Theo Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước, việc triển khai các điểm hỗ trợ trên nhằm cụ thể hóa việc triển khai Quyết định số 1719/QĐ-TTg ngày 14/10/2021 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I từ năm 2021 đến năm 2025.
Mục tiêu chung của Đề án này là hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số được tiếp cận thông tin về khoa học công nghệ và quảng bá các sản phẩm địa phương cho bạn bè trong nước và thế giới. Nâng cao khả năng ứng dụng và sử dụng CNTT hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội cho vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi. Ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình).
Đồng thời, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác dân tộc và tổ chức quản lý, tổ chức Chương trình từ trung ương đến địa phương. Triển khai áp dụng công nghệ số, dữ liệu số nhằm đổi mới và tăng cường hiệu quả công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra, giám sát, đánh giá Chương trình. Đổi mới phương pháp, chuyển đổi số trong truyền thông, tuyên truyền cho Chương trình. Nâng cao năng lực cho cán bộ thực hiện Chương trình các cấp.
Vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Phước đã phê duyệt danh sách điểm hỗ trợ đồng bào dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ thông tin trên địa bàn năm 2023. Theo đó, tỉnh sẽ tổ chức 18 điểm tại 4 xã thuộc khu vực đặc biệt khó khăn, 14 xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi để hỗ trợ bà con ứng dụng công nghệ thông tin.
Cụ thể: 14 xã có thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi gồm: Ấp 8, xã Thanh Hòa; ấp Bù Tam, xã Hưng Phước; ấp Mười Mẫu, xã Phước Thiện; ấp Sóc Nê, xã Tân Tiến đều thuộc huyện Bù Đốp. Chốt dân quân biên giới ấp Suối Thôn, xã Lộc Hòa; Nhà văn hóa ấp K’Liêu, xã Lộc Thành; ấp Sóc Lớn, xã Lộc Khánh đều thuộc huyện Lộc Ninh. Nhà văn hóa thôn 6, xã Long Tân, huyện Phú Riềng. Nhà văn hóa thôn 5, xã Đăng Hà; Nhà văn hóa thôn 5, xã Đường 10; Nhà văn hóa thôn 10, xã Thống Nhất đều thuộc huyện Bù Đăng. Nhà văn hóa thôn Bù Kroai, xã Đức Hạnh; Nhà văn hóa thôn Bình Giai, xã Phước Minh; Nhà văn hóa thôn 9, xã Bình Thắng đều thuộc huyện Bù Gia Mập.
4 xã thuộc khu vực III: Trung tâm học tập cộng đồng xã Lộc Quang, huyện Lộc Ninh; Trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng xã Đắk Ơ; Trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng xã Bù Gia Mập; Trung tâm văn hóa, thể thao và học tập cộng đồng xã Phú Văn đều thuộc huyện Bù Gia Mập.
Tại mỗi điểm hỗ trợ, người dân được sử dụng dịch vụ truy nhập internet băng thông rộng theo Chương trình cung cấp dịch vụ viễn thông công ích đến năm 2025. Các điểm hỗ trợ này giúp người dân tìm hiểu thông tin về đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước qua mạng internet; sử dụng dịch vụ công trực tuyến; học tập, nâng cao trình độ, kiến thức, kỹ năng sản xuất, phát triển kinh tế, thương mại, khoa học kỹ thuật, văn hóa - xã hội, kiến thức về đảm bảo an ninh, trật tự; giúp người dân vùng khó khăn có kỹ năng khai thác, sử dụng các ứng dụng di động, nền tảng số, dịch vụ trực tuyến trên mạng internet.
Đề án cũng đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, đạt 100% các cơ quan quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp trung ương đến cấp xã được triển khai hệ thống thông tin phục vụ quản lý, chỉ đạo, điều hành, nâng cao năng lực, truyền thông và giám sát, đánh giá. 100% việc báo cáo định kỳ, báo cáo giám sát, báo cáo tổng hợp, hệ thống chỉ tiêu Chương trình được thực hiện trên môi trường số đồng bộ từ trung ương tới địa phương, hướng tới thay thế các báo cáo truyền thống;
100% các cơ quan, tổ chức quản lý, thực hiện Chương trình từ cấp trung ương đến cấp xã được thông tin tự động về các nội dung, nhiệm vụ và kết quả triển khai; thiết lập và công bố các bộ dữ liệu mở về kết quả triển khai, giám sát, đánh giá thực hiện Chương trình để công khai cho các tổ chức, người dân. Phấn đấu 100% các dữ liệu được công bố có khả năng khai thác trên môi trường số (máy tính, điện thoại thông minh...). 100% cán bộ quản lý các cấp quản lý, thực hiện Chương trình được tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, chia sẻ thông tin thường xuyên về kỹ năng số và ứng dụng CNTT trong xử lý tác nghiệp trên môi trường số.
Đồng thời, phấn đấu các cơ quan công tác quản lý, tổ chức thực hiện Chương trình từ trung ương đến địa phương được đảm bảo hạ tầng, trang bị vận hành phòng họp trực tuyến. Có ít nhất 30% các cuộc họp, hội nghị, hội thảo, tập huấn được triển khai trên môi trường số. 100% các hệ thống thông tin thuộc Đề án được triển khai đầy đủ quy định của pháp luật hiện hành về an toàn thông tin mạng.
Phấn đấu 100% người có uy tín, đồng bào dân tộc thiểu số nắm được chủ trương, quan điểm của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước; được tiếp cận đầy đủ thông tin về y tế, giáo dục, khoa học công nghệ, thị trường; thông tin an ninh, trật tự để chủ động đảm bảo giữ gìn ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế - xã hội vùng thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Đề án.
Phấn đấu từng bước đưa các lễ hội, phong tục tập quán của các dân tộc thiểu số được bảo tồn dưới dạng cơ sở dữ liệu số hóa, đa phương tiện và được phổ biến, giới thiệu đến với cộng đồng trong và ngoài nước thông qua các nhiệm vụ, dự án trong phạm vi Đề án.