Chăm lo, động viên kịp thời đối với Người có uy tín
Theo thống kê, Nghệ An hiện có 10 thành phần dân tộc. Giai đoạn 2011 - 2021, cả tỉnh có 13.504 lượt người được bầu là Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS.
Để động viên kịp thời đội ngũ Người có uy tín, những năm qua, UBND tỉnh Nghệ An đã lãnh đạo, chỉ đạo hiệu quả việc triển khai thực hiện đầy đủ các chính sách đối với Người uy tín của Chính phủ; của riêng địa phương và kết hợp với việc huy động thêm các nguồn lực khác để chăm lo đối với Người có uy tín.
Qua tổng hợp, tổng kinh phí thực hiện chính sách đối với Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Nghệ An giai đoạn 2011 - 2021, là hơn 39,911 tỷ đồng. Chính sách đối với Người có uy tín được thể hiện qua việc cấp phát 6 đầu báo; tổ chức được 100 lớp phổ biến, cung cấp thông tin cho 5.892 lượt người; 15 lớp tập huấn, bồi dưỡng cho 1.614 lượt người; tổ chức cho Người có uy tín đi tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình kinh tế - xã hội ở ngoài tỉnh được 8 cuộc, với 377 người.
Vào các dịp lễ tết, các địa phương cũng đã tổ chức thăm hỏi và tặng quà cho 16.092 lượt người; thăm hỏi ốm đau đến 698 lượt người; tổ chức thăm viếng 88 Người có uy tín, thân nhân Người có uy tín qua đời; tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ 107 gia đình Người có uy tín gặp khó khăn, hoạn nạn. Hàng năm, tỉnh cũng đã tổ chức gặp mặt, tặng quà 4.569 lượt người; biểu dương, khen thưởng 1.858 lượt người.
Từ năm 2017 đến nay, định kỳ, 2 năm 1 lần, UBND tỉnh tổ chức Hội nghị tuyên dương Người có uy tín tiêu biểu trong đồng bào DTTS cấp tỉnh. Theo đó, tỉnh cũng đã biểu dương khen thưởng đối với 544 Người có uy tín tiêu biểu.
Ông Vy Mỹ Sơn - Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An cho biết: Chính sách đối với Người có uy tín của Đảng và Nhà nước đã và đang tác động tích cực đến tinh thần trách nhiệm, niềm tự hào của đội ngũ Người có uy tín và rất hợp lòng dân. Từ việc thực hiện đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách đối với Người có uy tín trong đồng bào DTTS đã được đội ngũ Người có uy tín đồng thuận, đánh giá và ghi nhận. Năm 2022, Ban Dân tộc cũng đã tổ chức 5 lớp tập huấn phổ biến cung cấp thông tin, với số lượng 312 Người uy tín cấp tham gia. Ở các huyện tổ chức được 12 lớp với khoảng 700 Người uy tín tham.
Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội cùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Giai đoạn I: Từ 2021 - 2025, trong thời gian từ 6 - 20/10/2022, Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An tổ chức 5 chương trình hội nghị, tập huấn với 350 học viên tham gia, trong đó có nhiều Người có uy tín.
Theo đó, các học viên được phổ biến các chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, tuyên truyền Nghị quyết 88 của Quốc hội XIV về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Chương trình mục tiêu Quốc gia về phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi; chính sách dân tộc đang thực hiện trên địa bàn; tình hình an ninh trật tự vùng biên; công tác phòng, chống dịch bệnh trong đồng bào DTTS...
Chương trình tập huấn còn cung cấp cho học viên các nội dung thiết thực về vai trò, vị trí, trách nhiệm của Người có uy tín trong sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc; chính sách của Đảng và Nhà nước đối với người có uy tín; Phát huy vai trò Người có uy tín trong việc xây dựng hệ thống chính trị cơ sở và đoàn kết các dân tộc.
Đồng thời, tập huấn cho các học viên là những Người có uy tín về các kỹ năng tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS thực hiện chính sách, xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc.
Qua chương trình, Người có uy tín được nâng cao kỹ năng, kiến thức tuyên truyền, vận động đồng bào DTTS hiệu quả hơn trong việc thực hiện chính sách, pháp luật của Nhà nước, đoàn kết phát triển kinh tế - xã hội; góp phần xây dựng Nông thôn mới, nếp sống văn minh, giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.
Người có uy tín nêu gương ở cơ sở
Theo đó, ở cơ sở đội ngũ Người có uy tín thực sự đã trở thành lực lượng nòng cốt trong mọi phong trào. Minh chứng như ở xã Tri Lễ, huyện Quế Phong, nhiều năm nay, đồng bào Mông nơi miền biên viễn này, luôn noi theo tấm gương Người có uy tín là “tỷ phú” Vừ Nọ Pó, ở bản Pà Khốm trong lĩnh vực phát triển kinh tế. Từ hai bàn tay trắng, ông Pó đã có cơ ngơi nhiều người mơ ước, với hơn 100 con trâu, bò, ngựa, dê, có hơn 1 ha lúa rẫy, 4 ha vườn rừng trồng cỏ chăn nuôi.
Trong bảo vệ và gìn giữ bản sắc văn hóa, cụ Lương Xuân Thuyết, Người có uy tín của ở bản Mà, xã Ngọc Lâm, huyện Thanh Chương đã khiến nhiều người nể phục. Cụ Thuyết đã truyền niềm đam mê yêu thích nhạc cụ dân tộc cho thế hệ trẻ, cũng như người dân về chiếc khèn bè và sáo nhuôn của người Thái.
Ở thôn Dương Lễ, xã Nghĩa Dũng, huyện Tân Kỳ, ông Lô Văn Huỳnh, Người có uy tín dân tộc Thái, đã cùng với cấp ủy xã Nghĩa Dũng vận động bà con trong thôn xây dựng bể nước công cộng tự chảy. Nhờ thế, hàng trăm hộ dân đã có nước sạch dùng, giải quyết khó khăn về nguồn nước vào mùa hạn.
Gương sáng từ Người có uy tín thực sự gieo bao niềm tin, hứng khởi, là chất xúc tác mạnh mẽ để cộng đồng các DTTS miền tây xứ Nghệ vươn lên trong cuộc sống. Nhờ vậy, đã góp phần phát triển kinh tế - xã hội chung của cả vùng. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo chung toàn tỉnh giảm còn khoảng 3%. Thu nhập bình quân đầu người năm 2020 toàn tỉnh đạt 44,34 triệu đồng, riêng vùng DTTS đạt 29,5 triệu đồng.
Có thể khẳng định, hơn 11 năm qua, với tinh thần trách nhiệm vì cộng đồng, tự tôn dân tộc cùng với chính sách hỗ trợ, động viên kịp thời của các cấp, Người có uy tín trong đồng bào các DTTS Nghệ An đã phát huy tích cực vai trò, có nhiều đóng góp to lớn trong công cuộc xây dựng hệ thống chính trị, phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh của tỉnh nói chung và các huyện, thị xã vùng DTTS và miền núi nói riêng.
"Họ cũng chính là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với đồng bào các DTTS, Nhân dân vùng miền núi; là hạt nhân quan trọng, góp phần trong xây dựng khối Đại đoàn kết dân tộc; góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị chung của tỉnh", ông Vy Mỹ Sơn, Phó ban Dân tộc tỉnh Nghệ An nhấn mạnh