Chỉ có một con đường duy nhất để tới làng, đó là đi theo lối mòn, leo qua các vách đá lởm chởm. Đến đỉnh núi có độ cao khoảng 1 nghìn mét, sẽ thấy 20 nóc nhà giữa một khoảng đất khá bằng phẳng. Đây chính là Plei Cheng Leng, tên làng được đặt theo tên núi.
Đang trong mùa thu hoạch sắn nên trong làng chủ yếu còn trẻ em và người già, những người trong độ tuổi lao động hầu hết đang ở nương rẫy. Theo bà Rmah Kam, người đã sống ở đây gần 30 năm, cuộc sống của người dân Plei Cheng Leng ngày càng khó khăn vì thiếu thốn đủ thứ và người thì ngày càng đông.
“Cuộc sống ở đây khó khăn lắm, cái gì cũng thiếu, thiếu nước là khổ nhất. Trồng trọt không có nước, nước uống cũng thiếu, tắm giặt cũng thiếu. Mà người càng ngày càng đông, cuộc sống càng thiếu, khổ sở.”
Làng Cheng Leng có 9 hộ gia đình đã định cư lâu năm và hơn chục hộ khác mới di cư lên, đã dựng nhà ở nhưng chủ yếu sống theo mùa vụ. Hết mùa vụ, bà con lại tản đi nơi khác có điều kiện thuận lợi hơn.
Một trong những người mới tới định cư là anh Rmah T’rúi. Anh cho biết, trước đây mình ở một ngôi làng dưới núi, do không có đất sản xuất nên dẫn theo vợ con lên định cư trên núi Cheng Leng đến nay được 4 năm và suốt ngày đi phát rừng, làm rẫy.
Trong làng không có người dạy học nên cả hai đứa con của anh T’rúi không biết chữ. Khi bị đau ốm, gia đình sẽ để các cháu tự khỏi. Nếu ốm nặng hơn thì sẽ phải mất nửa ngày để đưa đi thầy cúng ở ngôi làng gần nhất cúng bái chữa bệnh. Khi thầy cúng bó tay, lúc đó vợ chồng anh mới đưa đi bệnh viện huyện Phú Thiện.
Theo ông Phùng Trung Toàn, Chủ tịch UBND xã Chư A Thai, huyện Phú Thiện, về mặt dân cư, Plei Cheng Leng có 8 gia đình với hơn 40 nhân khẩu có nguồn gốc từ làng Trớ (xã Chư A Thai) lên định cư từ năm 2004.
Số còn lại là dân góp từ các làng quanh vùng, chủ yếu từ huyện Chư Sê. Tính theo địa giới hành chính, khu vực làng Cheng Leng hiện nay thuộc lâm phần Ban quản lý rừng phòng hộ Ayun Pa, thuộc xã H’Bông, huyện Chư Sê, tiếp giáp với huyện Phú Thiện và Mang Yang.
Do sống biệt lập trên núi nên cuộc sống của bà con thiếu thốn đủ bề, không điện, không đường, không trường, không trạm, không có hộ khẩu, chứng minh nhân dân. Bà con cũng không được hưởng bất kỳ một chế độ, chính sách nào.
“Trên này điều kiện sống vất vả, con cái không được học hành, điện nước không có. Qua đợt khảo sát này chúng tôi sẽ có báo cáo cụ thể gửi lên Huyện ủy và UBND huyện để cấp trên xem xét có giải pháp đưa bà con vào thực hiện công tác quản lý, có giải pháp nâng cao đời sống vật chất tinh thần để con em họ đến lớp, đến trường", ông Toàn cho biết.
Nằm biệt lập trên đỉnh núi Cheng Leng, ngôi làng “5 không” của bà con người Jarai nơi đây ngày càng trở nên khó khăn khi dân số ngày càng đông, đất rừng ngày càng thu hẹp để nhường chỗ cho nương rẫy nhưng cũng không đủ ăn.
Đáng lo hơn nữa là hơn 1/3 dân số trong làng hiện nay là trẻ em đều không biết chữ, thiếu thốn các dịch vụ y tế. Nếu chính quyền tỉnh Gia Lai, huyện Chư Sê và Phú Thiện không có biện pháp nào thì tương lai của các em cũng mù mịt như những cánh rừng ở núi Cheng Leng./.
THEO VOV