Các đại biểu đã có nhều câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH về những giải pháp đối với trẻ mồ côi do đại dịch Covid-19; giải pháp cho vấn đề thiếu hụt lao động sau đại dịch Covid-19; các giải pháp thúc đẩy gói hỗ trợ theo Nghị quyết 68, Nghị quyết 116 của Chính Phủ về hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động bị ảnh hưởng do đại dịch Covid-19.
Một số đại biểu đặt câu hỏi về đổi mới giáo dục nghề nghiệp, giải pháp cho nạn xâm hại trẻ em; phương án triển khai Quỹ bảo hiểm thất nghiệp trong thời gian tới; một số “lùm xùm” trong hoạt động từ thiện xã hội; biện pháp để giảm nghèo sau đại dịch Covid-19…
Trả lời chất vấn các vấn đề đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH Đào Ngọc Dung cho biết: Thời gian vừa qua, Chính phủ đã ban các hành chính sách cho trẻ em nói chung và các đối tượng bảo trợ nói riêng. Đồng thời có quy định đối với trẻ em trong các làng trẻ SOS. Đối với trẻ mồ côi vì Covid-19, Bộ đã có tham khảo mức hỗ trợ chung chăm sóc trẻ mồ côi của các nước để xây dựng mức hỗ trợ. Theo đó, những trẻ mồ côi mà có người thân chăm sóc sẽ có mức hỗ trợ 1,8 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, trong đợt dịch lần này, nhiều nhà hảo tâm cũng đã chung tay để chăm lo cho trẻ em.
Phương châm của Bộ là vận động toàn xã hội để các cháu đều có mái ấm gia đình, có người đỡ đầu. Trường hợp xấu nhất mới tính đễn phương án đưa các cháu vào các cơ sở bảo trợ xã hội. Về việc đẩy mạnh hỗ trợ theo Nghị quyết 68 và Nghị quyết 116 của Chính Phủ, ngành LĐ, TB&XH đã thực hiện mô hình đào tạo nghề theo hướng mở tại doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp có trách nhiệm đào tạo lao động. Về vấn đề thiếu hụt lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng, doanh nghiệp cần có giải pháp giữ chân, điều tiết lao động. Nếu kịch bản xấu nhất xảy ra do tác động của dịchCovid-19, sẽ sử dụng sinh viên của các trường nghề để bổ sung lao động; đồng thời tăng cường bồi dưỡng kỹ năng, sử dụng thanh niên nghĩa vụ quân sự, công an tăng cường cho một số địa bàn, công việc, lĩnh vực đặc thù; huy động sự vào cuộc, đồng hành của doanh nghiệp.
Về đổi mới giáo dục nghề nghiệp, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Tinh thần chung là thực hiện theo Nghị quyết 29/NQ-TW của Trung ương về đổi mới căn bản giáo dục nghề nghiệp, gắn kết chặt chẽ Nhà nước, nhà trường với doanh nghệp, phấn đấu mục tiêu cho thanh thiếu niên học nghề, tham gia nhiều hơn vào quá trình học nghề. Bộ LĐ, TB&XH sẽ xây dựng chương trình nâng tầm kỹ năng lao động Việt Nam trong tinh hình mới.
Trả lời câu hỏi của đai biểu về vấn đề xâm hại trẻ em, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lý giải: Thời gian vừa qua, qua điều tra, các vụ việc liên quan đến xâm hại, bạo lực tình dục trẻ em ở Việt Nam tương đương các nước ở khu vực Châu Á. Hiện hệ thống pháp luật của chúng ta đã hoàn thiện với Luật tố tụng hình sự; Luật Bảo vệ chăm sóc trẻ em, tuy nhiên vẫn còn một số vụ quy định của pháp luật chưa đủ sức răn đe. Tới đây Bộ LĐ, TB&XH sẽ phối hợp với Bộ Công an, các bộ ngành chức năng thực hiện 3 nhất: Điều tra, phát hiện sớm nhất, xử lý nghiêm minh nhất, hỗ trợ các em không may bị xâm hại nhanh nhất.
Về một số chậm trễ trong triển khai chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết: Với quan điểm không được để ai thiếu ăn thiếu mặc, các chính sách đều được Bộ LĐ, TB&XH triển khai rất nhanh, thủ tục thông thoáng nhất có thể. Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, nhiều địa phương áp dụng thực hiện còn cứng nhắc. Đối với các giải pháp giảm tỉ lệ hộ nghèo, hộ cận nghèo sau dịch bệnh Covid-19, sau khi Quốc hội ban hành Nghị quyết số 24/2021/QH15 của Quốc hội về Phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, Bộ đã rà soát toàn bộ số hộ nghèo theo đúng tiêu chí. Bộ đã hoàn thành Báo cáo nghiên cứu khả thi trình Hội đồng thẩm định Nhà nước, khoảng trung tuần tháng 12/2021 sẽ trình Chính phủ phê duyệt Đề án, đảm bảo từ 1/1/2022 sẽ triển khai Chương trình đồng bộ trên cả nước.
Về một số “lùm xùm” trong hoạt động từ thiện xã hội, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng: Nghị định 64 đã quy định rõ Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam là tổ chức đứng ra huy động và tổ chức thực hiện hoạt động này. Tuy nhiên trong Nghị định chưa quy định cụ thể cách huy động, vận động, quyên góp của các tổ chức, cá nhân. Làm từ thiện phải trên cơ sở tuân thủ quy định của pháp luật, vì vậy Chính phủ đã giao Bộ Tài chính sửa đổi Nghị định 64, quy định rõ tiêu chí, cách làm. Từ ngày 1/12, khi Nghị định 93 (thay thế Nghị định 64) có hiệu lực, sẽ khắc phục tình trạng này” - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cam kết.