Nguyên nhân
Giãn mao mạch là các mạch máu giãn rộng bất thường nhìn thấy được trên da. Giãn mạch có thể xuất hiện tự phát hoặc trong một số tình trạng như, lão hóa da do ánh sáng, trứng cá đỏ, bệnh mô liên kết, bệnh gan, một số bệnh lý di truyền và đặc biệt hay gặp trong trường hợp dùng corticoid bôi tại chỗ lâu ngày.
Một số nguyên nhân gây ra hiện tượng giãn tĩnh mao mạch như sau:
Tiếp xúc ánh nắng mặt trời: Tiếp xúc với ánh nắng mặt trời quá nhiều sẽ khiến làn da mất nước và trở nên khô và thô ráp dẫn đến tình trạng lão hóa sớm, mạch máu dưới da sẽ dễ bị giãn nở.
Yếu tố di truyền: Yếu tố di truyền quyết định tới cấu trúc và sắc tố da do vậy mà giãn mao mạch sẽ được truyền từ bố mẹ qua cho con cái.
Lạm dụng chất corticoid: Các loại mỹ phẩm có chứa corticoid sẽ có sức tàn phá nặng nề khi chúng bào mòn làn da và khiến da càng ngày càng mỏng tới mức nhìn thấy rõ những mạch máu dưới da.
Sử dụng chất kích thích: Việc sử dụng chất kích thích, các chất có vị cay nóng,... sẽ đẩy nhanh lưu thông máu trong hệ thống mao mạch, dẫn đến giãn mao mạch.
Rối loạn nội tiết tố: Phụ nữ bước vào giai đoạn dậy thì, mang thai hay thời kì tiền mãn kinh sẽ có sự thay đổi về hormone dẫn đến sự thay đổi của các mạch máu.
Tuổi tác: Khi tuổi cơ càng cao làn da sẽ phải trải qua thời kì lão hóa, hiện tượng giãn mao mạch là một trong các dấu hiệu cảnh báo bạn đang bước vào giai đoạn lão hóa.
Do ít vận động: Nếu bạn là người ít vận động, ngồi hoặc đứng nhiều thì cũng dễ khiến lượng máu lưu thông không đều, dễ bị ứ tắc trong các tĩnh mạch. Lâu ngày, dẫn đến xuất hiện các mao mạch nổi chằng chịt dưới da chân, bắp chân hoặc đùi.
Vì là xuất hiện ở chân nên nhiều người không để ý đến bệnh này cũng như còn chủ quan khi chữa trị, bởi chưa hiểu được hết những nguy hiểm tiềm ẩn bên trong. Bên cạnh việc gây mất thẩm mỹ, giãn mao mạch ở chân, đùi còn có thể gây ra nhiều biến chứng nặng nếu không được chữa trị dứt điểm.
Về lâu dài, các mao mạch bị tắc, gây phù nề, tê bì chân khó khăn trong việc đi lại. Giãn mao mạch có thể gây vỡ mao mạch tạo ra các cục máu đông, làm tắc nghẽn các van lưu thông và có thể gây ra đột biến nếu không được xử lý kịp thời.
Triệu chứng giãn mao mạch
Những triệu chứng giãn mao mạch khiến bệnh nhân đau tức, ngứa, chảy máu,... khiến người bệnh rất khó chịu nhưng chưa gây nguy hiểm ngay lập tức. Nếu người bệnh xuất hiện những huyết khối gần vùng giãn mao mạch, các triệu chứng sẽ nghiêm trọng hơn. Thậm chí huyết khối mao mạch sâu có thể gây tử vong. Tuy nhiên, tỷ lệ người bệnh gặp phải vấn đề này thường không cao.
Các triệu chứng phổ biến thường gặp của người bị giãn mao mạch:
Vùng bắp chân bị căng tức hoặc có cảm giác mỏi chân; Vào ban đêm, người bệnh thường xuyên bị chuột rút hoặc có cảm giác kiến bò; Chân người bệnh, nhất là vùng mắt cá chân thường bị sưng hoặc ngứa;Viêm gân xanh ở da đùi, đầu gối hay mắt cá chân; Da chân bị đổi màu, nhiễm trùng phần mô mềm ở gần mắt cá chân.
Cách ngăn ngừa giãn mao mạch
Điều trị giãn mao mạch không đơn giản do đó hãy cân nhắc các biện pháp phòng ngừa đơn giản từ bây giờ để có được làn da khoẻ mạnh, cũng như bảo vệ da và ngăn ngừa da mỏng yếu, nổi mao mạch, cụ thể:
Luôn luôn sử dụng kem chống nắng, che chắn cẩn thận để ngăn ngừa tác hại của tia UV. Thoa kem chống nắng ít nhất 30 phút trước khi ra ngoài.
