Phát biểu tại buổi tiếp và làm việc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh cho biết: Việt Nam có 53 DTTS, cư trú thành cộng đồng ở 54/63 tỉnh, thành với 14,1 triệu người, chiếm 14,7% tổng dân số cả nước. Nhưng tỷ lệ nghèo và cận nghèo của các hộ DTTS vẫn đang cao gấp 3,5 lần tỷ lệ nghèo và cận nghèo chung của toàn quốc. Địa bàn cư trú chủ yếu của đồng bào DTTS tập trung ở vùng núi phía Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ, Tây Duyên Hải miền Trung.
Đây là địa bàn biên giới, địa bàn chiến lược rất quan trọng về kinh tế, chính trị, an ninh quốc phòng và môi trường sinh thái. Đây cũng là vùng có tỷ lệ che phủ rừng cao; cơ cấu kinh tế, nông lâm nghiệp là chủ yếu, sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, gắn với trồng rừng, khai thác nguồn lợi từ rừng. Đồng bào DTTS có phong tục tập quán, bản sắc văn hóa đặc sắc, đa dạng...
Thời gian qua, được sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, vùng đồng bào DTTS và miền núi đã có những bước phát triển vượt bậc, đời sống Nhân dân có nhiều khởi sắc. Tuy nhiên, do nhiều yếu tố, vùng đồng bào DTTS và miền núi là vùng khó khăn nhất, kinh tế - xã hội phát triển chậm nhất, cần thêm nhiều nguồn lực đầu tư, trong đó việc huy động các nguồn lực quốc tế là rất quan trọng.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng chia sẻ, chăm lo cho người nghèo, người yếu thế, đồng bào DTTS, không để ai bị bỏ lại phía sau là chủ trương xuyên suốt của Đảng, Nhà nước, Chính phủ Việt Nam. Trong những năm qua, Việt Nam đã dành sự quan tâm đặc biệt, huy động mọi nguồn lực trong nước và quốc tế đầu tư phát triển toàn diện vùng DTTS và miền núi.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm khẳng định: Trong suốt quá trình phát triển, Việt Nam luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Ấn Độ, vừa là đối tác chiến lược, hỗ trợ Việt Nam trên nhiều lĩnh vực quan trọng. Điều đó được lãnh đạo hai nước đánh giá cao, ký nhiều thỏa thuận, cam kết hợp tác quan trọng. Trên cơ sở cam kết, mỗi bên đã phân công bộ, ngành triển khai các cam kết đã ký.
Ủy ban Dân tộc là cơ quan quản lý Nhà nước về công tác dân tộc. Trong lịch sử, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức 5 đoàn sang thăm Ấn Độ, tổ chức các trao đổi đoàn. Đặc biệt là bàn thảo việc ký thỏa thuận hợp tác với Bộ Dân tộc Ấn Độ. Trong nhiệm kỳ này, Việt Nam đã có Chương trình mục tiêu quốc gia dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi. Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn, ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam quan tâm, kết nối để tiếp nối các chương trình hợp tác về lĩnh vực công tác dân tộc, hỗ trợ vật chất và tinh thần, thúc đẩy sự phát triển vùng đồng bào DTTS của cả Việt Nam và Ấn Độ.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm cũng mong muốn ngài Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền giúp đỡ Ủy ban Dân tộc trong việc giới thiệu, chuyển tải hình ảnh Việt Nam ra bạn bè quốc tế, đặc biệt là bản sắc văn hóa Việt Nam. Bên cạnh đó, hỗ trợ kỹ thuật nâng cao nhận thức, các giải pháp hỗ trợ đồng bào DTTS phát triển kinh tế, như: Du lịch sinh thái, phát triển dược liệu... kết nối các nhà đầu tư Ấn Độ, khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào DTTS.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm mong muốn tiếp tục nhận được quan tâm, đồng hành của Ấn Độ đối với Việt Nam liên quan đến chính sách dân tộc, các vấn đề về người DTTS, trao đổi kinh nghiệm về công tác dân tộc.
Ngài Pranay Verma, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Cộng hòa Ấn Độ tại Việt Nam trân trọng cảm ơn Bộ trưởng, Chủ nhiệm và các cán bộ Ủy ban Dân tộc đã dành thời gian tiếp đoàn. Ngài Đại sứ khẳng định, Việt Nam và Ấn Độ là đối tác tin cậy, cùng nhau đóng góp tạo ra sự thịnh vượng cho người dân hai nước.
Nêu bật những đặc điểm tương đồng về tình hình đồng bào DTTS, vùng DTTS và các chính sách dân tộc và cơ hội hợp tác, ngài Đại sứ cũng khẳng định, Ấn Độ luôn dành sự quan tâm đến các chính sách phát triển vùng DTTS, việc trao đổi chính sách dân tộc, ký thỏa thuận hợp tác về lĩnh vực công tác dân tộc giữa hai bên là rất tốt. Ngài Đại sứ bày tỏ ấn tượng về vùng đất, con người Việt Nam, đặc biệt là bản sắc văn hóa các dân tộc Việt Nam.
Thông tin về một số dự án đang triển khai tại vùng đồng bào DTTS của Việt Nam, ngài Đại sứ cho rằng, Việt Nam cần phát triển du lịch sinh thái, phát triển công nghệ số, đào tạo nguồn nhân lực.. Ngài Đại sứ cam kết sẽ hỗ trợ kết nối, giúp đỡ Ủy ban Dân tộc trong việc tiêu thụ sản phẩm của đồng bào DTTS, kêu gọi phát triển doanh nghiệp, thương mại đầu tư. Đầu mối liên hệ cho việc hợp tác, thúc đẩy thông tin trao đổi trong cuộc họp... Phía Đại sứ quán sẽ tiếp tục các dự án nhỏ, hỗ trợ đồng bào DTTS của Việt Nam, cung cấp suất học bổng cho học sinh DTTS, đào tào nguồn nhân lực DTTS, tăng cường trao đổi, giao lưu văn hóa...