Thiệt hại từ đô thị đến nông thôn
Đợt mưa lũ lịch sử do ảnh hưởng bão số 3 và hoàn lưu của bão đã tàn phá nặng nề sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản – ngành kinh tế chủ lực của các tỉnh miền núi phía Bắc. Không chỉ ở vùng nông thôn mà ở các đô thị, việc khôi phục sản xuất của bà con nông dân rất khó khăn.
Thôn Mường Bát, xã Thống Nhất, TP. Lào Cai (tỉnh Lào Cai) có 147 hộ, 540 nhân khẩu, trong đó, đồng bào dân tộc Tày chiếm gần 70%. Trong cuộc điều tra, thu thập thông tin thực trạng kinh tế - xã hội của 53 DTTS (gọi tắt là cuộc Điều tra) năm 2024 được tiến hành từ ngày 01/7 đến 15/8, điều kiện kinh tế - xã hội của thôn Mường Bát đã được UBND xã Thống Nhất cung cấp cho Điều tra viên, phác thảo lên bức tranh với nhiều gam màu rất sáng.
Ngày 17/9, UBND tỉnh Lào Cai đã có tờ trình đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét hỗ trợ 120 tấn lúa, 40 tấn giống ngô, 250 kg giống rau bắp cải Nhật Bản từ nguồn dự trữ quốc gia để tỉnh kịp thời hỗ trợ nông dân triển khai vụ đông, khôi phục sản xuất sau bão, lũ gây thiệt hại nặng nề vừa qua.
Theo đó, toàn thôn Mường Bát có hơn 3ha trồng lạc đỏ, là “thủ phủ” trồng lạc của TP. Lào Cai. Ngoài ra, toàn thôn có gần 20ha rừng sản xuất; 10 hộ chăn nuôi đại gia súc, với tổng đàn gần 200 con...
Với điều kiện sản xuất đó, giữa năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của thôn Mường Bát chỉ còn 3%; hộ khá, giàu chiếm 40% và hơn 80% hộ trong thôn có nhà xây kiên cố.
Nhưng dữ liệu về điều kiện kinh tế - xã hội ở thôn Mường Bát đã được thu thập sẽ phải được điều chỉnh trước thiệt hại do cơn bão số 3 và hoàn lưu của bão gây ra. Sau bão lũ, cả một vùng rau màu xanh tốt Mường Bát chỉ còn là những cánh đồng ngập ngụa bùn đất.
Đây là vụ thứ 2, gia đình bà Ngô Thị Chiêng, ở thôn Mường Bát trồng lạc đỏ trên diện tích gần 2 sào đất. Vụ trước, gia đình bà thu lãi 8 triệu đồng từ cây lạc; nên vụ thứ 2 này, bà Chiêng hy vọng sẽ có thêm một khoản tương tự khi lạc chuẩn bị thu hoạch.
“Nhưng do lũ lụt, rễ và củ đã thối, đành phải sớm nhổ lên mong vớt vát lại chút ít chứ biết làm sao bây giờ”, bà Chiêng ngậm ngùi nói.
Ở vùng đô thị của Lào Cai đã vậy thì ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa của tỉnh càng thiệt hại nặng nề hơn. Theo báo cáo nhanh của TP. Lào Cai, tính đến ngày 17/9, toàn thành phố có 250ha lúa, hoa màu; 97ha nuôi thủy sản cùng nhiều gia súc, gia cầm bị lũ cuốn trôi.
Còn tính chung toàn tỉnh Lào Cai, đến ngày 17/9, mưa lũ đã khiến 2.771ha diện tích lúa, 1.468,42ha ngô hoa màu cùng nhiều cây trồng khác bị thiệt hại. Toàn tỉnh có 323,69ha diện tích thủy sản và 2.240m3 cá nước ngọt bị ảnh hưởng; 3.049,32 tấn và 123.200 con cá giống tại thị xã Sa Pa bị chết, lũ cuốn trôi; 39.942 gia súc bị chết;...
Cùng với Lào Cai, bão số 3 và hoàn lưu của bão đã gây thiệt hại nặng nề cho ngành Nông nghiệp của các địa phương miền núi phía Bắc. Thống kê sơ bộ trong Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 của Chính phủ về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 cho thấy, mưa lũ đã làm trên 307,4 nghìn ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại; 3.722 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; gần 03 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310 nghìn cây xanh đô thị bị gãy đổ…
Những thiệt hại của bão số 3 và hoàn lưu bão, nhất là về điều kiện sản xuất, khiến dữ liệu thống kê từ cuộc Điều tra năm 2024 ở các địa phương miền núi phía Bắc đã có nhiều sai số so với thực tế hiện nay. Điều này đòi hỏi các địa phương phải khẩn trương thống kê chính xác thiệt hại, từ đó điều chỉnh, bổ sung số liệu; hoặc khẩn trương tiến hành thực hiện cuộc Điều tra lại, sau khi có chủ trương từ Trung ương.
Nguy cơ tăng nghèo
Theo đánh giá của Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024, tổng thiệt hại về tài sản do bão số 3 gây ra ước tính sơ bộ trên 50 nghìn tỷ đồng. Dự báo, đợt mưa lũ lịch sử này có thể làm tốc độ tăng trưởng GDP cả năm 2024 giảm khoảng 0,15% so với kịch bản tăng trưởng đạt 6,8 - 7%.
Đối với các địa phương vùng DTTS và miền núi, nhất là các địa bàn đặc biệt khó khăn, vùng sâu, vùng xa, nguy cơ gia tăng hộ nghèo, hộ cận nghèo đang hiển hiện. Đất sản xuất bị vùi lấp; mô hình sinh kế, cây trồng, vật nuôi bị cuốn trôi; sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản sau mưa lũ của đồng bào các dân tộc gia tăng;... sẽ kéo tụt kết quả giảm nghèo của các địa phương.
