Biết bao gia đình DTTS đã không ngần ngại cắt phần đất đang sản xuất, đang ở để bán; bao gia đình khác thì bỏ bê đồng ruộng, chờ đợi vận may bán đất giá cao...mà không lường hết được là, mai này cuộc sống của bà con sẽ ra sao khi đất ở bị thu hẹp, đất sản xuất không còn...
Đủ chiêu trò dụ đồng bào bán đất
Hai năm trở lại đây, thị trường mua bán đất ở khu vực Tây Nguyên diễn ra sôi động chưa từng có, số lượt giao dịch mua bán, sang nhượng quyền sử dụng đất tăng chóng mặt. "Cò đất" bủa vây các buôn làng, dùng đủ chiêu trò thổi giá gây sốt ảo, thậm chí nhiều đối tượng còn có hành vi lừa gạt người dân, nhất là đồng bào DTTS.
Làng Kon Bring, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum có 66 hộ, 220 nhân khẩu, chủ yếu dân tộc Xơ Đăng sinh sống. Đây là làng du lịch cộng đồng nên đã sớm lọt vào tầm ngắm của các đối tượng “cò đất”.
Ông A Rvét, Trưởng thôn Kon Bring cho biết: Làng Kon Bring được thành lập trên cơ sở điều chỉnh địa giới hành chính và dân số xã Măng Cành (cũ) trên tổng diện tích tự nhiên 700 ha. Đến nơi ở mới, nhưng đất ở làng cũ người dân vẫn giữ lại để canh tác nông nghiệp. Từ đầu năm đến nay, các đối tượng “cò đất” đã tìm đến làng, đồn thổi về việc khu vực làng cũ đã được quy hoạch thành khu du lịch, nếu bà con trong làng không bán đất, sẽ bị Nhà nước thu hồi và đền bù với giá rất rẻ.
“Chúng tôi vận động bà con trong làng không được bán đất, để lại cho con, cho cháu sau này, nhưng họ không nghe vì thấy bán đất nhanh có tiền. Hàng ngày đi làm cực khổ cũng chỉ đủ trang trải sinh hoạt, nay bán miếng có vài trăm triệu đồng, thậm chí cả tỷ đồng, đối với bà con ở đây số tiền đó rất lớn. Họ có thể lấy tiền bán đất để xây nhà, mua sắm đồ dùng cần thiết, chi tiêu sinh hoạt… Chúng tôi khuyên vậy, nhưng đất đai là tài sản tư nhân họ bán hay không là quyền của họ”, ông A Rvét nói.
Cũng dùng chiêu trò gây sốt ảo, một số đối tượng cò đất tung tin đồn giả, tự ý cắm cọc “quy hoạch” dọc một số tuyến đường trên địa bàn xã Hòa An, huyện Krông Pắk, tỉnh Đắk Lắk để thổi giá đất. Cụ thể, ngày 9/4 vừa qua, tại trục đường thôn 6B, đoạn từ Quốc lộ 26 đến chùa Phước Hưng, các đối tượng lạ đã cắm cọc gắn bảng đánh số thứ tự và tung tin đồn về việc quy hoạch mở rộng đường giao thông, quy hoạch khu đô thị,…khiến người dân hoang mang.
Tuy nhiên, đó là do các đối tượng cò đất lợi dụng thông tin quy hoạch khu đô thị, công trình công cộng… tung tin ảo, rồi đến nhà dân mời chào bán đất, hứa hẹn giao dịch giá cao gấp nhiều lần thực tế. Sau đó, các đối tượng cò đất tự mua qua, bán lại với nhau nhằm thổi giá.
Phó Chủ tịch UBND xã Hòa An Vương Hữu Phúc khẳng định, hiện nay xã chỉ quy hoạch duy nhất một điểm dân cư tại khu trung tâm xã, không có dự án mở rộng đường giao thông. Trước tình hình trên, xã Hòa An cũng đã thông tin và đề nghị thôn trưởng của 18 thôn, buôn nắm tình hình kịp thời phát hiện, báo cáo UBND xã. Đồng thời, thông tin đến Nhân nhân đề cao cảnh giác, khi phát hiện đối tượng lạ tung tin giả về quy hoạch, dự án báo cho thôn trưởng hoặc UBND xã để kịp thời xử lý.
