Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam: “Gắn kết cộng đồng, tinh thần dân chủ, vai trò tự quản là giá trị xuyên suốt trong quá trình tổ chức Ngày hội”.
Nhiều năm nay, Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc trên địa bàn tỉnh đều được tổ chức trang trọng phần lễ, đa dạng phần hội ở 1.240 khu dân cư. Các bản làng, thôn, xóm, tổ dân phố… tổ chức Ngày hội trong không khí rộn ràng, phấn khởi; không phân biệt dân tộc, tôn giáo, giai tầng xã hội, đồng bào các dân tộc, con em xa quê trở về quê hương… cùng đoàn kết, chung vui Ngày hội của toàn dân. Ngày hội trở thành một hoạt động thường niên của khu dân cư, là dịp trao truyền các giá trị truyền thống, nơi giao thoa văn hóa của mỗi cộng đồng, qua đó giúp cho Ngày hội có những nét riêng có của mỗi vùng.
Tính gắn kết cộng đồng, tinh thần dân chủ, vai trò tự quản là giá trị xuyên suốt trong quá trình tổ chức Ngày hội. Thông qua tổ chức Ngày hội, Nhân dân hiểu rõ hơn về nhiệm vụ chính trị của địa phương, thấy rõ sức đóng góp của từng cá nhân, mỗi gia đình trong xây dựng cộng đồng. Nghĩa đồng bào trong mỗi cộng đồng được nhân lên qua những hoạt động san sẻ, hỗ trợ đối với những cá nhân, hộ gia đình khó khăn; tri ân với gia đình có công; tôn vinh những cá nhân, tập thể, hộ gia đình có nhiều đóng góp cho cộng đồng và xã hội.
Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, hướng mạnh về cơ sở, địa bàn khu dân cư. Trong đó, chú trọng phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của từng khu dân cư, Ban Công tác Mặt trận tập trung đổi mới nội dung, hình thức tổ chức Ngày hội. Hằng năm lựa chọn chủ đề, gửi thông điệp tuyên truyền, vận động Nhân dân cùng tham gia thực hiện xây dựng cộng đồng dân cư tự quản, đoàn kết, ấm no, hạnh phúc
Xây dựng khu dân cư “Tự quản đoàn kết, ấm no, hạnh phúc” được xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ 2024 - 2029. Do đó, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh chú trọng công tác tuyên truyền, vận động, tập trung khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, tự hào, tự tôn dân tộc, ý thức, trách nhiệm xã hội, ý chí tự lực tự cường của mỗi người dân, của từng khu dân cư. Phối hợp tổ chức các hoạt động nhằm phát huy, giữ gìn bản sắc văn hóa của cộng đồng để khu dân cư trở thành nơi đáng sống của mỗi người dân.
Bà Mã Én Hằng, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Lào Cai: “Nhân rộng điển hình trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước”.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để ôn lại lịch sử vẻ vang của MTTQ Việt Nam; tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp Nhân dân chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về đại đoàn kết toàn dân tộc; đồng thời ghi nhận, biểu dương kết quả của tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước ở cộng đồng.
Ngày hội cũng là dịp để lan tỏa, phát huy quyền làm chủ, sự gắn bó, chia sẻ của người dân trong cộng đồng; khơi dậy tiềm năng, sức sáng tạo của Nhân dân; tăng cường sự gắn bó mật thiết giữa cán bộ, đảng viên với Nhân dân. Tạo không khí phấn khởi và sự đồng thuận xã hội; cổ vũ, động viên Nhân dân khắc phục mọi khó khăn, tích cực tham gia thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp nhiệm kỳ 2024 - 2029, Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp trên địa bàn tỉnh.
Để Ngày hội thực sự phát huy ý nghĩa, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân, những năm qua, tỉnh Lào Cai luôn chuẩn bị chu đáo, thiết thực, tiết kiệm, tránh phô trương, lãng phí; huy động được sự tham gia đông đảo của cộng đồng. Nội dung phần lễ tổ chức trang trọng, ngắn gọn; nội dung phần hội tạo được không khí vui tươi, đầm ấm và tôn vinh giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc ở địa phương.
Trong quá trình tổ chức, các địa phương trong tỉnh đã biểu dương, tôn vinh các tập thể, hộ gia đình và cá nhân đã tích cực hưởng ứng các cuộc vận động, các phong trào thi đua yêu nước như: Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” gắn với phong trào thi đua “Lào Cai chung sức xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững”, các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc"; Phong trào thi đua “Chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát trên địa bàn tỉnh đến năm 2025”; Phong trào thi đua “Lào Cai chung tay khắc phục hậu quả bão số 3” trên địa bàn tỉnh…
Ông Nguyễn Đức Thành, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Nghệ An: “Mở rộng đoàn kết, củng cố tình làng, nghĩa xóm”.
