Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn
Theo Báo cáo số 299/BC-UBND ngày 25/5/2022 của UBND huyện Cát Hải, trong 5 tháng đầu năm, tình hình kinh tế - xã hội của huyện có bước phát triển khá, sau thời gian dài chịu tác động nặng nề bởi đại dịch Covid- 19. Trong đó, ngành du lịch – dịch vụ có những khởi sắc rõ nét.
Cụ thể, trong tháng 5/2022, Cát Hải đón khoảng 156.486 lượt khách; lũy kế 5 tháng đầu năm ước đạt 319.500 lượt khách, trong đó khách quốc tế ước dạt 6.158 lượt khách, đạt 25% kế hoạch năm (tăng 86% so với cùng kỳ năm 2021). Tổng doanh thu từ dịch vụ lưu trú và ăn uống tháng 5 ước đạt 136,5 tỷ đồng; lũy kế 5 tháng đầu năm 2022 ước đạt 268,6 tỷ đồng.
Cùng với các ngành nghề khác, hoạt động du lịch được nối lại đã góp phần quan trọng để thu cân đối ngân sách của huyện Cát Hải trong 5 tháng đầu năm 2022, tăng 50% so với cùng kỳ năm 2021. Lũy kế 5 tháng, thu cân đối ngân sách của huyện ước đạt 81,419 tỷ đồng, bằng 37% kế hoạch năm; trong đó thu ngoài quốc doanh đạt 20, 466 tỷ đồng, tăng 0,1% so với cùng kỳ năm 2021.
Theo ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, những năm qua, du lịch-dịch vụ, là lĩnh vực kinh tế đóng góp quan trọng nhất vào thu cân đối ngân sách của huyện. Khi ngành kinh tế mũi nhọn này bị ảnh hưởng, thậm chí bị “đóng băng”, thì ngay lập tức tác động đến việc thực hiện chỉ tiêu thu cân đối ngân sách của huyện.
Như năm 2019, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống của huyện đạt 1.800 tỷ đồng; qua đó đưa tổng thu ngân sách ước đạt trên 917 tỷ đồng, trong đó thu cân đối ngân sách ước đạt 627 tỷ đồng (thu từ các hoạt động du lịch - dịch vụ chiếm 78%). Nhưng trong các năm 2020 và 2021, do chịu ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch Covid-19, ngành du lịch – dịch vụ gần như bị “đóng băng” khiến thu cân đối ngân sách của huyện bị thâm hụt mạnh.
Chỉ tính trong năm 2021, theo Báo cáo số 683/BC-UBND ngày 26/11/2021 của UBND huyện Cát Hải, doanh thu từ dịch vụ lưu trú, ăn uống của huyện chỉ đạt 168,3 tỷ đồng, giảm 84% so với năm 2020. Nguồn thu từ ngành kinh tế mũi nhọn giảm sâu, khiến thu cân đối ngân sách năm 2021 của huyện Cát Hải chỉ đạt gần 345 tỷ đồng, giảm 43% so với năm 2020.
Theo Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, ông Bùi Tuấn Mạnh, không chỉ trong thu cân đối ngân sách mà ngành du lịch cũng là “đầu tàu” trong việc thực hiện các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của huyện, nhất là trong chuyển đổi cơ cấu kinh tế, giải quyết việc làm.
Trước đây, người dân Cát Hải tập trung chủ yếu làm muối, chế biến hải sản, riêng tại đảo Cát Bà thì người dân chủ yếu là trồng cấy, khai thác thủy sản. Từ khi du lịch phát triển, người dân đã tham gia cung cấp các dịch vụ tại chỗ. Nhờ đó, đời sống người dân không ngừng cải thiện, trung bình, mỗi lao động thu nhập 5-6 triệu đồng/tháng. Du lịch đã giải quyết bài toán tạo việc làm cho lao động của huyện đảo, nhất là lao động cao tuổi, khó tham gia nghề đánh bắt thủy hải sản.
“Kiềng ba chân” trong phát triển kinh tế
Du lịch phát triển đã thu hút các nhà đầu tư lớn ra Cát Hải, tạo một sự đột phá mạnh mẽ, làm thay đổi diện mạo cho huyện đảo này. Đồng thời, từ du lịch, lãnh đạo TP. Hải Phòng đã dành sự quan tâm đặc biệt với địa phương, thông qua việc đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế để thúc đẩy phát triển lĩnh vực dịch vụ cảng biển, logistics và công nghiệp công nghệ cao.
