Hiện nay nông dân Đắk Lắk tập trung thu hoạch hồ tiêuĐầu tháng 4, bà H’Wiêt Hđơk (SN 1967), trú buôn Alê B, phường Ea Tam, Tp.Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk phải nhập viện mổ cấp cứu do té thang khi hái hồ tiêu.
Bà H’Wiêt chia sẻ: Đầu tháng 4, tôi leo lên chiếc thang hái tiêu như thường lệ. Khi đang đứng trên thang ở độ cao hơn 2m, với những chùm tiêu ở trên cao, chiếc thang bất ngờ trượt chân, tôi rơi xuống đất. Lúc đó, tay chân tôi tê cứng, hoàn toàn không còn cảm giác. Người nhà đưa tôi đến Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên trong tình trạng đau dữ dội vùng thắt lưng, ngực và khung chậu, cử động hạn chế, tê cứng chân tay. Các bác sĩ chẩn đoán, bà bị chấn thương cột sống, gãy đốt sống L1, dập tủy, chỉ định mổ cấp cứu để xử lý vết thương và ngăn ngừa biến chứng. Sau nhiều ngày được điều trị tích cực, sức khỏe của bà H’Wiêt đang dần hồi phục.
Bác sĩ chuyên khoa II Huỳnh Như Đồng, Trưởng khoa Ngoại thần kinh, Bệnh viện Đa khoa vùng Tây Nguyên cho biết, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay, Bệnh viện đã tiếp nhận và điều trị hàng trăm ca tai nạn trong quá trình hái hồ tiêu. Có những ngày cao điểm mùa vụ thu hoạch, Bệnh viện tiếp nhận từ 15 đến 20 trường hợp bị tai nạn té ngã vì trèo thang hái tiêu. Trong đó, nhiều ca vừa gãy chân, gãy tay, gãy cột cống, nghiêm trọng hơn có những ca còn chấn thương sọ não cùng với nhiều chấn thương khác.
Trụ tiêu cao người dân phải đặt thang, trèo lên để thu hái, tiềm ẩn nguy cơ tai nạnTai nạn khi hái hồ tiêu gây chấn thương nặng, chi phí phẫu thuật và điều trị cũng khá cao, thường dao động từ 40-50 triệu đồng/ca. Trong khi đó, người bị tai nạn chủ yếu là người đi hái tiêu thuê, một số người hoàn cảnh khó khăn, không có bảo hiểm y tế. Có những trường hợp, bệnh viện vận động, quyên góp hỗ trợ chi phí điều trị cho bệnh nhân.
Theo Bác sĩ Huỳnh Như Đồng, những bệnh nhân được đưa đi cấp cứu và điều trị kịp thời khả năng phục hồi cao, song trường hợp đến bệnh viện quá muộn, hoặc bị đứt tủy thì dù được mổ cấp cứu, quá trình hồi phục vẫn rất chậm. Sau phẫu thuật bệnh nhân phải điều trị lâu dài phối hợp với tập vật lý trị liệu, châm cứu.
Vì vậy, “khi phát hiện người bị ngã từ trên thang xuống đất khi hái tiêu, người dân xung quanh tuyệt đối không nên đưa nạn nhân lên xe máy để đến bệnh viện. Thay vào đó, nên sử dụng cáng khiêng trên mặt phẳng cứng để bệnh nhân nhằm tránh tình trạng đứt tủy sống vĩnh viễn, dẫn đến bệnh nhân sẽ bị liệt suốt đời", Bác sĩ Đồng khuyến cáo.
Nhiều trường hợp bị tai nạn khi thu hoạch hồ tiêu đang điều trị tại Bệnh viện Đa khoa vùng Tây NguyênTheo số liệu thống kê, toàn tỉnh Đắk Lắk hiện có gần 30.000ha hồ tiêu, trong đó diện tích cho thu hoạch khoảng hơn 27.000ha. Huyện Cư Kuin là địa phương có diện tích hồ tiêu lớn nhất nhì tỉnh.
Ông Nguyễn Văn Minh, Trưởng trạm Khuyến nông huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk cho biết: Huyện có khoảng 4.500-4.700ha hồ tiêu, phần lớn các trụ tiêu rất cao, nhiều trụ vượt quá 6m. Ông Minh cũng chia sẻ kinh nghiệm, bà con cần kiểm tra kỹ lưỡng thang trước khi sử dụng và tuyệt đối không nên leo quá độ cao 7m, tránh tình trạng chóng mặt, hoa mắt, dễ dẫn đến té ngã.
Bên cạnh đó, bà con cũng cần kiểm tra từng trụ tiêu trước khi đặt thang, kịp thời phát hiện trụ bị sâu mọt đục, thân trụ yếu, có nguy cơ gãy đổ. Một yếu tố nữa là xem hướng gió trước khi đặt và leo lên thang, tránh đặt thang theo chiều gió thổi làm tăng thêm lực tác động lên trụ tiêu, tăng nguy cơ gãy, đổ trụ trong quá trình hái. Đặc biệt, không nên để trẻ em, người lớn tuổi thu hoạch tiêu, bởi đây là nhóm đối tượng dễ gặp nguy hiểm, nguy cơ cao xảy ra tai nạn khi leo trèo.