Khi trẻ em nam trở thành nạn nhân
Trước đây, xã hội từng rúng động bởi vụ xâm hại tình dục trẻ em nam của đối tượng Đinh Bằng My, nguyên là Hiệu trưởng trường PTDTNT huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ. Theo cáo trạng của Viện Kiểm sát Nhân dân tỉnh Phú Thọ, từ cuối năm 2016 đến tháng 12/2018, lấy lý do hỏi thăm tình hình học tập, hoặc nhắc nhở các học sinh vi phạm kỷ luật, Đinh Bằng My đã gọi 9 nam học sinh lên phòng làm việc của mình để thực hiện hành vi xâm hại tình dục. Tại thời điểm xảy ra sự việc, các nạn nhân của Đinh Bằng My đều mới học lớp 7, lớp 8 và lớp 9.
Điều đáng nói, đây không phải là sự việc hy hữu, khi tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nam hiện diễn biến ngày càng phức tạp. Theo thống kê của Bộ Công an, giai đoạn 2015 - 2019, cả nước đã phát hiện, xử lý 6.432 trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ em nam chiếm tới 19%. Trong năm 2020, cả nước phát hiện 1.349 vụ, với 1.576 trẻ em bị xâm hại tình dục, trong đó trẻ em nam chiếm khoảng 20%.
Không chỉ phải đối mặt với nguy cơ bị xâm hại tình dục, hiện nay trẻ em nam, nhất là trẻ em nam là người DTTS còn gặp vấn đề trong tiếp cận giáo dục. Theo Báo cáo tóm tắt chính sách các vấn đề về giới DTTS ở Việt Nam của Cơ quan Liên hợp quốc về Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ (UN Women), hiện nay có sự đảo ngược về khoảng cách giới trong tiếp cận giáo dục giữa trẻ em trai và trẻ em gái DTTS.
Trước đây, trẻ em gái DTTS luôn có tỷ lệ đi học đúng tuổi thấp hơn trẻ em trai DTTS. Tuy nhiên trong những năm gần đây, xu thế này dần đảo ngược, theo hướng trẻ em trai DTTS có tỷ lệ đi học đúng tuổi lại thấp hơn trẻ em gái DTTS. Điều này cũng đồng nghĩa với việc, tỷ lệ ngoài nhà trường của trẻ em trai cao hơn trẻ em gái DTTS.
Cụ thể, hiện nay, tỷ lệ trẻ em trai DTTS ngoài nhà trường chiếm 16,4%, trong khi đó tỷ lệ này ở trẻ em gái là 14,5%. Tỷ lệ đi học đúng tuổi của trẻ em trai DTTS thấp hơn trẻ em gái DTTS ở tất cả các cấp học, cấp học càng cao thì chênh lệch càng lớn. Ở bậc tiểu học, khoảng cách là 0,2%; ở cấp THCS, khoảng cách này đã tăng lên 3,3% và cấp THPT là 7,5%.
Cần quan tâm hơn
Một trong những nguyên nhân của tình trạng xâm hại tình dục trẻ em nam hiện nay, là do phụ huynh chưa quan tâm một cách đúng mức. Theo khảo sát của tổ chức Save the Children, hiện có hơn 60% cha mẹ được hỏi cho rằng “không nghĩ con trai của mình sẽ bị lạm dụng tình dục”.
Một số ít cha mẹ, trong đó có các bậc cha mẹ ở vùng DTTS và miền núi còn vô tư cho biết “lần đầu tiên nghe đến việc bé trai cũng có thể bị xâm hại”. Trong thực tiễn, nhiều cha mẹ có thói quen cho phép con ôm, hôn bất cứ người nào gặp mặt, như một biểu hiện “thân thiện”. Nhiều trẻ còn bị người lớn vô tư đùa nghịch các bộ phận “nhạy cảm”, mà cha mẹ không thấy có vấn đề gì, đặc biệt là tại các vùng nông thôn, vùng DTTS và miền núi.
Để ứng phó với tình trạng này, các tổ chức chuyên bảo vệ trẻ em đã đưa ra những quy tắc nhằm hạn chế trẻ em nói chung, trẻ em nam nói riêng bị xâm hại. Trong đó, "Quy tắc 5 ngón tay" được coi là hiệu quả và phổ biến. Theo đó, 5 ngón tay là cách hình tượng hóa 5 nhóm người mà trẻ thường gặp hàng ngày. Đó là: Ôm hôn, dùng với người thân ruột thịt trong gia đình như ông bà, bố mẹ, anh chị em ruột; nắm tay, khoác tay, với bạn bè, thầy cô, họ hàng; bắt tay, khi gặp người quen; vẫy tay, nếu đó là người lạ; xua tay không tiếp xúc, thậm chí hét to và bỏ chạy nếu những người xa lạ mà bé cảm thấy bất an, tiến lại gần và có cử chỉ thân mật.
Ngoài những quy tắc nói trên, các tổ chức cũng khuyến cáo, cha mẹ nên tìm hiểu, trang bị thêm nhiều kiến thức phòng chống tội phạm ấu dâm, dạy con các kỹ năng bảo vệ cơ thể mình trước những nguy cơ bị xâm phạm.
Còn giải thích về tình trạng trẻ em nam bỏ học sớm, theo tổ chức UN Women, trẻ em nam DTTS bỏ học sớm là do lao động sớm, kết hôn sớm, hoặc khoảng cách tới trường học quá xa. Hơn nữa trẻ em nam hiện nay thường xuyên trở thành nạn nhận của tình trạng bạo lực học đường,hoặc dễ sa đà vào các tệ nạn xã hội dẫn đến bỏ học.
Từ những nguyên nhân trên, UN Women đưa ra khuyến nghị, thời gian tới, Việt Nam cần tiếp tục vận động trẻ em DTTS học tập đúng tuổi, trong đó chú trọng thêm với trẻ em trai ở tất cả các cấp học. Ngành Giáo dục cũng cần tập trung các nhóm trẻ em trai có nguy cơ bỏ học để tham gia lao động sớm, hoặc sa đà tệ nạn xã hội.
Ngoài ra, các địa phương cần tăng cường giáo dục về phòng chống bạo lực trường học, đặc biệt tại các trường PTDT nội trú và bán trú. Có như vậy, mới giảm áp lực với các học sinh nam, để các em có thể đến trường một cách an toàn.