Theo ông Bùi Tuấn Mạnh, Chủ tịch UBND huyện Cát Hải, định hướng của lãnh đạo TP. Hải Phòng trong thời gian tới, là đưa Thành phố sớm trở thành trung tâm dịch vụ hàng hải và vận tải biển lớn của cả nước. Là một trong những cực tăng trưởng của Thành phố, huyện Cát Hải cũng đã đặt mục tiêu, xây dựng huyện đảo thành trung tâm dịch vụ cảng biển, logistics, khu công nghiệp công nghệ hiện đại.
Từ năm 2018, với nguồn lực đầu tư của Trung ương và của Thành phố, huyện Cát Hải đã đưa vào hoạt động Cảng quốc tế Lạch Huyện, với tổng giá trị đầu tư 30.719 tỷ đồng. Đây là cảng nước sâu, có thể tiếp nhận các tàu container có tải trọng 100.000 DWT. Trước đó, năm 2017, dự án cầu Tân Vũ - Lạch Huyện cũng đã được đưa vào sử dụng, đã phá thế đảo “ba không” Cát Hải, mở ra cơ hội lớn cho Cát Hải và TP. Hải Phòng, cũng như các tỉnh Đông Bắc bộ khai thác tối đa lợi thế biển để phát triển kinh tế - xã hội.
Một động lực mới cho huyện Cát Hải trên hành trình trở thành trung tâm dịch vụ cảng biển, logistics, là việc Chính phủ chấp thuận chủ trương mở rộng đầu tư Dự án đầu tư xây dựng bến cảng số 5, số 6 – Khu cảng quốc tế Lạch Huyện tại Quyết định 186/QĐ-TTg ngày 11/2/2022 của Thủ tướng Chính phủ (Dự án này đã được chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 299/QĐ-TTg ngày 04/3/2021). Việc mở rộng quy mô dự án nhằm nâng cao hiệu quả khai thác cảng, khả năng cạnh tranh với các cảng quốc tế trong khu vực.
Tương lai là trung tâm trung tâm dịch vụ cảng biển, logistics cùng với những chính sách thu hút hợp lý, Cát Hải đang là điểm đến của các nhà đầu tư công nghiệp công nghệ cao. Nhiều nhà đầu tư lớn cam kết đồng hành cùng với sự phát triển của Cát Hải.
Mới đây (ngày 07/4/2022), Bí thư Thành ủy Hải Phòng Trần Lưu Quang đã kiểm tra một số dự án và tình hình phát triển kinh tế - xã hội tại huyện Cát Hải. Tại cuộc làm việc của Bí thư Thành ủy, đại diện lãnh đạo các doanh nghiệp: Vinaconex; Công ty CP Cảng Hải Phòng; Công ty Cổ phần Tập đoàn Hateco; Công ty Cổ phần đầu tư Xuân Cầu - Lạch Huyện đã báo cáo về tình hình triển khai các dự án.
Theo đó, Vinaconex cam kết, sẽ hoàn thành giai đoạn 1 của dự án Khu đô thị Cái Giá vào năm 2023; giai đoạn 2 vào năm 2025. Công ty Cổ phần Cảng Hải Phòng cho biết sẽ phấn đấu hoàn thành bến số 3, số 4 - Cảng Lạch năm 2024. Hateco cho biết, sẽ hoàn thành bến số 5, số 6 - Cảng Lạch Huyện năm 2024. Công ty Xuân Cầu dự kiến khởi công Khu công nghiệp, dịch vụ và phi thuế quan Xuân Cầu vào tháng 9/2022 này.
Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cát Hải lần thứ XII, nhiệm kỳ 2020-2025, đặt mục tiêu phấn đấu phát triển huyện Cát Hải trở thành trọng điểm kinh tế biển của TP. Hải Phòng, trở thành đảo thông minh, có kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ; đảo Cát Bà thành trung tâm du lịch sinh thái quốc gia và quốc tế; đảo Cát Hải thành trung tâm dịch vụ cảng biển, trung tâm dịch vụ logistics, khu công nghiệp công nghệ hiện đại.