Để nhân rộng các mô hình thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, ngành Nông nghiệp TP Cần Thơ đang tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động thông tin, truyền thông, giới thiệu về Đề án để nông dân và các đơn vị, doanh nghiệp đăng ký tham gia.
Đồng thời, tăng cường phối hợp với các bộ, ngành Trung ương, địa phương và đơn vị có liên quan để triển khai các hoạt động tập huấn, nâng cao năng lực cho cán bộ kỹ thuật và nông dân. Hỗ trợ và thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi và thực hiện các nội dung mục tiêu và nhiệm vụ được đề ra theo Đề án.
Theo ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP Cần Thơ, Cần Thơ xác định vùng triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC tập trung tại 3 huyện trọng điểm trồng lúa của thành phố là Vĩnh Thạnh, Cờ Đỏ và Thới Lai, với diện tích thực hiện đến năm 2030 là 48.000ha và có sự tham gia của 26 xã, 56 HTX và 51.000 hộ dân.
Nhiều đơn vị, doanh nghiệp và tổ chức tài chính cũng cam kết tích cực tham gia đồng hành cùng các ngành chức năng và nông dân tại TP Cần Thơ trong nhân rộng các mô hình thực hiện Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC.
Theo ông Trương Hoàng Hải, Giám đốc Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam (Agribank) Chi nhánh Cần Thơ II, đơn vị cam kết và bảo đảm thực hiện nguồn vốn luôn luôn đáp ứng đủ cho triển khai Đề án. Đối với Đề án 1 triệu héc-ta lúa CLC, Agribank được Ngân hàng Nhà nước giao là ngân hàng chủ lực cho vay, trong giai đoạn thí điểm từ nay đến cuối năm 2025, nhằm thực hiện tốt Chương trình cho vay liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo CLC và PTT vùng ĐBSCL.
Agribank dành 30.000 tỉ đồng cho Đề án và nếu nhu cầu vốn trên thực tế có lớn hơn thì sẽ tiếp tục tăng cường thêm. Nông dân trong vùng thực hiện Đề án được vay vốn với mức lãi suất thấp hơn bên ngoài mô hình. Agribank cũng tiếp tục cho nông dân, doanh nghiệp vay các nguồn vốn ưu đãi lãi suất thuộc các chương trình chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp và nông thôn...