Trong lộ trình chuyến công tác, Đoàn đến thăm mô hình bảo vệ rừng tại cộng đồng của thôn 1 thuộc xã Lĩnh Sơn, huyện Anh Sơn với tổng diện tích hơn 50ha, trong đó diện tích rừng tự nhiên gần 41ha, số còn lại là rừng trồng với các loại keo, xoan và cây ăn quả.
Trước khi giao cho 27 hộ dân quản lý, khoanh nuôi bảo vệ vào năm 2019 thì toàn bộ khu vực rừng này là đất trống, đồi núi trọc. Đến nay, hơn 50 ha rừng đã được hồi sinh với nhiều loại cây tự nhiên như dẻ, dẻ gai và một số cây ăn quả có giá trị như bưởi, mít, chanh...
Kể từ thời điểm nhận quản lý, khoanh nuôi bảo vệ rừng, Chi cục Kiểm Lâm Nghệ An đã hỗ trợ mỗi năm 48 triệu đồng để thực hiện các nội dung như tổ chức tuần tra, kiểm tra rừng trong khu vực mô hình; tổ chức các hội nghị tuyên truyền, tập huấn, phòng cháy, chữa cháy, hướng dẫn kỹ thuật bảo vệ rừng; đóng 50 cột mốc khép kín ranh giới khu vực mô hình; xây dựng 2 bảng chỉ dẫn tuyên truyền.
Trao đổi trong chuyến khảo sát của Bộ trưởng Lê Minh Hoan, đại diện Chi cục Kiểm lâm Nghệ An khẳng định: mô hình này thực sự đã đem lại hiệu quả, nhờ ý thức tích cực trong công tác bảo vệ rừng của người dân.
Những cánh rừng ở thôn 1, xã Lĩnh Sơn dường như được hồi sinh trở lại. Vì thế, nhiều hộ dân trong thôn đã có thu nhập ổn định từ việc trồng cây ăn quả, kết hợp chăn nuôi, thu lâm sản phụ dưới tán rừng. Hiện nay, mô hình đang được tiếp tục đầu tư xây dựng.
Trong chương trình làm việc, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan và đoàn công tác đã đến khảo sát, tham quan các hoạt động du lịch tại thác Khe Kèm thuộc Vườn Quốc gia Pù Mát.
Đây là vườn Quốc gia nằm trên địa giới hành chính của 3 huyện: Anh Sơn, Con Cuông và Tương Dương. Vườn Quốc gia Pù Mát có nhiều thuận lợi trong việc phát triển du lịch như diện tích rộng lớn, tính đa dạng sinh học cao với nhiều loài động vật rừng, thực vật rừng mới được khám phá trong thời gian gần đây với 2.500 loài thực vật thuộc 160 họ và gần 1.000 loài động vật… Đặc biệt, trong vườn quốc gia có nhiều cảnh đẹp hoang sơ như rừng nguyên sinh thượng nguồn khe Thơi, khe Bu, khe Choăng, Cao Vều… thác Khe Kèm, suối nước Mọc, sông Giăng, rừng săng lẻ... rất thuận lợi để phát triển du lịch.
Buổi chiều cùng ngày, đoàn đã tham quan các gian trưng bày, bán sản phẩm OCOP của huyện Con Cuông; Hợp tác xã Du lịch Cộng đồng bản Nưa, xã Yên Khê và trao đổi trực tiếp với các thành viên nhận khoán bảo vệ rừng, thành viên nhóm bảo vệ rừng cộng đồng của Vườn Quốc gia Pù Mát trong việc phối hợp tham gia tuần tra rừng.
Tại các điểm đến, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan nhấn mạnh về vốn quý của rừng, nên việc bảo vệ rừng không chỉ là trách nhiệm của người dân địa phương mà còn là trách nhiệm của toàn xã hội. Muốn thực hiện bảo vệ rừng hiệu quả thì các huyện có rừng, ngành Nông nghiệp Nghệ An cần quan tâm hơn đến việc hỗ trợ, cải thiện đời sống cho người dân đang tham gia bảo vệ rừng tại cộng đồng nói chung.
Đặc biệt, để làm giàu từ rừng, hay nói cách khác là thoát nghèo từ rừng, ngành Nông nghiệp phải có hoạch định cụ thể, đặt ra mục tiêu là làm thế nào để giữ được rừng, nhưng rừng phải nuôi được người bảo vệ. Đáng quan tâm, việc bảo vệ rừng, giữ rừng không nên bó hẹp trong tư duy quản lý, mà cần mở rộng thành phương thức quản trị, đó là chú trọng phát triển kinh tế từ rừng để tạo ra sản phẩm có giá trị.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh rằng, bảo vệ rừng không nhất thiết phải đóng cửa rừng bằng mọi cách, mà cần có cách tiếp cận hài hòa, đồng bộ, rộng mở với người dân, gần gũi với cộng đồng thì mới tạo được tính đoàn kết trong Nhân dân, kêu gọi bà con cùng chung tay bảo tồn và phát triển kinh tế rừng; phát huy giá trị đa dụng của hệ sinh thái rừng.
Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cũng đã tặng cây xanh cho đại diện cộng đồng địa phương sinh sống ở vùng đệm Vườn Quốc gia Pù Mát để trồng phân tán trong khu dân cư.