Người dân bán đất, chính quyền không hay
Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk, trong 3 tháng đầu năm 2022, số lượng tách thửa tăng đột biến. Toàn tỉnh có 11.885 thửa có nhu cầu tách, tăng 197% so với năm 2021. Trong đó, số thửa đất sản xuất nông nghiệp là 3.566 thửa, tăng 240%, thửa đất ở, đất vườn, ao 8.319 thửa, tăng 183%. Các địa phương có nhu cầu tách thửa nhiều gồm Buôn Ma Thuột, Cư M’gar, Cư Kuin, Krông Pắc, Buôn Đôn.
Tuy nhiên, một thực tế là, hầu hết các giao dịch mua bán đất đều là hợp đồng dân sự, người dân tự thỏa thuận và thực hiện thủ tục qua các văn phòng công chứng, không thông qua chính quyền địa phương. Vì vậy khi sự việc xảy ra chính quyền sở tại cũng khó nắm bắt.
Bà H’Đàn Niê, Trưởng buôn Sút H’luốt cho biết, đa số người dân ở đây hiểu biết về pháp luật còn hạn chế, thủ tịch giao dịch đất đai, bà con chỉ biết ký tên hoặc điểm chỉ mà không hiểu nội dung hợp đồng mua bán đất. Vì vậy mà nhiều người bị các đối tượng buôn đất lừa gạt, gài bẫy. Sau khi nắm được thông tin nhiều hộ dân bán một phần đất nhưng mất hết thổ cư, chính quyền buôn vận động bà con cung cấp thông tin để tổng hợp, báo cáo với các cấp chính quyền.
“Mất hết đất thổ cư, bà con không còn đất ở, căn nhà đang ở từ xây dựng hợp pháp trở thành xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Có những hộ thì bán một phần đất mà người mua đất mượn sổ đến hai ba năm chưa được nhận lại. Cuộc sống của người dân thực sự khốn khó” bà H’Đàn Niê nói.
Theo ông Đặng Văn Hoan, Chủ tịch UBND xã Cư Suê, hầu hết trong thửa đất của bà con đang sử dụng được nhà nước cấp 400m2 thổ cư, nhưng lại không có vị trí cụ thể. Lợi dụng điểm yếu này, người mua đất cắt hết thổ cư về phần đất của mình. Một điều nữa, các giao dịch mua bán đất giữa người buôn đất và bà con đều thực hiện thủ tục ở phòng công chứng tư nhân, xã không hay biết. Bây giờ các công trình trên đất của bà con đều là trái quy định và xây dựng trên đất nông nghiệp.
“Xã đã yêu cầu chính quyền buôn thống kê danh sách, hướng dẫn bà con làm đơn gửi lên các cấp chính quyền để tìm hướng giải quyết”, ông Hoan cho biết thêm.
Trước thực trạng bà con đồng bào DTTS bán đất, ông Châu Văn Lâm, Chủ tịch UBND thị trấn Măng Đen cho biết: chính quyền địa phương đã tổ chức tuyên truyền, vận động cho bà con, lồng ghép nội dung này vào các cuộc họp về bảo vệ đất đai, bảo vệ rừng. Tuy nhiên, việc ngăn cấm người dân bán đất là bất khả thi, bởi đó là tài sản của người dân. “Thuận mua vừa bán,” việc bà con bán đất là quyền của họ, chính quyền địa phương khó can thiệp được.
Xử lý nghiêm vi phạm đất đai
Để tăng cường công tác quản lý đất đai và trật tự xây dựng, UBND TP. Buôn Ma Thuột yêu cầu các địa phương vào cuộc quyết liệt. Người đứng đầu địa phương, cán bộ công chức được giao nhiệm vụ phải nâng cao trách nhiệm, tăng cường công tác chỉ đạo, kiểm tra, xử lý đối với các trường hợp vi phạm về đất đai, trật tự xây dựng.
Thời gian qua, một số địa phương trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột tích cực vận động người dân thực hiện nghiêm quy định, quyết liệt cưỡng chế tháo dỡ công trình xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp. Hằng trăm căn nhà xây dựng trái phép được tháo dỡ.
Siết chặt quản lý đất đai, trật tự xây dựng, TP. Buôn Ma Thuột mạnh tay xử lý vi phạm, trách nhiệm người đứng đầu.
Cuối tháng 3, Hội đồng kỷ luật TP. Buôn Ma Thuột đã ra quyết định kỷ luật bằng hình thức cách chức Chủ tịch và Phó chủ tịch UBND phường Thành Nhất đối với bà Nguyễn Thị Loan và ông Vũ Tiến Thành do yếu kém trong quản lý đất đai và trật tự xây dựng.
Theo đó, bà Loan được xác định là thiếu trách nhiệm trong quản lý, sử dụng đất đai; thiểu kiểm tra, giám sát xây dựng; để giới đầu cơ tự ý mở đường phân lô, tách thửa nhỏ đất nông nghiêp… Ông Thành không thực hiện đúng chức trách, quyền hạn được giao để xảy ra tình trạng xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp.
Giữa tháng 4, UBND TP. Buôn Ma Thuột quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức Cảnh cáo đối với ông Phan Văn Trường, Chủ tịch và ông Lê Hồng Thái, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Kao. Ông Phan Văn Trường, Chủ tịch UBND xã chịu trách nhiệm chính trong việc lãnh đạo, chỉ đạo công tác quản lý về đất đai, trật tự xây dựng trên địa bàn, nhưng để xảy ra nhiều vi phạm.
Báo cáo với Đoàn giám sát chuyên đề của Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Lắk tại buổi làm việc về thực hiện chính sách, pháp luật thực hành tiết kiệm chống lãng phí, giai đoạn 2016-2021 vào giữa tháng 4, ông Trần Đình Thuận, Giám đốc Sở Tài Nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk đã chỉ ra những hệ lụy của việc sốt đất trong thời gian vừa qua. Trong đó, một bộ phận lớn đồng bào DTTS bán đất rồi sử dụng tiền không hiệu quả, mất đất sản xuất, mất việc làm cần quan tâm nhất.
Trước tình trạng sốt đất, thời quan vừa qua Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy ban Nhân dân tỉnh, đoàn giám sát của Đoàn Đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân đã nhiều lần bàn, giám sát về vấn đề này. UBND tỉnh Đắk Lắk cũng đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo việc kiểm soát chặt chẽ việc chuyển mục đích sử dụng đất.
Vấn đề sốt đất ở nhiều địa phương trong cả nước cũng là vấn đề được các đại biểu Quốc hội quan tâm. Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam nhận định, hành động đầu cơ thổi giá đất, trá giá đấu thầu cao rồi bỏ cọc là có âm mưu lừa dối, lừa đảo, phá hoại nền kinh tế của đất nước cần xử lý nghiêm để chấm dứt tình trạng này./.