Pa Cheo (huyện Bát Xát) là một trong 10 xã thuộc “lõi nghèo” của tỉnh Lào Cai. Mặc dù so với các địa bàn khác của huyện Bát Xát, thì Pa Cheo bị thiệt hại nhẹ hơn, nhưng ảnh hưởng bão số 3 và hoàn lưu của bão cũng làm thiệt hại nhiều diện tích sản xuất; một số tuyến đường giao thông bị sạt lở nặng, trong đó 1,5km đường thôn Bản Giàng bị hư hỏng.
Có những hộ gia đình tại các vùng ảnh hưởng nặng nề về thiên tai đã cố gắng nhiều năm để thoát nghèo, nhưng qua cơn bão này, họ trở lại thành hộ nghèo”.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Hoàng Hiệp
Phát biểu tại buổi tiếp nhận hỗ trợ khắc phục bão số 3 và mưa lũ sau bão từ các tổ chức quốc tế gày 18/9/2024.
Thiên tai được dự báo sẽ làm chậm tiến độ thực hiện mục tiêu giảm nghèo của xã Pa Cheo. Năm 2022, Pa Cheo giảm được 14,45% hộ nghèo – là xã có tốc độ giảm nghèo sâu nhất trong 10 xã nghèo nhất của tỉnh Lào Cai.
Năm 2023, xã Pa Cheo giảm trên 9% hộ nghèo và tiếp tục đặt mục tiêu giảm nghèo cao cho năm 2024 từ sự trợ sức kịp thời của nguồn vốn các chương trình mục tiêu quốc gia.
Nhưng tiến độ giảm nghèo của xã Pa Cheo nói riêng, của cả tỉnh Lào Cai nói chung, đang có nguy cơ tụt lại do ảnh hưởng bão số 3 và hoàn lưu của bão. Theo thống kê sơ bộ, đến ngày 17/9, ngoài thiệt hại về người (124 người chết, 26 người mất tích) thì ước tính thiệt hại tài sản do thiên tai gây ra cho tỉnh Lào Cai là trên 6.640 tỷ đồng, tăng hơn 50% so với số liệu thống kê ngày 12/9.
Thiên tai cũng được dự báo làm gia tăng tình trạng nghèo phát sinh của tỉnh Lào Cai trong năm 2024 này.
Những năm gần đây , Lào Cai là một trong những địa phương có kết quả giảm nghèo rất ấn tượng. Giai đoạn 2021 - 2023, tỷ lệ giảm nghèo bình quân của tỉnh đạt hơn 5%/năm.
Năm 2021, thực hiện chuẩn nghèo đa chiều mới, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh là 25,19%. Đến cuối năm 2023, theo Quyết định số 3181/QĐ-UBND, ngày 14/12/2023 phê duyệt kết quả điều tra, rà soát hộ nghèo thì tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 14,94% (tương ứng là 26.791 hộ nghèo).
Nhưng như đã nêu ở trên, bên cạnh cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất, sinh hoạt bị thiệt hại nặng nề thì bão số 3 và hoàn lưu bão cũng đã tàn phá các tư liệu sản xuất (đất sản xuất, công cụ sản xuất) của đồng bào các dân tộc trên địa bàn tỉnh. Việc khôi phục sản xuất cho bà con không phải là một sớm, một chiều.
Hơn nữa, tính đến ngày 17/9, toàn tỉnh Lào Cai đã có là 8.208 nhà ở bị sạt lở, lũ cuốn trôi; trong đó, thiệt hại hoàn toàn hơn 70% (1.262 nhà), thiệt hại rất nặng từ 50-70% (923 nhà), thiệt hại nặng từ 30-50% (2.731 nhà); thiệt hại 1 phần nhỏ hơn 30% (3.292 nhà).
Cùng với nhà ở, thì mưa lũ đã cuốn trôi, vùi lấp, làm hư hỏng cơ bản các phương tiện, thiết bị sinh hoạt của người dân. Điều này khiến sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản trong bộ tiêu chí nghèo đa chiều sẽ gia tăng trầm trọng. Nhất là đối với các hộ cận nghèo (toàn tỉnh Lào Cai hiện còn hơn 18.000 hộ cận nghèo), khi gia tăng sự thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản thì nguy cơ tái nghèo rất lớn.
Đây cũng là tình trạng chung của 26 tỉnh, thành phố vừa bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 và hoàn lưu của bão. Vì thế, số liệu thống kê số hộ nghèo, cận nghèo người DTTS được thu thập trong cuộc Điều tra vừa qua không thể làm số liệu tham chiếu để hoạch định chính sách giảm nghèo cho vùng DTTS và miền núi trong thời gian tới.
Điều này đòi hỏi các địa phương phải khẩn trương thống kê chính xác thiệt hại của các hộ DTTS ở các địa phương bị ảnh hưởng nặng nề do bão số 3 và hoàn lữu bão; từ đó điều chỉnh, bổ sung số liệu, hoặc khẩn trương tiến hành thực hiện cuộc Điều tra lại, sau khi có chủ trương từ Trung ương.
Trong Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024, Chính phủ đề ra 6 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình Nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát. Quan điểm của Chính phủ là chính sách, giải pháp hỗ trợ phải nhanh, khả thi, kịp thời, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, trực tiếp vào các đối tượng bị ảnh hưởng; trình tự, thủ tục, điều kiện thụ hưởng đơn giản, dễ thực hiện, dễ kiểm tra, giám sát, đánh giá.