khá đồng bộ. Nhưng do vị trí địa lý riêng biệt, người dân ở đây chịu nhiều thiệt thòi khi giao thông nối ra đường lớn không có.
Người dân thôn Bèo Bọt mong ước lớn nhất, là có chiếc cầu bắc qua sông Mã để tiện giao thương, buôn bán, đi lại được dễ dàng, thuận tiện. Khổ nỗi, vì kinh phí địa phương hạn hẹp nên câu chuyện xây cầu cho người dân không biết đến khi nào mới trở thành hiện thực.