Biến chứng làm đẹp dịp Tết
Chị N.T.H (25 tuổi, Hà Nội) khi đến khám tại Trung tâm Thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 (Hà Nội), tình trạng mũi của chị đã tổn thương, nhiễm trùng nặng, hoại tử. Các sợi chỉ lộ ra ngoài, gây nhiễm trùng.
Chị H. cho biết được bạn giới thiệu đến một Spa mà không tìm hiểu kỹ thông tin về cơ sở này. Sau 3 tháng căng chỉ, chị thấy mũi sưng đỏ, mưng mủ và thủng. Sống mũi cũng bắt đầu lộ các sợi chỉ. Tình trạng này kéo dài khiến nữ bệnh nhân đau đớn, hoảng loạn. Tuy nhiên, khi liên hệ với Spa, chị không nhận được phản hồi nào.
Thạc sĩ, bác sĩ Ngô Gia Tiến cho biết, các thầy thuốc xử lý ổ áp xe và tháo khoảng 15 sợi chỉ ra khỏi mũi. Tuy nhiên, do thời gian căng chỉ đã kéo dài (3 tháng), các sợi chỉ đã bị ngâm trong môi trường nhiễm khuẩn lâu, khiến chúng vỡ ra và mủ chảy ra ngoài. Khi điều trị viêm nhiễm, rất khó tránh việc để lại sẹo không thẩm mỹ. Các bác sĩ vẫn phải bảo đảm loại bỏ hoàn toàn dị vật ra khỏi mũi và ngăn ngừa tình trạng viêm nhiễm tiếp tục.
Theo bác sĩ Tiến, biến chứng do căng chỉ gây nhiễm khuẩn có thể nguy hiểm. Khi sợi chỉ bị nhiễm khuẩn, việc loại bỏ chúng rất khó khăn và thường không thể lấy hết hoàn toàn.
"Những sợi chỉ này sẽ dần tan trong môi trường nhiễm khuẩn, gây tổn thương nghiêm trọng cho khuôn mặt", bác sĩ Tiến cho biết. Quá trình xử lý sẽ không thể tránh khỏi việc để lại sẹo, có thể dẫn đến biến dạng khuôn mặt nếu không xử lý kịp thời.
Căng chỉ mũi là phương pháp sử dụng các sợi chỉ y khoa để nâng cao sống mũi, tạo dáng mũi thẳng và giúp mũi cao hơn. Các sợi chỉ này được làm từ chất liệu tự tiêu hoặc không tiêu, giúp kích thích sản sinh Collagen, tạo nên hiệu ứng căng da và nâng mũi. Đây là phương pháp thẩm mỹ được nhiều người ưa chuộng, bởi sự nhanh chóng, tiện lợi và ít xâm lấn.
Tuy nhiên, theo Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, phương pháp này chưa được FDA công nhận, không dài lâu và gây ra nhiều những biến chứng được thấy gần đây như nghiêng, vẹo sống mũi, bao xơ dày lộ sóng, hoặc thủng mũi.
Bác sĩ Tiến khuyến cáo người dân cần tìm hiểu kỹ về cơ sở thực hiện phẫu thuật nâng mũi, bảo đảm bác sĩ được cấp chứng chỉ hành nghề và giấy phép hoạt động hợp lệ. Nếu sau khi nâng mũi có dấu hiệu bất thường, cần đến ngay các cơ sở y tế uy tín, có bác sĩ giàu kinh nghiệm để được khám và xử lý kịp thời, tránh biến chứng.
Một trường hợp khác, do đặt nhầm niềm tin vào cơ sở phẫu thuật thẩm mỹ thiếu bảo đảm về chất lượng, kỹ thuật, khiến người bệnh phải chịu hậu quả với tình trạng nhiễm trùng nặng, hoại tử ở vùng da sống mũi, đầu mũi, lộ chất liệu nâng mũi, đang phải điều trị tại Trung tâm Thẩm mỹ (Bệnh viện Trung ương Quân đội 108).