Hằng năm, có từ 95 - 100% khu dân cư trên địa bàn tỉnh tổ chức Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc; trong đó có trên 90% khu dân cư tổ chức cả phần lễ và phần hội, qua đó người dân có điều kiện gắn kết, gần gũi nhau hơn, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận trong cộng đồng dân cư.
Ngày hội là dịp để các khu dân cư tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua yêu nước khác trên địa bàn; biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu ở cộng đồng dân cư; tổ chức ký kết giao ước thi đua ở khu dân cư; động viên Nhân dân đoàn kết giúp đỡ lẫn nhau, tích cực tham gia sản xuất, kinh doanh; thăm hỏi, trao tặng quà, trao tặng nhà Đại đoàn kết, hỗ trợ các gia đình khó khăn... qua đó, góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua “Nghệ An chung tay xây dựng nông thôn mới”; là dịp tôn vinh các giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.
Thông qua Ngày hội Đại đoàn kết đã góp phần thực hiện tốt phong trào thi đua, mở rộng đoàn kết, củng cố tình làng, nghĩa xóm, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân; gắn kết cộng đồng để chung sức, đồng lòng xây dựng, phát triển quê hương, đất nước, thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Đại hội Đảng và Nghị quyết Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp.
Thông qua tổ chức Ngày hội, công tác vận động phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, tăng cường đồng thuận, tham gia xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị vững mạnh, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của Nhân dân đã được MTTQ các cấp và các tổ chức thành viên chủ động triển khai thực hiện, đạt được nhiều kết quả tích cực. MTTQ các cấp đã tham gia thành công các cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và Hội đồng Nhân dân các cấp ở các nhiệm kỳ; triển khai thực hiện tốt chỉ đạo của Bộ Chính trị về giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng.
Ông Siu Trung, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Gia Lai: “Tri ân các thế hệ đi trước và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc”.
Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc là dịp để người dân thấy kết quả đã làm được, đánh giá lại 1 năm hoạt động, trong đó nổi bật lên là thành quả xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh cũng như thực hiện cuộc vận động “làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm” trong đồng bào DTTS. Từ đó phát huy tinh thần đoàn kết, yêu quê hương, thi đua lao động sản xuất cũng như tinh thần phát huy giữ gìn bản sắc dân tộc, tri ân các thế hệ đi trước và giữ gìn, phát huy bản sắc văn hoá dân tộc.
Trong các hoạt động thường niên, chúng tôi chỉ đạo trước, trong và sau Ngày hội đều có các hoạt động về văn hoá, văn nghệ, quảng bá sản phẩm nông sản của địa phương cũng như hoạt động ẩm thực để thấy được bản sắc văn hoá và đặc biệt phát huy bản sắc tốt đẹp của đồng bào DTTS như cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, thổ cẩm… Hiện nay, bà con ở các khu dân cư đã xem Ngày hội Đại đoàn kết như Ngày hội chung toàn dân chứ không riêng gì của Mặt trận.
Sức mạnh đại đoàn kết đối với người dân khi đồng lòng, nhất trí và giữ gìn an ninh trật tự được đảm bảo, phát triển kinh tế, giảm nghèo bền vững. Mọi người giúp đỡ, chăm lo, hướng dẫn nhau cùng vươn lên, xây dựng khu dân cư văn minh, hạnh phúc. Với sự chuẩn bị chu đáo, bài bản, kỹ lưỡng, việc tổ chức thành công Ngày hội Đại đoàn kết toàn dân tộc có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm tập hợp, củng cố, tăng cường sự đoàn kết, đồng thuận của Nhân dân trong cộng đồng, khu dân cư; tạo nền tảng vững chắc cho khối đại đoàn kết các dân tộc. Qua đó, khơi dậy mạnh mẽ tinh thần hứng khởi và khí thế thi đua trong các tầng lớp Nhân dân, quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; giữ vững quốc phòng - an ninh.
Chúng tôi sẽ tiếp tục huy động sức mạnh đại đoàn kết trong hưởng ứng phong trào "xoá bỏ hoàn toàn tình trạng nhà tạm, nhà dột nát cho hộ nghèo, hộ cận nghèo…” của Chính phủ. Sắp tới, Mặt trận sẽ phối hợp với UBND tỉnh tổ chức ra quân xây dựng nhà tạm, nhà dột nát. Trước hết là tuyên truyền, vận động mỗi người dân hỗ trợ xây dựng nhà, đồng thời kêu gọi doanh nghiệp, mạnh thường quân, tập đoàn kinh tế hỗ trợ cho người dân. Từ đó, phối hợp với lực lượng chính trị, lực lượng vũ trang, các ngành, các cấp chung tay xây dựng nhà đại đoàn kết và phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành mục tiêu xóa hết nhà tạm, nhà dột nát cho đồng bào, nhất là đồng bào ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS, vùng biên giới, hải đảo.