Chủ động nắm tình hình
Vinh Quang là một trong 14 xã, thị trấn của huyện Bảo Lâm. Toàn xã có hơn 1.000 hộ, hơn 5.200 nhân khẩu, trong đó đồng bào DTTS chiếm 99,8% dân số. Đến cuối năm 2023, toàn xã có 455 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 44,65%; 315 hộ hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 31,5%.
Một trong những nguyên nhân khiến công tác giảm nghèo của Vinh Quang gặp nhiều khó khăn là do trên địa bàn còn nhiều xóm chưa có điện lưới quốc gia. Theo báo cáo của Công ty Điện lực Cao Bằng, tỷ lệ dân số sử dụng lưới điện quốc gia của xã Vinh Quang mới đạt 59,61%. Vì vậy, được tiếp cận điện lưới là mong muốn của hàng trăm hộ dân ở xã Vinh Quang.
Tâm tư của cử tri xã Vinh Quang đã được các đại biểu HĐND tỉnh Cao Bằng và lãnh đạo UBND huyện Bảo Lâm nắm bắt, ghi nhận tại cuộc tiếp xúc cử tri ngày 12/11/2024. Do công tác kéo điện lưới không thuộc thẩm quyền giải quyết của UBND huyện Bảo Lâm nên kiến nghị của cử tri đã được các đại biểu HĐND tỉnh tổng hợp, chuyển UBND tỉnh xem xét, giải quyết.
Tương tự, qua nắm bắt tình hình vùng đồng bào DTTS được triển khai trong các ngày từ 04 - 15/11/2024, các tổ đại biểu HĐND tỉnh Cao Bằng đã ghi nhận được nhiều kiến nghị của cử tri trong tỉnh về nhu cầu đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu ở các địa bàn đặc biệt khó khăn.
Như kiến nghị về xây dựng cặp chợ biên giới tại xã Cốc Pàng (huyện Bảo Lạc); xây dựng kè chống xói lở 2 bên bờ suối Cai Kim từ xóm Bản Cài đến Nà Luông (huyện Hạ Lang); xây dựng công trình thủy lợi phục vụ tưới tiêu, sản xuất và xây dựng công trình nước sạch cho Nhân dân xóm Pác Lũng, xã Đức Xuân (huyện Thạch An);...
Những kiến nghị của cử tri đã được các tổ đại biểu HĐND tỉnh chuyển UBND tỉnh Cao Bằng trả lời, giải quyết theo thẩm quyền. Trong khuôn khổ kỳ họp thứ 26 – kỳ họp thường lệ cuối năm của HĐND tỉnh, diễn ra từ ngày 09 – 11/12/2024, thay mặt UBND tỉnh, ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã có báo cáo kết quả giải quyết kiến nghị của cử tri, theo đề nghị đại biểu HĐND tỉnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Hoàng Văn Thạch, UBND tỉnh nhận được 53 kiến nghị của cử tri do đại biểu HĐND tỉnh chuyển đến trước kỳ họp thứ 26. Các kiến nghị của cử tri đã và đang được UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở ngành, địa phương tập trung giải quyết triệt để; chú trọng lồng ghép vốn các chương trình, dự án để giải quyết các nhu cầu bức thiết trong đồng bào DTTS.
Đối với kiến nghị của cử tri xã Vinh Quang, theo Quyết định số 1048/QĐ- UBND ngày 19/6/2020 của UBND tỉnh phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng các công trình cấp điện cho các xóm chưa có điện trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025, các xóm của xã đều có trong danh mục đầu tư giai đoạn tiếp theo của đề án. Do đó, trong thời gian tới, các cơ quan, đơn vị liên quan sẽ bố trí vốn để đầu tư cấp điện cho các xóm chưa có điện của xã.
