Bằng lời hát kết hợp đạo cụ âm nhạc cùng những điệu múa nghi lễ, các nghệ nhân hát then và tốp múa phụ họa đã tạo nên một không gian diễn xướng then thiêng liêng, huyền ảo, tạo ấn tượng đặc biệt đối với công chúng Thủ đô và du khách nước ngoài.
Từ trong cõi thiêngBiểu diễn trích đoạn hát then “Vun cây, vun hoa” trong nghi lễ cúng cho trẻ nhỏ, Nghệ nhân Ưu tú Nông Thị Lìm (bà Then) ngồi xếp bằng trước một cây hoa bé (tượng trưng cho đứa trẻ) say sưa hát theo nhịp đàn tính. Hai bên là hai người phụ tá cho bà Then. Phía dưới là 4 cô gái (tượng trưng cho 4 nàng tiên) ngồi xếp bằng, người lắc lư, vươn tay ra phía trước múa phụ họa theo lời hát của bà Then với chùm xóc nhạc phát ra những âm thanh vui nhộn.
Nghi lễ hát then, múa then được nghệ nhân Nông Thị Lìm cùng tốp múa thể hiện qua những trích đoạn, chương khúc khác nhau. Từ ngồi hát, bà Then đứng dậy nhảy múa xung quanh cây hoa, các cô gái nhảy múa theo với những động tác nhún nhảy, chéo chân, tay liên tục xóc nhạc theo lời hát của bà Then và âm thanh đàn tính.
Bài then kết thúc trong tiếng vỗ tay vang dội của khán giả có mặt trong khán phòng. Sau bài then “Vun cây, vun hoa” của Nghệ nhân Nông Thị Lìm, các Nghệ nhân Phạm Duy Quang, Nguyễn Xuân Bách, Nguyễn Văn Thọ, Hoàng Hữu Nam đã mang đến không gian then cổ những tiết mục đặc sắc như: “Sláo vế”, “Vọng én”, “Khỉn khau khắc khau cài”, “Cáp tơ hồng” và những nghi thức gắn với vòng đời người Tày, Nùng…
Đan xen trong các tiết mục hát then, còn có lời thuyết trình, trao đổi của một số nhà quản lý, nhà nghiên cứu văn hóa giải thích ý nghĩa từng nghi lễ then để công chúng Thủ đô hiểu thêm về cái hay, cái đẹp và ý nghĩa văn hóa tâm linh của những câu then. Nghệ sĩ Ưu tú Triệu Thủy Tiên, Chủ nhiệm CLB đàn và hát dân ca tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong các buổi cúng lễ của gia đình, làng bản như cầu an, giải hạn, mừng nhà mới, chúc thọ người già… không thể thiếu nghi lễ then. Các nghi lễ then đều gắn với những dấu mốc quan trọng trong cuộc đời mỗi người, từ khi sinh ra cho đến khi về cõi vĩnh hằng.
Còn nhà nghiên cứu Trần Ngọc Lâm nhận xét: Then cuốn hút và có sức sống bền bỉ bởi ngoài vẻ đẹp ca từ, giai điệu, âm thanh còn hội tụ những quyến rũ trong vũ đạo và vẻ đẹp của các đồ thủ công truyền thống ở trang phục, đạo cụ trong nghi lễ… Mỗi yếu tố đều chứa đựng nét tinh hoa, tài khéo léo của đồng bào Tày, Nùng vùng cao Việt Bắc.
Trải qua nhiều giai đoạn phát triển, cùng những biến động của lịch sử, hát then đã đi vào đời sống và trở thành một hình thức diễn xướng không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào Việt Bắc. Các bài then lời mới thường có nội dung ca ngợi quê hương, đất nước, ca ngợi tình yêu lứa đôi…
Tôn vinh di sản văn hóa truyền thống“Câu then Việt Bắc” là thành quả sau gần một năm ấp ủ của nhóm Đình làng Việt và các nghệ nhân hát then tại các tỉnh Lạng Sơn, Cao Bằng, Bắc Kạn, Thái Nguyên... Tại không gian Trung tâm Giao lưu văn hóa Phố cổ Hà Nội, nhóm Đình làng Việt đã tổ chức rất nhiều sự kiện, các hoạt động bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa từ chiếu chèo, đến trình diễn áo dài nam truyền thống và dịp này là diễn xướng then của đồng bào Tày, Nùng.
Chia sẻ với công chúng về lý do tổ chức chương trình “Câu then Việt Bắc” tại Hà Nội, ông Nguyễn Đức Bình, Trưởng nhóm Đình làng Việt, đồng chủ trì tổ chức Chương trình cho biết: “Thông qua chương trình “Câu then Việt Bắc”, nhóm Đình làng Việt muốn giúp công chúng hiểu và thưởng thức những tinh hoa của loại hình nghệ thuật hát then. Đồng thời mong muốn thúc đẩy các thành viên và cộng đồng tham gia bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc, truyền ngọn lửa đam mê với các giá trị di sản văn hóa dân tộc cho các bạn trẻ”.
Không phụ lòng Ban Tổ chức, Chương trình “Câu then Việt Bắc” đã được sự đón nhận rất nồng nhiệt của người dân Thủ đô và đặc biệt là cả các vị khách quốc tế. Bà Sara Valdes Bolano, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Mexico tại Việt Nam chia sẻ: Đây là lần đầu tiên tôi có cơ hội rất tuyệt vời để được xem một Chương trình trình diễn nghệ thuật truyền thống tại sân khấu này. Tôi thực sự xúc động vì đã được nhìn thấy vẻ đẹp của nghệ thuật diễn xướng, phong tục tập quán của các dân tộc trên đất nước Việt Nam qua sự trình diễn của các nghệ nhân từ già đến trẻ trên sân khấu”.
NGỌC ÁNH