Con đường vào khu vực trồng dứa của phụ nữ bản Chân Trôộng, xã Trường Sơn không phải quá xa, nhưng cũng đủ cho lưng áo của mỗi người trong đoàn công tác chúng tôi thấm ướt mồ hôi giữa tiết trời nắng nóng đặc biệt gay gắt của vùng biên cương Quảng Bình. Trên thửa ruộng có diện tích hơn 1ha, những quả dứa chín vàng đang được cán bộ, chiến sĩ Biên phòng cùng chị em hội viên Hội LHPN xã và người dân bản Chân Trôộng thu hoạch để kịp đưa về xuôi bán cho người tiêu dùng.
Nét mặt rạng rỡ, chị Pa Rít, ở bản Chân Trôộng vui mừng cho biết: “Năm nay là mùa thu hoạch đầu tiên, nhưng cây dứa cho nhiều quả lắm, sau khi thu hoạch xong chắc sẽ được hơn 20 tấn quả đấy. Dân bản mình càng vui hơn vì dứa hái về lại được các anh Biên phòng với các chị phụ nữ xã chở đi bán giúp, nên nỗi lo không có ai mua trong bụng mình đã không còn nữa rồi!”
Niềm vui mà chị Pa Rít chia sẻ với tôi chính là hiệu quả từ mô hình trồng cây dứa cho năng suất cao được cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Làng Mô khởi xướng từ năm 2018 và phối hợp với Hội LHPN xã giao cho 15 hội viên thuộc Chi hội phụ nữ bản Chân Trôộng trồng thí điểm. Sau gần 2 năm triển khai, đến nay đã cho thu hoạch đạt hơn 20 tấn quả, tổng số tiền thu được là 86 triệu đồng.
Nếu như cách đây 3 năm, trên địa bàn xã Trường Sơn, nạn tảo hôn diễn ra thường xuyên, nhiều trẻ vị thành niên mới chỉ 11 đến 13 tuổi là gia đình đã bắt lấy chồng, lấy vợ, chứ không cho các em đến trường học tập. Một số bản ở vùng sâu, vùng xa, tình trạng hôn nhân cận huyết thống vẫn diễn ra, nhưng người dân coi như chuyện bình thường, làm ảnh hưởng rất lớn đến quá trình duy trì nòi giống cũng như chất lượng dân số.
Trước tình hình đó, Đồn Biên phòng Làng Mô đã cùng với Hội LHPN xã tiến hành biên soạn nội dung, in ấn tờ rơi để phát cho bà con, tổ chức lồng ghép các buổi tuyên truyền bằng hình thức sân khấu hóa, tuyên truyền tập trung, tuyên truyền cá biệt để giúp chị em phụ nữ hiểu được tác hại của việc tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống. Bằng sự nỗ lực, cố gắng ấy mà tình trạng hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn đã chấm dứt hoàn toàn, nạn tảo hôn đã giảm xuống chỉ còn chiếm 0,1% trên tổng số trường hợp kết hôn hiện nay.
Để “giữ lửa” cho chương trình “Đồng hành cùng phụ nữ biên cương”, hai đơn vị đã chọn Chi hội phụ nữ bản Dốc Mây làm thí điểm mô hình chăn nuôi lợn thuần chủng giống địa phương bằng phương thức bán nuôi nhốt. Đây là một việc làm khá mới đối với chị em ở bản Dốc Mây, vì đây là bản ở xa đường cái lớn, chưa có điện lưới quốc gia, chưa có sóng điện thoại nên việc người dân tiếp cận với khoa học kỹ thuật còn nhiều hạn chế.
Khi được cán bộ Biên phòng và Hội LHPN xã hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi hiện đại mà vẫn giữ được bản sắc, phong tục của địa phương, chị em trong bản ai nấy đều rất mừng. Hiện, tổng đàn lợn của phụ nữ bản Dốc Mây đã lên tới hơn 150 con, một số chị đã mua sắm được xe gắn máy hoặc những vật dụng đắt tiền cho gia đình từ tiền bán lợn. Cũng tại bản Dốc Mây, chị em phụ nữ đã thành lập Tổ phụ nữ tham gia bảo vệ đường biên, cột mốc với 20 thành viên, thường xuyên cùng BĐBP đi tuần tra biên giới và phát quang cột mốc.
Chị Trần Thị Thùy Dung, Chủ tịch Hội LHPN xã Trường Sơn cho biết: “Công tác phối hợp với Đồn Biên phòng Làng Mô được xác định là khâu then chốt, trọng tâm của Hội trong việc xây dựng, triển khai những mô hình phát triển kinh tế, cải thiện dân sinh hay công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho hội viên. Trong đợt phòng chống dịch bệnh Covid-19 vừa qua, hai đơn vị đã đến các bản cấp phát hơn 500 tờ rơi, 120 bánh xà phòng, 150 chai nước rửa tay diệt khuẩn, 1.000 chiếc khẩu trang các loại cho hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn và các cháu học sinh trở lại trường học, giúp các gia đình neo đơn thu hoạch lúa, lạc hơn 40 ngày công”...