Sử dụng mỹ phẩm có nguồn gốc rõ ràng và có thành phần được in trên bao bì.
Điều trị mụn trứng cá sớm, các bệnh lý ở da... để ngăn ngừa các tổn thương trên da.
Không nên dùng nước quá nóng để rửa mặt.
Không nên tiếp xúc với ánh nắng trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 4 giờ chiều.
Không lạm dụng những sản phẩm dưỡng và làm trắng da có thành phần corticoid, sản phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Uống nhiều nước hỗ trợ điều trị giãn mao mạch vùng đùi: Để điều hòa lưu thông máu trong cơ thể, bạn cũng nên uống nhiều nước, ăn nhiều rau củ quả. Nhờ vậy mà quá trình trao đổi chất được diễn ra dễ dàng hơn, hỗ trợ tình trạng giãn mao mạch được giảm thiểu.
Hạn chế tẩy tế bào chết: Tẩy tế bào chết cho chân quá nhiều lần trong một tuần cũng dễ khiến bào mòn da. Khi da bị mỏng và yếu thì lại càng tạo điều kiện cho sự xuất hiện của các mao mạch. Chính vì vậy bạn chỉ nên tẩy da chết 1-2 lần/ tuần.
Kiểm soát cân nặng: Tăng cân mất kiểm soát là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh tật, trong đó bao gồm cả giãn mao mạch vùng đùi, chân bởi cân nặng quá nhiều sẽ tạo áp lực, gây chèn ép lên thành mao mạch ở chân và dễ dẫn đến tình trạng giãn mao mạch. Vì vậy, hãy luôn kiểm soát cân nặng của mình ở mức vừa phải để có một sức khỏe tốt.
Các phương pháp điều trị chứng giãn mao mạch
Khi có những bất thường nghi ngờ triệu chứng giãn tĩnh mạch, bạn không nên chủ quan mà cần đi khám sớm. Dưới đây là một số phương pháp điều trị bệnh, cải thiện triệu chứng giãn tĩnh mạch:
Điều trị bằng laser: Laser màu xung hiện vẫn là phương pháp điều trị hiệu quả và an toàn nhất cho các tổn thương mạch máu, đây là loại laser có lịch sử phát triển và điều trị nhiều năm, hiệu quả và độ an toàn đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu. Laser màu xung phát tia laser với bước sóng 585-600nm với độ rộng xung từ 0.45ms - 40ms, được hấp thu mạnh bởi hemoglobin của máu cho khả năng điều trị các tổn thương mạch máu đặc biệt cao, nhiều trường hợp tổn thương sạch ngay sau lần đầu tiên điều trị. Laser màu xung đặc biệt thích hợp điều trị các tổn thương giãn mạch vùng mặt.
Laser Nd: YAG 1064nm xung dài: với bước sóng laser nằm trong miền hồng ngoại gần, tuy khả năng hấp thu của hemoglobin có giảm xuống, nhưng loại laser này có bước sóng dài, cho phép xuyên sâu xuống bề mặt da, đồng thời năng lượng điều trị lớn và độ rộng xung dài, cho phép điều trị hiệu quả các mạch máu giãn rộng hơn với độ sâu sâu hơn, hiệu quả hơn laser màu xung. Một trong những ứng dụng điều trị hiệu quả của laser Nd:YAG xung dài là điều trị các tổn thương giãn tĩnh mạch chi dưới.
Thuốc bôi Retinoids: Thuốc bôi kem retinoid được sử dụng cho nhiều tình trạng da khác nhau. Bác sĩ da liễu có thể khuyên dùng retinoids cho một số người bị giãn mao mạch. Retinoids có thể giúp làm mờ các tĩnh mạch nổi trên da và cải thiện tình trạng giãn mao mạch. Tuy nhiên, retinoids cũng có thể làm khô da và gây một số phản ứng như ngứa và đỏ khi bôi thuốc lên da.
Sclerotherapy (chích xơ tĩnh mạch): Sclerotherapy là liệu pháp điều trị giãn tĩnh mạch bằng cách tiêm dung dịch thuốc gây xơ vào tĩnh mạch bị giãn, giúp các mao mạch biến mất trong một thời gian ngắn (vài tuần). Một số người có thể có cảm giác đau đớn khi sử dụng phương pháp này, nhưng những tác dụng phụ sẽ biến mất trong vòng vài ngày.