Chúng tôi đến thăm đồi quýt đường của gia đình anh Lảnh, đúng lúc cả gia đình đang tập trung thu hoạch quýt, kịp chuyển đến đơn đặt hàng cho một đám cưới trong bản. Nếm thử trái quýt anh Lảnh mời, đúng như lời giới thiệu của người dân, mặc dù là vụ quả mới cho thu hoạch nhưng những trái quýt ở đây cho quả tròn, ngọt, mọng nước.
Anh Lý Sủ Lảnh kể, trước đây, trên diện tích đất canh tác của gia đình, chủ yếu trồng ngô, sắn… nhưng hiệu quả không cao, năng suất không ổn định. Từ năm 2019, qua tìm hiểu trên Internet, anh nhận thấy giống quýt đường ngoài thị trường có giá bán cao, có thể trồng được cả trên vùng đất đã bạc màu.
"Tôi đã tìm về Trường Đại học Lâm nghiệp Hà Nội để mua 250 gốc cây quýt giống, cùng với việc đầu tư hệ thống nước tưới và công chăm sóc với giá 30 triệu đồng. Tôi mang về trồng thử nghiệm trên sườn đồi nương ngô cũ của gia đình, sau 2 năm trồng, quýt cho thu hoạch vụ đầu tiên", anh Lảnh chia sẻ lại hành trình đưa cây quýt ngọt từ xuôi lên.
Năm nay, năng suất quýt cao hơn vụ đầu, quả mọng, tròn và ngọt hơn nên được người dân trong bản, xã tìm đến mua chủ yếu phục vụ đám cưới, đám hỏi, dự kiến vụ năm nay cho thu hoạch gần 5 tạ quýt đường. Sau khi trừ chi phí chăm sóc, gia đình anh Lảnh có được nguồn thu nhập gần 10 triệu đồng. Chia sẻ với chúng tôi, anh Lảnh cho biết: Trong thời gian tới, nếu đồi quýt tiếp tục cho thu hoạch khá thì gia đình sẽ mở rộng diện tích trồng.
Nhận thấy đồi quýt của gia đình anh Lảnh phát triển tốt, trong bản Huổi Sâu cũng đã có 2 gia đình học hỏi theo anh trồng thử nghiệm trên 100 gốc quýt, hiện cây phát triển tốt.
Theo anh Lảnh, với điều kiện thuận lợi về tự nhiên, vốn đầu tư thấp, không tốn quá nhiều công chăm sóc, cây quýt có nhiều lợi thế để phát triển, nhân rộng trở thành cây trồng có thể mang lại thu nhập khá cho người dân.
"Tuy nhiên, để làm được điều này, cần có sự chung tay của chính quyền địa phương, cán bộ chuyên ngành trong việc hỗ trợ, hướng dẫn bà con nhân rộng cây trồng, cũng như giúp đỡ tìm đầu ra ổn định", anh Lảnh nêu quan điểm.