Theo thống kê của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH), hiện toàn tỉnh Hòa Bình có trên 223.000 trẻ em, chiếm 25,91% tổng dân số. Trong đó, trẻ em sống ở khu vực nông thôn chiếm gần 90% tổng số trẻ em toàn tỉnh; có 37.596 trẻ sống trong gia đình nghèo, cận nghèo.
Huyện Mai Châu là một trong những địa phương còn nhiều khó khăn của tỉnh. Toàn huyện có 15.493 trẻ em, chiếm 26,9% dân số, trong đó có 4.259 trẻ sống trong gia đình nghèo, cận nghèo. Trẻ em nghèo, trẻ em DTTS trên địa bàn phải chịu nhiều thiệt thòi về nhiều mặt như y tế, văn hóa, giáo dục, chất lượng sống chưa thực sự được đảm bảo.
Ông Phạm Trung Hiếu, Trưởng Phòng LĐTB&XH huyện cho biết: Trong nhiều năm qua, việc quan tâm, chăm sóc trẻ em nghèo, trẻ em DTTS luôn được huyện chỉ đạo sát sao nhằm đảm bảo những cơ hội phát triển cho trẻ, đặc biệt tại 2 xã vùng cao Hang Kia, Pà Cò. Trách nhiệm bảo vệ, chăm sóc trẻ em nói chung và trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng tại huyện được xã hội hóa sâu rộng, thu hút sự quan tâm của các cấp, các ngành và toàn xã hội.
Từ đầu năm đến nay, các tổ chức đã trao tặng 10 suất quà cho học sinh nghèo vượt khó, tổng trị giá 5 triệu đồng; phối hợp Quỹ Bảo trợ trẻ em tỉnh tặng 20 suất quà cho trẻ em hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK), trị giá 20 triệu đồng; tổ chức khám, chữa bệnh cho hàng nghìn lượt trẻ em, xây dựng một số công trình vui chơi tại các điểm trường trên địa bàn. Nhân dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021, trích Quỹ Bảo trợ trẻ em tặng 160 suất quà cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK, kinh phí 88 triệu đồng.
Bà Đỗ Thị Loan, Phó trưởng Phòng Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em và Bình đẳng giới (Sở LĐTB&XH) chia sẻ: Những thiệt thòi của trẻ em nghèo, trẻ em DTTS thường dẫn đến những hậu quả đáng tiếc như số trẻ bị tử vong do tai nạn thương tích và bị xâm hại tình dục tăng mạnh.
Để hướng tới mọi trẻ em nói chung đều được bình đẳng về cơ hội phát triển toàn diện trong môi trường an toàn, lành mạnh và thân thiện, riêng trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được giúp đỡ, chăm sóc kịp thời để có cơ hội phát triển, trong thời gian tới, các cấp, ngành, địa phương đẩy mạnh, chủ động phòng ngừa, giảm thiểu, loại bỏ các nguy cơ gây tổn hại tới trẻ em và trợ giúp, phục hồi cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, tạo cơ hội để các em được hòa nhập cộng đồng; từng bước giảm khoảng cách chênh lệch về điều kiện sống của trẻ em giữa các vùng miền; nâng cao chất lượng cuộc sống và tạo cơ hội phát triển bình đẳng cho mọi trẻ em./.