Đồng bào sập bẫy cò đất
Đến giờ này, người dân làng Xóa, xã Chư Đăng Ya, huyện Chư Păh, Gia Lai vẫn còn hoang mang khi nhớ lại quãng thời gian sốt đất do cò đất tạo ra. Làng Xóa là nơi định cư của đồng bào dân tộc Gia Rai bản tính chân chất, quanh năm bám nương, làm rẫy, cuộc sống yên bình, vui vẻ. Con sốt đất quét qua, cò đất bủa vây thôn làng, cuộc sống của bà con cùng vì thế bị xáo trộn.
Một trong những gia đình bị lao vào vòng xoáy “cơn sốt đất” đó là gia đình anh Hưch (SN 1975) và chị Kưm (SN 1978), làng Xóa. Do cần vốn làm ăn, tháng 1/2022, gia đình chị Kưm đã đồng ý cho bà Vũ Thị Hằng (SN 1980, xã Chư Đăng Ya) thuê 5 sào đất rẫy để trồng cà phê với giá 100 triệu đồng, thời hạn thuê 10 năm.
Chị Kưm kể: Vợ chồng mình không bán đất cho bà Hằng. Đầu năm nay, cán bộ địa chính về đo đất và nói 5 sào đất này đã ra sổ đỏ đứng tên bà Hằng rồi, mình rất bất ngờ. Vợ chồng dắt nhau đi hỏi bà Hằng thì bà ấy cầm bút viết trên tờ giấy hứa sẽ trả lại sổ đỏ cho vợ chồng trong vòng 10 ngày. Nhưng đến giờ vẫn bặt tăm, mình sợ không lấy lại được đất thì nhà mình mất tất cả. Không chỉ nhà mình, trong làng còn nhiều gia đình cũng trông chờ bà Hằng về trả lại sổ đỏ.
Tương tự, xã Cư Suê, huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk xã có 11 thôn buôn, trong đó đồng bào DTTS chiếm gần 60% dân số toàn xã. Đây là một trong những địa phương sốt đất nóng nhất nhì tỉnh, bởi vị thế tiếp giáp với TP. Buôn Ma Thuột. Lợi dụng thông tin quy hoạch, giới cò đất đồn thổi Cư Suê sẽ sát nhập vào thành phố, giá đất nơi đây bỗng chốc lên cao đến đỉnh. Nhiều gia đình đồng bào DTTS bị dụ dỗ bán đi một phần đất của mình để có số tiền lớn trang trải, đầu tư và bị lừa cay đắng.
Hai năm trôi qua, nhưng gia đình bà H’Luyên Niê, ở buôn Sút H’luốt, xã Cư Suê vẫn chưa được người mua đất trả lại bìa đỏ. Bà H’Luyên kể: Mảnh đất của gia đình tôi gần 2ha, trong đó có 400m2 thổ cư. Năm 2020, tôi đồng ý cắt 900m2, trong đó có 300m2 thổ cư bán cho một người ở TP. Buôn Ma Thuột lấy tiền trang trải. Hai bên làm hợp đồng, nhưng giấy hợp đồng họ giữ cả, còn giấy tờ đất họ nói mượn để làm thủ tục. Vì tin tưởng nên tôi giao giấy tờ cho người này đi làm thủ tục tách thửa. Nhưng đến nay đã 2 năm rồi vẫn không thấy người mua đất trả lại bìa cho gia đình tôi. Vợ chồng tôi và các con đều rất lo lắng không biết bìa đất của mình đang ở đâu.
Ngoài gia đình bà H’Luyên, buôn Sút H’Luốt này còn khoảng gần chục hộ dân cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Họ chỉ bán 1 phần đất vườn và thổ trong tổng diện tích đất của mình, nhưng người thì mất hết đất thổ cư; người thì giao dịch xong người mua cầm bìa đỏ mất hút.
