Dự Lễ bế giảng có các đồng chí lãnh đạo: Phòng Văn hoá, thông tin huyện; Phòng dân tộc; Trung tâm Văn hóa Truyền thông và Thể thao huyện; lãnh đạo Đảng ủy, UBND, cán bộ công chức xã Tri Phú. Trong thời gian tập huấn, các học viên là thành viên CLB đã được truyền dạy kiến thức về văn hoá dân gian dân tộc Mông như: thổi khèn, hát dân ca, múa ô, múa khèn; những kỹ năng tổ chức sinh hoạt câu lạc bộ, đội văn nghệ cơ sở, cách thức xây dựng chương trình biểu diễn …
Xã Tri Phú có 14 thôn, bản trong đó đồng bào dân tộc Mông sinh sống chủ yếu ở 2 thôn là Lăng Quăng và Khuôn Làn với hơn 100 hộ dân. Tuy nhiên số nghệ nhân thực sự am hiểu về văn hóa dân tộc Mông trên địa bàn xã hiện chỉ có vài người, bởi thế khi có những hoạt động học tập văn hoá dân gian, đồng bào Mông ở đây, dặc biệt là những người trẻ trong bản đều rất rất vui mừng và tích cực tham gia.
Lớp truyền dạy nhằm khôi phục, bảo tồn, lưu giữ văn hóa truyền thống của dân tộc Mông, làm phong phú đời sống văn hóa tinh thần của đồng bào, góp phần phát huy giá trị văn hoá truyền thống dân tộc gắn với phát triển du lịch. Đồng thời cũng là nội dung trong thực hiện Dự án 6 về “Bảo tồn phát huy giá trị văn hoá truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch” thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số năm 2023 trên địa bàn huyện Chiêm Hoá.
Bằng hoạt động cụ thể, lớp truyền dạy văn hoá dân gian dân tộc Mông đã thu hút đông đảo người dân tham gia, đặc biệt là thế hệ trẻ đã nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, để những giá trị văn hóa truyền thống của người Mông nơi đây luôn được phát huy và có sức lan tỏa mạnh mẽ trong đời sống cộng đồng.