Đã nghèo lại mang thêm nợ!Ông Đặng Văn Bài, bệnh binh ¼ ở xóm 4A, xã Ngọc Sơn (huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An), năm nay đã gần 60 tuổi. Gia cảnh khó khăn, năm 2013, ông vui mừng vì được cán bộ ngành Lao động-Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) xã Ngọc Sơn thông báo, ông thuộc diện được ngân sách hỗ trợ 40 triệu đồng theo QĐ 22 để dựng nhà mới.
Tin vào khẳng định của cán bộ xã, dù chưa được cầm tiền hỗ trợ nhưng vì căn nhà đã xuống cấp nên ông Bài quyết định đi vay tiền để xây lại căn nhà cho tươm tất. Ông dự định khi nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước sẽ trả số tiền vay đó.
Nhưng chờ mãi, đến nay đã gần 4 năm, số tiền hỗ trợ 40 triệu đồng theo QĐ 22 vẫn chưa về đến tay ông. Trong khi đó, số tiền vay để xây nhà không thể cứ khất lần mãi.
“Nghe thông báo tôi thuộc diện được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây dựng nhà nên vợ chồng bàn nhau xây dựng nhà để có chỗ thờ phụng sau khi mất. Giờ nhà xây xong rồi nhưng nợ chưa trả hết vì tiền hỗ trợ của Nhà nước vẫn chẳng thấy đâu”, ông Bài cho biết.
Không chỉ riêng ông Bài mà rất nhiều gia đình có công với cách mạng đang lâm vào cảnh nợ nần vì lỡ vay tiền để xây nhà mới sau khi họ được thông báo được hỗ trợ tiền làm nhà theo QĐ 22.
Bà Nguyễn Thị Lựu, vợ liệt sĩ Nguyễn Đăng Hiếu ở xã Kim Nỗ (Đông Anh, Hà Nội), năm nay đã ngoài 80 tuổi nhưng vẫn đau đáu nỗi niềm bởi cả gia đình đang sống trong nợ nần. Bà Lựu cho biết, năm 2013, gia đình được cán bộ phụ trách LĐTB&XH của xã thông báo được hỗ trợ 40 triệu đồng để xây nhà. Tuy chưa nhận được tiền hỗ trợ, nhưng vì ngôi nhà đã xuống cấp nên cả gia đình vẫn quyết định đi vay tiền để làm nhà mới, khi nào nhận được tiền hỗ trợ của Nhà nước sẽ trả sau. Mọi việc sau đó diễn ra theo đúng kế hoạch, gia đình bà Lựu đã có ngôi nhà mới, chỉ có điều chờ mãi tiền hỗ trợ vẫn chưa thấy đâu.
Theo đại diện Phòng LĐTB&XH huyện Đông Anh, thực hiện QĐ 22, toàn huyện có 558 hộ được thụ hưởng, với tổng số tiền hơn 16 tỷ đồng. Hiện đã có 30 hộ đã sửa chữa xong, còn 518 hộ đã hoàn thiện hồ sơ nhưng vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.
Chậm vì thiếu kinh phíQĐ 22 quy định: Hỗ trợ 40 triệu đồng/hộ đối với xây mới nhà ở và phải bảo đảm tiêu chuẩn 3 cứng (cứng nền, khung - tường cứng và mái cứng), có diện tích sử dụng tối thiểu 30m², có tuổi thọ từ 10 năm trở lên; hỗ trợ 20 triệu đồng/hộ đối với trường hợp nhà ở bị hư hỏng, dột nát cần phải sửa chữa phần khung - tường và thay mới mái nhà.
Với “khung” hỗ trợ đó, nếu như ngay từ ban đầu, cơ quan chủ trì Đề án (Bộ Xây dựng) và các địa phương hoạch tính đúng số lượng để cân đối đủ nguồn lực thì chắc hẳn sẽ không để xảy ra tình trạng chủ trương, chính sách thì đúng nhưng khi triển khai lại gặp quá nhiều vướng mắc.
