Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước): Lao động người DTTS cần được nghỉ thêm ngày Tết cổ truyền của dân tộc mình
Về nghỉ Lễ, Tết, Luật có quy định: “Người lao động được nghỉ làm việc hưởng nguyên lương trong những ngày Lễ, Tết”. Việt Nam là quốc gia với 54 thành phần dân tộc, mỗi dân tộc có một nền văn hóa với bản sắc, phong tục tập quán riêng, góp phần hình thành nên nền văn hóa Việt Nam đa dạng trong thống nhất. Song song với Tết Cổ truyền ở Việt Nam, các DTTS số đón Tết Nguyên đán theo phong tục dân tộc mình. Vào dịp này, lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước và các cấp ở địa phương đều có hoạt động thăm hỏi và chăm lo Tết cho đồng bào DTTS. Đây là nguồn động viên lớn, là sự tiếp lửa đặc biệt đối với các DTTS ở Việt Nam.
Thực tế, ngày Tết của các DTTS lại diễn ra vào thời điểm khác nhau trong năm và địa phương cũng linh hoạt để cán bộ, công chức, viên chức là người DTTS được nghỉ dịp này trong nội bộ cơ quan, đơn vị. Tuy nhiên, đối với người lao động là người DTTS đang làm việc tại các doanh nghiệp lại khó thực hiện hơn do chưa có văn bản luật quy định. Nhiều trường hợp xin nghỉ trong dịp Tết của dân tộc mình bị xem là vô tổ chức, vô kỷ luật, phá vỡ hợp đồng
lao động, làm ảnh hưởng quan hệ lao động và quyền lợi của người lao động. Tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định: “Lao động là người DTTS ở Việt Nam ngoài các ngày nghỉ theo quy định tại Khoản 1 Điều này còn được nghỉ thêm 1 ngày Tết Cổ truyền của dân tộc mình”.
Đại biểu Phùng Thị Thường (Vĩnh Phúc): Tăng lương, giảm giờ làm để tăng thời gian nghỉ ngơi.
Xu hướng tiến bộ của thế giới hiện nay là tăng lương, giảm giờ làm để tăng thời gian nghỉ ngơi. Vì vậy, chúng ta phải tính toán trong mối tương quan thời gian làm việc chính thức với thời gian tái tạo sức lao động cho người lao động, nhằm đảm bảo tối ưu hóa mặt tích cực và hạn chế thấp nhất mặt tiêu cực của việc làm thêm giờ.
Trên cơ sở các nghiên cứu và đánh giá tác động về kinh tế-xã hội, thu hút đầu tư và nhu cầu của doanh nghiệp, nhu cầu sức khỏe và thu nhập của người lao động, tôi thống nhất việc xem xét, mở rộng khung thoả thuận làm thêm giờ như trong dự thảo Bộ luật Lao động, nhưng chọn 1 trong 2 phương án mà Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã kiến nghị. Việc quy định trả tiền lương làm thêm giờ cho người lao động lũy tiến như Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã đề nghị nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động và khắc phục tình trạng doanh nghiệp không tuyển dụng lao động phù hợp với quy mô và năng lực để trốn tránh nghĩa vụ mà huy động làm thêm giờ.
Cùng với quy định mở rộng khung thỏa thuận làm thêm giờ, tôi đề nghị xem xét việc giảm thời gian giờ làm việc bình thường. Đây là xu hướng chung trên thế giới, dựa trên sự phát triển của năng lực sản xuất, nâng cao chất lượng lao động và phù hợp với điều kiện của doanh nghiệp nhưng vẫn duy trì được khả năng tái tạo sức lao động cũng như quỹ thời gian chăm sóc gia đình và tham gia các hoạt động xã hội của người lao động.
Đại biểu Ma Thị Thúy (Tuyên Quang): Cần đánh giá tác động xã hội về tuổi nghỉ hưu
Về tuổi nghỉ hưu, đây là vấn đề lớn liên quan đến hàng chục triệu người lao động, tôi vẫn còn thấy băn khoăn và đề nghị Chính phủ cũng cần cân nhắc kỹ hơn về tuổi nghỉ hưu như trong dự thảo Luật trình Quốc hội. Vì trong giai đoạn hiện nay, nước ta đang thực hiện tinh giản biên chế quyết liệt. Vấn đề về giải quyết việc làm cho sinh viên ra trường, việc giải quyết công ăn việc làm cho người lao động đang rất khó khăn. Theo thống kê, cả nước mỗi năm vẫn có hơn 1 triệu lao động thất nghiệp, để lại hậu quả cho xã hội là rất lớn. Tuổi thọ bình quân của người Việt Nam đang tăng lên, nhưng bệnh tật ngày càng nhiều, tức là tuổi thọ cao nhưng không khỏe, hơn nữa ở nước ta đặc thù lao động phần lớn là lao động nặng nhọc, cơ bắp, không phù hợp với lao động khi tuổi đã cao. Tôi đề nghị Ban soạn thảo đánh giá thêm về vấn đề này cho rõ ràng hơn. Đây là một nội dung cơ bản, quan trọng ảnh hưởng và liên quan đến quyền lợi và lợi ích của người lao động.n
THANH HUYỀN