Ghi nhận, tại Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn, không khí lễ khai giảng diễn ra rộn ràng; học sinh tại trường nô nức, mong mỏi từng ngày để trở lại lớp sau khoảng thời gian nghỉ hè. Năm học mới, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn có 900 học sinh, chia làm 3 khối (10, 11, 12). Cũng tại lễ khai giảng, Trường THPT Chuyên Lê Quý Đôn đã trao 36 suất học bổng cho học sinh vượt khó học giỏi.
Em Lê Nguyễn Minh Khuê, học sinh khối 12 chuyên Văn phấn khởi nói: Em rất vui gặp lại bạn bè sau bao tháng xa cách. Tuy nhiên, năm học mới chúng em cũng đề ra nhiều mục tiêu. Ở năm học cuối của cấp THPT, là giai đoạn để em chuẩn bị mọi điều kiện “nước rút” cho ôn thi tốt nghiệp và hướng đến hành trình học đại học.
Còn tại Trường Phổ thông dân tộc nội trú tỉnh Bình Định trong sáng nay, lễ khai giảng diễn ra ngắn gọn, với nhiều tiết mục văn nghệ đặc sắc, thể hiện nét đẹp, sự đa dạng văn hóa của các dân tộc thiểu số trong tỉnh do các em học sinh thể hiện. Trường hiện có 365 học sinh đồng bào DTTS, 100% các em đều học nội trú tại trường.
Theo Giám đốc Sở GD&ĐT Bình Định Đào Đức Tuấn, Sở chỉ đạo các trường tổ chức lễ khai giảng ngắn gọn, trang nghiêm, đồng loạt lúc 7 giờ sáng, với học sinh là trung tâm, chú trọng việc tổ chức đón học sinh đầu cấp. Thầy trò sẽ tổ chức lễ khai giảng năm học mới theo nghi thức truyền thống, các trường sẽ đọc thư của Chủ tịch nước gửi ngành Giáo dục tại lễ khai giảng năm học mới. Riêng với cấp mầm non tổ chức khai giảng theo hình thức “Ngày hội đến trường của bé” một cách linh hoạt, sáng tạo với nội dung phù hợp. Sau khi kết thúc lễ khai giảng, các trường học bước vào năm học mới 2023 - 2024.
Năm học 2023 - 2024 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong lộ trình đổi mới giáo dục. Đặc biệt, đây là năm học ngành Giáo dục tiếp tục thực hiện đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 và sách giáo khoa đến lớp 4, 8 và 11.
Ngành Giáo dục tỉnh Bình Định xác định mục tiêu tiếp tục tập trung thực hiện chủ trương đổi mới căn bản, toàn diện GD&ĐT, tiếp tục thực hiện đổi mới, kiên trì mục tiêu chất lượng GD&ĐT, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh công tác quản lý nhà nước đối với giáo dục mầm non, giải quyết tình trạng thiếu giáo viên, tăng cường các điều kiện để nâng cao chất lượng thực hiện chương trình giáo dục mầm non. Bên cạnh đó, toàn ngành tiếp tục đổi mới công tác quản trị, tăng quyền tự chủ của các cơ sở giáo dục phổ thông; nâng cao năng lực quản lý Nhà nước, phát huy hiệu quả hoạt động của các trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm giáo dục thường xuyên, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên; huy động nguồn lực, ưu tiên phát triển GD&ĐT nhằm bảo đảm công bằng trong tiếp cận giáo dục.