Cụ thể, theo số liệu Ðề án của 63 địa phương sau khi có QĐ 22, số lượng NCC với cách mạng cần được hỗ trợ về nhà ở là 351.493 hộ, trong đó: cần xây dựng mới nhà ở là 164.766 hộ; cần sửa chữa, cải tạo nhà ở là 186.727 hộ. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ LĐTB&XH, sau khi rà soát, điều chỉnh, bổ sung thì số lượng đối tượng cần hỗ trợ nhà ở tăng thêm 11.944 hộ.
Do đó, đến hết tháng 9/2016, đã có 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương lập, phê duyệt Ðề án và rà soát, điều chỉnh số NCC với cách mạng cần hỗ trợ về nhà ở, với tổng số hộ cần hỗ trợ là 363.437 hộ, tổng số kinh phí 10.652,8 tỷ đồng. Đến hết tháng 11/2016, 63 tỉnh thành đã hoàn thành hỗ trợ cho 91.302 hộ (trong đó, có 51.064 hộ xây mới và 40.238 hộ sửa chữa, cải tạo).
Với sự tăng vọt về số lượng đối tượng thụ hưởng đã khiến nguồn vốn chi cho Đề án tăng thêm khoảng 8.201,44 tỷ đồng (gấp 4,35 lần so với dự kiến). Đây chính là một trong những nguyên nhân khiến việc triển khai Đề án không đạt tiến độ đề ra.
Theo tính toán của Bộ Xây dựng, để tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở còn lại trong 3 năm tới (2017-2019), tổng kinh phí ngân sách Trung ương cần cấp khoảng 7.300 tỷ đồng, tương ứng mỗi năm cấp khoảng 2.430 tỷ đồng.
Xã hội hóa là lối mở?Theo ông Nguyễn Duy Kiên, Phó Cục trưởng Cục Người có công (Bộ LĐTB&XH), tình trạng chậm trễ kinh phí hỗ trợ là do ngân sách chưa cấp đủ theo quy định cho nên hầu hết các địa phương đều thực hiện chậm so với yêu cầu. Việc phân bổ ngân sách có nơi không thống nhất, nhiều trường hợp huyện có nhiều hộ cần hỗ trợ thì lại phân bổ ít và ngược lại. Bên cạnh đó, việc mở rộng đối tượng thụ hưởng cũng làm cho số hộ được hỗ trợ xây mới và sửa chữa nhà ở tăng lên rất nhiều.
Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã có ý kiến chỉ đạo về việc thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với NCC với cách mạng, đề nghị Bộ LĐTB&XH nhanh chóng hoàn tất việc thẩm định số lượng nhà ở đối với NCC với cách mạng cần hỗ trợ; giao Bộ Kế hoạch và Ðầu tư chủ trì, phối hợp với các bộ: Tài chính, Xây dựng và cơ quan liên quan trình cấp có thẩm quyền giao vốn kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020, theo quy định để thực hiện chính sách hỗ trợ nhà ở đối với NCC với cách mạng theo QĐ 22 của Thủ tướng Chính phủ.
Bên cạnh đó, khảo sát tại các địa phương, chúng tôi nhận thấy, để Đề án hỗ trợ nhà ở cho NCC được thực hiện đúng lộ trình, hiệu quả thì việc huy động nguồn lực xã hội hóa cũng có vai trò rất quan trọng. Bởi trong điều kiện ngân sách còn quá hạn hẹp thì huy động nguồn lực xã hội sẽ phần nào giải quyết được bài toán: Làm thế nào để bổ sung nguồn để kịp thời hỗ trợ những gia đình gặp khó khăn nhất?
Theo ông Nguyễn Đăng Dương, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Nghệ An, một giải pháp quan trọng là các địa phương cần tăng cường huy động quỹ Đền ơn đáp nghĩa và các nguồn vốn xã hội hóa để xây mới, sửa chữa nhà ở cho các đối tượng này. Chứng minh điều này, ông Dương đưa ra thông số: Tính riêng 6 tháng đầu năm 2016, toàn tỉnh Nghệ An đã hỗ trợ, xây dựng mới cho 92 hộ gia đình có công với cách mạng có nhà ở, với kinh phí 5,98 tỷ đồng và sửa chữa nâng cấp 100 nhà với kinh phí 2,55 tỷ đồng từ nguồn vốn xã hội hóa.
SỸ HÀO