Khách hàng chia sẻ: “Tầm khoảng 1 tháng sau khi biết mũi bị sưng bắt đầu xuất hiện tình trạng ăn mòn thủng đầu mũi, bóng đỏ đầu mũi, sau 2 tháng bắt đầu thủng sống mũi".
Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Quang Đức - Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ - Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết, với tình trạng viêm nhiễm nặng nề để đến tình trạng hoại tử như vậy thì rõ ràng cả hệ thống xương mũi, vùng da và các cấu trúc bên trong sẽ bị ảnh hưởng. Chắc chắn không thể nào nâng mũi lại ngay lập tức để khắc phục biến chứng.
"Bệnh nhân chắc chắn phải phẫu thuật rất nhiều lần, tuy nhiên, phẫu thuật nhiều lần như vậy nhưng cũng không thể nào trả lại được một vùng tháp mũi một cách hoàn chỉnh như trước được, mà chắc chắn sẽ có sẹo cùng với những biến dạng thứ phát về vùng này. Điều này không thể tránh khỏi", bác sĩ Đức chia sẻ.
Rủi ro cần tránh khi làm đẹp cận Tết
Bác sĩ Hoàng Thanh Tuấn - Phó Giám đốc Trung tâm Thẩm mỹ, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 cho biết, gần Tết có 2 xu hướng dịch vụ ít xâm lấn đẹp ngay để ăn Tết, là dịch vụ tiêm Filler, Botox, trẻ hóa da, căng chỉ ít tổn thương làm để đẹp ăn ngay.
Tuy nhiên, có nhiều sai lầm mà chị em khi đi làm đẹp thường hay gặp. Đầu tiên chính là có tâm lý muốn sử dụng dịch vụ thẩm mỹ giá rẻ. Nhưng thực tế, có nhiều thủ thuật không thể làm ở Spa, cơ sở thẩm mỹ bên ngoài, nhất là các thủ thuật xâm lấn.
Các cơ sở thẩm mỹ không có bác sĩ được đào tạo, không bảo đảm chuẩn về y khoa có thể gây ra tình trạng viêm nhiễm, sưng tấy. Một số thủ thuật xâm lấn như tiêm Filler, căng chỉ... có thể sử dụng những sản phẩm không chính hãng, có thể gây ra tình trạng không tiêu được chỉ, gây ra phản ứng quá mức của cơ thể, biến dạng, tạo các u cục... Nguy hiểm hơn, nếu người làm thủ thuật không được đào tạo đúng kỹ thuật như tiêm Filler có thể gây ra tắc mạch máu, hoại tử da, mù mắt... thậm chí gây ra biến chứng nặng nề hơn khiến người làm đẹp đột quỵ não.
Bên cạnh đó, tranh thủ thời gian nghỉ Tết dài ngày, nhiều người nước ngoài về nước tranh thủ làm đẹp. Do thời gian ngắn, không tìm hiểu kỹ thông tin nên có thể lựa chọn những cơ sở chưa đúng để làm các kỹ thuật, dẫn tới nhiều biến chứng.
Một sai lầm nữa mà bác sĩ Tuấn chỉ ra, đó là tình trạng chị em muốn dồn nhiều dịch vụ trong một lần làm đẹp. Tuy nhiên, điều này vô cùng nguy hiểm do sức chịu đựng của con người có giới hạn để can thiệp các loại thuốc vào cơ thể.
"Làm đẹp một lúc nhiều dịch vụ, thời gian ngắn dễ dẫn đến biến chứng do sử dụng thuốc gây mê kéo dài quá mức. Việc chỉ có thời gian ngắn sàng lọc sức khỏe trước mổ cũng là yếu tố không bảo đảm cơ thể đủ sức làm nhiều dịch vụ cùng lúc. Khi sức khỏe kém, ít vận động, các mạch máu không lưu thông thì khi làm đẹp, đặc biệt những người lớn tuổi, béo phì rất dễ gặp tình trạng huyết khối tắc mạch", bác sĩ Tuấn cảnh báo.