Từ sáng sớm, người dân có hoàn cảnh khó khăn đã đến khu vực Đường sách cà phê, TP. Buôn Ma Thuột chờ nhận gạo. Cán bộ tỉnh đoàn, lực lượng công an, dân phòng hỗ trợ hướng dẫn người dân không tập trung thành nhóm mà đứng giãn cách an toàn 2m, đeo khẩu trang, sát khuẩn trước khi vào nhận gạo.
Cầm trên tay bao gạo, bà Lương Thị Vĩnh, 77 tuổi, đang thuê phòng trọ phường Tân Thành, TP. Buôn Ma Thuột, vui mừng chia sẻ. “Tôi làm nghề lượm ve chai, sống một mình, mỗi tháng trả tiền nhà trọ hết 600 nghìn đồng. Từ khi có dịch bệnh đến giờ, nhà nước khuyến cáo hạn chế ra ngoài, tôi không có hàng bán chỉ lo đói ăn. Giờ được miễn tiền thuê trọ, có có gạo ăn thế này tôi đỡ lo rồi”.
Tương tự, bà Lê Thị Thu Hương (72 tuổi) và ông Nguyễn Ngọc (92 tuổi) không có người thân. Hằng ngày, ông đi bán vé số, bà rửa chén thuê, nhưng từ khi có dịch, hàng quán đóng cửa ông bà không có việc làm. Những hạt gạo nghĩa tình từ cây “ATM gạo” giúp ông bà đỡ một phần khó khăn.
Được biết, kinh phí lắp đặt máy khoảng 5 triệu đồng từ nguồn xã hội hóa. Máy được lắp đặt bộ cảm biến tự động, người nhận gạo không cần chạm trực tiếp mà chỉ cần đưa tay cách nút cảm biến gạo sẽ tự động chảy ra, mỗi lần quét nhận được 2kg gạo. Do có hệ thống cảm biến, mỗi người chỉ được nhận gạo 1 lần/ngày, ngày hôm sau mới có thể nhận tiếp.
Anh Phạm Trọng Phát, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam tỉnh Đăk Lăk, cho biết: Đến thời điểm này, Ban Tổ chức đã nhận hơn 2 tấn gạo và đang tiếp tục kêu gọi vận động các mạnh thường quân cùng hỗ trợ để phát cho người nghèo. Trong buổi sáng phát gạo đầu tiên, rất nhiều người trên địa bàn thành phố đã mang gạo đến ủng hộ chương trình.
“Chúng tôi rất mừng vì mọi người dân đồng tình, trong đó có cả em bé nghe được thông tin liền đập heo mua gạo ủng hộ. Người ủng hộ vài chục ký, người vài tạ, ai có gạo tặng gạo, có tiền tặng tiền, chúng tôi sẽ dùng số tiền đó mua gạo để kho gạo đầy hơn”, anh Phát chia sẻ.