Lồng ghép vốn để giải quyết các vấn đề cấp bách
Theo số liệu tại kỳ họp thứ 26 của HĐND tỉnh Cao Bằng, từ ngày 04 – 15/11/2024, các tổ đại biểu HĐND tỉnh đã tổ chức tiếp xúc cử tri tại 18 điểm trên địa bàn toàn tỉnh, với 1.234 cử tri tham dự. Qua tiếp xúc, những vấn đề cấp bách ở vùng đồng bào DTTS của tỉnh đã được cử tri kiến nghị tỉnh quan tâm giải quyết. Tuy nhiên, có những vấn đề liên quan đến nguồn vốn thực hiện rất lớn nên trở thành kiến nghị khó giải quyết triệt để.
Đơn cử như kiến nghị của cử tri xã Vinh Quang, huyện Bảo Lâm về nhu cầu được tiếp cận điện lưới quốc gia. Theo ông Nông Văn Phong, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy huyện Bảo Lâm, qua các cuộc tiếp xúc, cử tri đã nhiều lần kiến nghị về việc cấp điện lưới quốc gia tại các xóm, xã chưa có điện. Tuy nhiên, đến nay vẫn chưa xác định được nguồn vốn để thực hiện cấp điện lưới quốc gia tại địa phương.
Thực tế, kéo điện về địa bàn đặc biệt khó khăn cũng là một nội dung chính sách thuộc Dự án 4 của Chương trình MTQG 1719. Theo báo cáo của Ban Dân tộc tỉnh cao Bằng, giai đoạn 2022 – 2024, từ vốn Chương trình MTQG 1719, tỉnh đã triển khai đầu tư được 14 công trình điện. Do đó, trong thời gian tới, tỉnh Cao Bằng cũng có thể cân đối nguồn vốn này để ưu tiên kéo điện lưới cho các địa bàn chưa có điện lưới quốc gia.
Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng, hiện toàn tỉnh Cao bằng còn 83 xóm chưa có điện lưới quốc gia, chủ yếu tập trung ở huyện Bảo Lâm và huyện Bảo Lạc. Trong khi nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 có hạn, cần ưu tiên để triển khai những dự án có tính cấp bách hơn, tại địa bàn 126 xã đặc biệt khó khăn của toàn tỉnh.
Do đó, như khẳng định của ông Hoàng Văn Thạch, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cao Bằng, để “phủ sóng” điện lưới quốc gia trên toàn tỉnh, ngoài lồng ghép hiệu quả vốn các chương trình, dự án hiện nay thì tỉnh kiến nghị Trung ương xem xét cấp kinh phí tiếp tục thực hiện Chương trình cấp điện nông thôn miền núi, hải đảo cho tỉnh theo Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 đã được Thủ tướng phê duyệt; tổng nhu cầu vốn thực hiện là 283 tỷ đồng.
Điều cần thiết nữa là tỉnh Cao Bằng cần tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn các dự án, tiểu dự án thành phần để không lãng phí nguồn lực là động lực phát triển này. Bởi theo quy định, nếu không giải ngân được sẽ bị thu hồi.
Nguồn vốn Chương trình MTQG 1719 cần được các sở ngành, địa phương chắt chiu, vận dụng hiệu quả hơn nữa bởi trong năm 2025, theo Công văn số 8222/BKHĐT- TH ngày 8/10/2024, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã thông báo, dự kiến tổng vốn ngân sách nhà nước năm 2025 của tỉnh Cao Bằng sẽ giảm so với dự kiến của tỉnh trình Trung ương.
Tại kỳ họp thứ 26 diễn ra từ ngày 09 – 11/12/2024, HĐND tỉnh Cao Bằng tiến hành chất vấn lãnh đạo các đơn vị: Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, Sở Tài nguyên và Môi trường và Ban Dân tộc tỉnh. Cac đại biểu HĐND đã chất vấn và được các trưởng ngành trả lời, làm rõ nguyên nhân, giải pháp để đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh; hướng giải quyết đối với việc giải ngân vốn thực hiện Chương trình MTQG 1719.