Lợi dụng sự nhẹ dạ và thiếu hiểu biết về pháp luật của nhiều hộ đồng bào DTTS, một số đối tượng lừa gạt dưới chiêu trò môi giới bán đất, làm trung gian trả nợ vay vốn và giúp người dân chuyển đổi mục đích sử dụng để chiếm dụng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ).
Theo báo cáo của Văn phòng Đăng ký Đất đai chi nhánh huyện Chư Păh (Gia Lai), trong năm 2021, đầu năm 2022, nhiều đối tượng đã lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người đồng bào DTTS để dụ dỗ mua bán, chuyển nhượng và xin thuê đất rồi chiếm đoạt quyền sử dụng đất của người dân. Chỉ tính riêng năm 2021 đến nay, đã có 50 hồ sơ chuyển nhượng không có nhu cầu, chưa được sự đồng ý của chủ đất (chủ yếu là đồng bào DTTS). Các hồ sơ tập trung ở các xã Chư Đăng Ya, Ia Ka, Ia Phí, Hà Tây, Ia Khươl. Đối với các hồ sơ này, Văn phòng đã cho tạm dừng toàn bộ để chờ kiểm tra, xử lý của các cơ quan chức năng.
Sốt đất lan rộng khắp nơi
Tình trạng sốt đất, đặc biệt là vùng nông thôn không chỉ diễn ra ở buôn làng tại Gia Lai, Đắk Lắk mà còn xuất hiện ở nhiều tỉnh thành khác trong cả nước.
Tại Lâm Đồng, cơn sốt đất cao ngất, nhiều người dân sẵn sàng đánh đổi cuộc sống ổn định, bán đi đất vườn đang sản xuất nông nghiệp rồi mua vào vùng sâu hơn hoặc sang tỉnh Đắk Nông mua đất nông nghiệp với giá rẻ hơn bắt đầu cuộc sống mới với nhiều khó khăn.
Theo số liệu thống kê của Sở Tư Pháp Lâm Đồng, trong quý 1 toàn tỉnh có 12.467 lô đất nền được giao dịch thành thông qua công chứng. Đến quý 2 thị trường giao dịch nhà đất tại tỉnh này vẫn tiếp tục sôi động với 19.669 gioa dịch đất nền thông qua công chứng. Phân khúc nhà ở riêng lẻ trên địa bàn tỉnh, trong quý 1 ghi nhận 899 giao dịch thì quý 2 toàn tỉnh có 1.113 giao dịch nhà ở riêng lẻ thành công qua công chứng.
Tương tự, tỉnh Bình Phước cũng là địa phương dẫn đầu về tốc độ tăng giá bất động sản trong 3 tháng đầu năm 2022. Trong quý 1, giá đất nền, đất thổ cư tăng lên 23% so với cuối năm 2021. Đến nay, việc tách thửa đất nông nghiệp vẫn diễn ra phức tạp ở nhiều huyện như Phú Riềng, Đồng Phú, thị xã Phước Long…
Theo báo cáo thị trường bất động sản quý I của Bộ Xây dựng trong quý I-2022, giá giao dịch bất động sản toàn thị trường đều ở xu hướng tăng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021. Phân khúc đất nền chiếm ưu thế, lượng giao dịch tăng đột biến đến 242% so với quý IV-2021. Cụ thể, trong quý 1, giao dịch đất nền đạt 153.500 giao dịch thành công, trong đó khu vực miền Nam ghi nhận 90.100 giao dịch đất nền thành công chiếm hơn 50% giao dịch đất nền của cả nước.
Tuy nhiên, theo người dân và chính quyền một số địa phương ở khu vực Tây Nguyên, dù việc mua bán đất diễn ra rầm rộ nhưng chỉ toàn mua đi bán lại chứ không có người mua đất để làm nhà ở. Vì vậy, sau cơn sốt đất thì đất đai ở nhiều địa phương bị bỏ hoang.