Tại Gia Lai, giới đầu cơ đất cũng vẽ ra viễn cảnh du lịch tươi đẹp như view ruộng, view núi lửa, điểm đến lý tưởng cho các nhà đầu tư, mở rộng thành phố… đã khiến nhiều người dân tin tưởng, hy vọng và sập bẫy.
Xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai đang được coi là "điểm nóng" của hoạt động mua bán đất, ở nơi đây “cò đất” hoạt động náo nhiệt với đủ các chiêu trò. Những đám ruộng xanh mơn mởn được các 'cò đất" vẽ thành các dự án nhà hàng, khu nghỉ dưỡng với view ruộng lý tưởng. Đồi thông xanh ngát cũng được đưa vào phân lô bán nền.
Tin lời đường mật của “cò đất”, dân làng xã Ia Dêr san bằng hàng loạt lô đất, rồi cắm biển “bán đất”. Hàng loạt lời rao bán trên mạng xã hội Zalo, Facebook hấp dẫn chào mời.
Sốt đất khắp các buôn làng
Từ những chiêu trò mà giới đầu cơ đất bày ra, giá đất ở vùng nông thôn các tỉnh Tây Nguyên bỗng chốc tăng cao chưa từng có.
Ở làng Jút, xã Ia Dêr, huyện Ia Grai, tỉnh Gia Lai những ngày vừa qua kẻ bán người mua, ra vào tấp nập. Ông Rơ Châm Nu, một người dân làng Jút cho biết: Ở đây ngày nào cũng có người đến hỏi mua đất. Có ngày cả chục người đến hỏi. Người muốn mua thật sự để sử dụng thì ít mà đến thăm dò, giả bộ mua, găm giá, bẻ cọc là nhiều. Mình thấy ồn ào quá nên cũng bảo bà con dân làng muốn bán phải tìm hiểu kỹ, người nào muốn mua thật sự thì mới làm việc.
Tương tự, vùng quê nghèo xã Đắk Gằn, huyện Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông dù xa trung tâm tỉnh, vẫn thu hút giới đầu cơ đất tìm đến. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá đất được thổi lên cao gấp 3-5 lần so với đầu năm ngoái.
Ông Y Thuêr, buôn Đắk Krai xã Đắk Gằn chia sẻ: Từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều người vào khu vực này hỏi mua đất, giá đất cao hơn rất nhiều so với trước, nhưng người ta trả giá thật cao rồi không thấy quay lại.
Tại Đắk Lắk các đối tượng đầu cơ thường dựa vào thông tin về quy hoạch và đầu tư các dự án lớn như: Bệnh viện Trung ương Tây Nguyên, cao tốc Nha Trang - Buôn Ma Thuột… chuẩn bị xây dựng để mua đất đón đầu.
Điển hình, khi thông tin Dự án Bệnh viện Trung ương khu vực Tây Nguyên dự kiến đầu tư xây dựng tại thôn 4, xã Ea Tu, TP. Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, lập tức việc mua bán nhà đất nơi đây diễn ra sôi động. Các vườn rẫy của người dân liên tục được cò đất hỏi mua để phân lô bán nền, ở các tuyến đường những lô đất được sang nhượng đều đã được cắm biển rao bán.
Theo ông Hoàng Xuân Phương, Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai TP. Buôn Ma Thuột, từ tháng 12/2021, đến hết quý I năm 2022, trung bình một ngày làm việc, văn phòng của ông đang phải giải quyết 521 hồ sơ cho người dân, chủ yếu liên quan đến lĩnh vực đất đai. Đặc biệt, thời điểm tháng 1/2022, có những ngày cán bộ, nhân viên tiếp nhận và giải quyết tới 666 hồ sơ, cao gấp nhiều lần so với cùng kỳ trước.
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, năm 2021, hệ thống văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận và xử lý 298.176 hồ sơ giao dịch về quyền sử dụng đất. Trong 3 tháng đầu năm 2022, hệ thống văn phòng Đăng ký đất đai tiếp nhận 102.697 hồ sơ giao dịch, bằng 174% so với cùng kỳ năm 2021. Đặc biệt, hồ sơ tách thửa phân lô tăng đột biến, nhất là ở TP. Buôn Ma Thuột và huyện Cư Kuin, huyện Cư M’Gar.