Thông tin tại Hội nghị, ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ cho biết: Hội nghị là sự kiện có ý nghĩa quan trọng, nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác toàn diện về kinh tế - xã hội, tạo cơ hội hợp tác mới, sâu rộng giữa Tp. Cần Thơ với Tp. Thủ Đức và tỉnh Thanh Hóa.
Đây là hoạt động thiết thực tạo điều kiện để các doanh nghiệp tăng cường liên kết, hợp tác, nâng cao lợi thế cạnh tranh, xây dựng chiến lược kinh doanh phù hợp; thiết lập các mối liên hệ, giới thiệu các sản phẩm thế mạnh, tiềm năng, tạo cầu nối để doanh nghiệp các bên liên kết, thúc đẩy hợp tác trên nguyên tắc cùng có lợi và đóng góp vào sự phát triển chung, góp phần đưa Tp. Cần Thơ đến gần hơn với nhà đầu tư, cùng nhau chia sẻ, hợp tác phát triển nhanh, bền vững hơn nữa trong tương lai.
Theo ông Trần Việt Trường, Cần Thơ là đô thị loại I trực thuộc Trung ương, có vị trí chiến lược, nằm ở trung tâm vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), là cửa ngõ của vùng hạ lưu sông Mekong, đóng vai trò đầu mối giao thông quan trọng trong vận tải nội vùng và liên vận quốc tế, bao gồm hệ thống giao thông đường thủy, đường bộ, đường hàng không. Tại Nghị quyết số 59-NQ/TW ngày 05/8/2020 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Tp. Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đã xác định mục tiêu đến năm 2030, Cần Thơ trở thành thành phố sinh thái, văn minh, hiện đại mang đậm bản sắc văn hóa sông nước vùng ĐBSCL, là trung tâm, đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL.
Tp. Cần Thơ được nhiều nhà đầu tư đánh giá là có nhiều tiềm năng nhờ vị trí địa lý và hệ thống giao thông ngày càng hoàn thiện. Trung ương đang tập trung nhiều nguồn lực đầu tư phát triển vùng ĐBSCL với nhiều dự án lớn về kết cấu hạ tầng giao thông đã và đang được triển khai. Qua đó, tạo sự kết nối thuận lợi giữa Cần Thơ và các tỉnh trong vùng với Tp. Hồ Chí Minh và các vùng khác trong cả nước.
“Tp. Cần Thơ sẽ đồng hành cùng các doanh nghiệp, nhà đầu tư, tạo mọi điều kiện và hỗ trợ tích cực nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư khi đến đầu tư tại thành phố…”, Chủ tịch UBND Tp. Cần Thơ khẳng định.
Giới thiệu về tiềm năng của Tp. Thủ Đức, ông Nguyễn Bạch Hoàng Phụng - Phó Chủ tịch UBND Tp. Thủ Đức cho biết, là thành phố đầu tiên trong cả nước thực hiện mô hình thành phố trong thành phố, sau 3 năm thành lập, Thủ Đức đã xây dựng được một bộ máy chính quyền địa phương đặc thù, phù hợp và cơ bản đáp ứng được với yêu cầu phát triển của thành phố trong giai đoạn mới, với sự tăng tốc mạnh mẽ đầu tư với hàng loạt công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, các công trình giao thông được khởi động và hoàn thành đưa vào phục vụ phát triển kinh tế - xã hội.
Thủ Đức đã triển khai thực hiện đề án đô thị thông minh và chuyển đổi số, tập trung hình thành và phát triển 11 khu đô thị dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, là điều kiện để Thủ Đức từng bước trở thành đô thị thông minh, “hạt nhân” thúc đẩy phát triển kinh tế Tp. Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Lãnh đạo Tp. Thủ Đức đánh giá cao vai trò, tiềm năng và thế mạnh của Tp. Cần Thơ, là trung tâm kinh tế - văn hóa - giáo dục của vùng ĐBSCL. Với vị trí địa lý thuận lợi và hạ tầng phát triển, Cần Thơ không chỉ là một điểm đến du lịch hấp dẫn, mà còn là một trung tâm kinh tế quan trọng của miền Tây Nam Bộ, đạt được nhiều thành tựu trong các lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, chế biến thực phẩm, thương mại và dịch vụ. Các khu công nghiệp và cụm công nghiệp ở Cần Thơ đang thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư trong và ngoài nước, tạo động lực phát triển mạnh mẽ cho toàn vùng.
Ông Trịnh Tiến Dũng - Chủ tịch CLB Doanh nhân tỉnh Thanh Hóa tại Tp. Hồ Chí Minh và phía Nam cho biết: Tỉnh Thanh Hóa có vị trí rất thuận lợi về giao thương hàng hóa, kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đang được tăng cường đầu tư, nhất là về hạ tầng giao thông, với đủ các loại hình đường bộ, đường sắt Bắc - Nam, hệ thống giao thông đường thủy.
Khu Kinh tế Nghi Sơn nằm ở phía Nam tỉnh Thanh Hóa, trên trục giao lưu Bắc - Nam là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, được Chính phủ lựa chọn là 1 trong 8 khu kinh tế trọng điểm ven biển, có chính sách ưu đãi đầu tư hấp dẫn nhất trong cả nước. Đặc biệt, tỉnh Thanh Hóa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch 19 khu công nghiệp ngoài khu kinh tế và 115 cụm công nghiệp; có tiềm năng đất đai đa dạng là điều kiện rất thuận lợi để phát triển sản xuất nông nghiệp toàn diện, quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao…
Sau khi chia sẻ về những tiềm năng, thế mạnh, thuận lợi của các địa phương và chia sẻ những dự định của các doanh nghiệp, Hội nghị đã diễn ra ký biên bản ghi nhớ/hợp tác giữa các trung tâm xúc tiến đầu tư, hiệp hội doanh nghiệp, hội nữ doanh nhân, hội doanh nhân trẻ, doanh nghiệp của 3 địa phương.
Trong khuôn khổ Hội nghị còn có hơn 70 gian trưng bày các ấn phẩm, sản phẩm đặc trưng và sản phẩm của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh của Tp. Cần Thơ, Tp. Thủ Đức và tỉnh Thanh Hóa nhằm kết nối cung cầu, mời gọi đầu tư.