Đó là một hiện tượng đáng lo lắng, nhất là trong bối cảnh hiện nay, khi đại dịch Covid-19 vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Giả sử có một vài ca F0 trong biển người chen chân ở Tam Chúc hôm ấy, chúng ta sẽ truy vết thế nào, nguy cơ dịch bệnh bùng phát sẽ kinh khủng đến đâu?
Dẫu biết rằng, tín ngưỡng là quyền tự do của mỗi cá nhân, nhưng thật khó để chấp nhận hàng vạn con người lại chủ quan với dịch bệnh như vậy. Ổ dịch ở Hải Dương mới chỉ vừa tạm khống chế được. Dịch bệnh kéo theo hệ lụy là nền kinh tế đang phát triển cũng phải chững lại, nhường chỗ cho việc phòng, chống Covid-19.
Khi lễ hội, các hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo được mở lại, yêu cầu nhất thiết phải đặt ra là vừa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhưng vẫn phải bảo đảm phòng, chống dịch. Ví dụ như hạn chế số lượng người ra vào cơ sở lễ hội trong một ngày, thực hiện đầy đủ khai báo y tế, thực hiện xếp hàng giãn cách...
Từ hiện tượng ở chùa Tam Chúc, xã Ba Sao, huyện Kim Bảng (Hà Nam), ngày 15/3 vừa qua, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp an toàn phòng, chống dịch Covid-19, thực hiện nếp sống văn minh trong lĩnh vực văn hóa, thể thao và du lịch.
Từ một việc mà chúng ta nhìn ra nhiều việc. Có nhiều người thực hiện các hành vi tín ngưỡng một cách hoàn toàn hình thức. Họ làm mà không hiểu và cũng không lan tỏa cái tinh thần bên trong của tôn giáo. Tín ngưỡng tâm linh cũng phải thích ứng với thực tế cuộc sống, niềm tin cũng cần thực hành một cách có trí tuệ. Con người phải tu tâm mình trước khi vào lễ Phật.