Theo y học cổ truyền, sâu chít có vị cam, ôn, đại bổ phế, thận và mệnh môn, chữa được bệnh phế hư (ho và thổ huyết, suyễn); thận suy yếu, Di tinh, hoạt tinh. Các nhà khoa học nhận định: Sâu chít rất giàu đạm, một lượng đạm cao cấp rất cần thiết cho cơ thể. Điều này lý giải tác dụng điều trị suy dinh dưỡng, nâng cao thể trạng và sức đề kháng của cơ thể chống lại sự xâm nhập của vi sinh gây bệnh. Đặc biệt, ở sâu chít, hàm lượng acid béo không no đạt tới 58,37% - đây là thành phần tạo ra chất có hoạt tính sinh học cần thiết mà cơ thể không tự tổng hợp được.
Có thể sử dụng sâu chít để bào chế thuốc điều trị hỗ trợ bệnh nhân ung thư. Tuy nhiên, sâu này không có tác dụng điều trị như thuốc. Hiệu quả điều trị của nó có được là thông qua sự kích thích đáp ứng miễn dịch của cơ thể để chống lại vi sinh vật gây bệnh. Sâu chít cũng được khẳng định là không độc với cơ thể, do vậy có thể sử dụng làm thực phẩm và dược liệu.
Ngoài cách sử dụng phổ biến nhất là ngâm rượu uống, có thể sao khô, nấu cháo sâu chít. Với cách chế biến phù hợp, sâu chít còn giúp cải thiện da và sức khỏe phụ nữ, cho những người thể trạng yếu.
Cách ngâm sâu chít cũng khá kỳ công. Đầu tiên, lấy chít từ đót của cây chít ra bằng cách chẻ dọc từ gốc tới ngọn cây. Trong quá trình thao tác cần lưu ý nhẹ tay, tránh làm vỡ, rách thân sâu.
Sau đó, đem sâu chít đi rửa sạch. Rửa chít cần sử dụng một chút muối pha vào nước ấm, ngâm trong khoảng từ 2 đến 3 giờ và đều đặn thay nước mỗi giờ một lần. Mục đích của việc làm này là để sâu chít nhả hết chất bẩn trong người và giúp rượu ngâm sau này không bị đổi màu và có được hương vị tuyệt hảo nhất. Sau thời gian ngâm muối, sâu chít cần được rửa sạch lại với nước, để ráo. Tới trước khi ngâm rượu, sâu cần được rửa lại một lần nữa bằng rượu.
Chú ý sử dụng cùng một loại rượu để rửa và ngâm rượu để tránh tình trạng sâu bị cháy hoặc thâm do tiếp xúc với các loại rượu có nồng độ khác nhau.
CĐ