Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang phát biểu chào mừng các đại biểu, cựu học sinh miền Nam về dự gặp mặtTham dự buổi gặp mặt có: Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn - nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Công an, Trưởng Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương, cùng các thành viên Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương; ông Lâm Hải Giang - Phó Chủ tịch UBND tỉnh; hơn 1.000 cựu cán bộ, học sinh miền Nam.
Phát buổi tại buổi lễ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, ông Lâm Hải Giang, nhấn mạnh: Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ cho Liên khu ủy V nói chung và Đảng bộ tỉnh Bình Định nói riêng tổ chức thực hiện 300 ngày hoàn thành chuyển quân tập kết ra Bắc tại Quy Nhơn. Số lượng người ra đi tại Cảng Quy Nhơn rất lớn, gồm toàn bộ lực lượng vũ trang, phần lớn cán bộ, các đội thanh niên xung phong, một số gia đình cán bộ, con em cán bộ và học sinh do gia đình gửi ra miền Bắc học tập và gia đình đồng bào quê ở miền Bắc xin hồi hương.
Với tầm nhìn xa trông rộng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương Đảng đã dự cảm rằng công cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước có thể còn lâu dài và gian khổ. Vì vậy, cùng với việc chuyển bộ đội và cán bộ kháng chiến tập kết, cần phải đưa thiếu nhi, học sinh là con em cán bộ, chiến sĩ ra Bắc để chăm sóc, đào tạo, sau này trở thành lực lượng nòng cốt xây dựng lại miền Nam, tái thiết đất nước.
TS Mai Liêm Trực phát biểu tại buổi gặp mặtThực hiện chủ trương của Trung ương Đảng, Bác Hồ và nhiệm vụ Liên khu V giao, Đảng bộ và Nhân dân Bình Định tổ chức đón tiếp, giúp đỡ cán bộ, chiến sĩ, đồng bào và học sinh miền Nam từ các tỉnh trong khu vực; thực hiện tốt việc chuyển quân tập kết theo kế hoạch; bàn giao cho đối phương theo thời gian thỏa thuận của hai bên.
Ts. Mai Liêm Trực - nguyên Thứ trưởng Thường trực Bộ Bưu chính viễn thông, Phó Ban Liên lạc học sinh miền Nam Trung ương, cùng các cựu học sinh miền Nam đã phát biểu, chia sẻ nhiều câu chuyện xúc động: Ngay từ lúc bước chân lên đất Bắc, bộ đội, cán bộ và thiếu nhi học sinh miền Nam đã được đồng bào miền Bắc đón tiếp nồng nhiệt và ấm áp. Trong năm đầu tiên, học sinh miền Nam được phân phối về ở nhà dân, được bà con chăm lo chu đáo.
Ngày 18/1/1955, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra quyết định thành lập các trường học sinh miền Nam nội trú, một mô hình đào tạo đặc biệt với những chính sách ưu tiên đặc biệt cho con em miền Nam. Những giáo viên giỏi được lựa chọn cùng với các y tá, bảo mẫu, cấp dưỡng có tình yêu thương và tinh thần trách nhiệm cao, chấp nhận rời gia đình vào ăn ở sinh hoạt trong trường nội trú, thay mặt cha mẹ nuôi dưỡng các cháu học sinh miền Nam. Trường học sinh miền Nam được chu cấp đặc biệt để các học sinh được ăn no mặc ấm, có điều kiện học tập tốt nhất…
Thượng tướng Nguyễn Khánh Toàn, Trưởng Ban liên lạc học sinh miền Nam Trung ương, trao quà tri ân giáo viên các Trường học sinh miền Nam trên đất BắcTừ những ngày tháng đầu tiên khi miền Nam được giải phóng, hầu hết cựu học sinh miền Nam đã trưởng thành trên đất Bắc quay trở lại miền Nam tham gia tiếp quản và xây dựng củng cố chính quyền cách mạng, trở thành một đội ngũ cán bộ chủ chốt hoạt động trên tất cả lĩnh vực chính trị, kinh tế, khoa học kỹ thuật, văn hóa xã hội và giáo dục đào tạo. Nhiều người trở thành nhà khoa học, nhà giáo, văn nghệ sĩ nổi tiếng, là tướng lĩnh quân đội, công an, là những doanh nhân thành đạt.
Đặc biệt, nhiều người trở thành lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, lãnh đạo các Bộ ngành trung ương và nhiều tỉnh, thành phố phía Nam. Riêng khu vực Liên khu 5 và các tỉnh Tây Nguyên, rất nhiều cựu học sinh miền Nam tập kết ra Bắc qua Cảng Quy Nhơn năm 1954 - 1955 sau này là Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, giám đốc các sở, ban, ngành của địa phương.
Qua đó, có thể khẳng định rằng đây là cuộc dịch chuyển thiếu nhi, học sinh quy mô nhất lịch sử được đánh giá là thành công trên cả ba phương diện: Rèn luyện con người, mô hình giáo dục và chiến lược đào tạo dài hạn. Hầu hết học sinh miền Nam trưởng thành trên đất Bắc đã và đang đi suốt cuộc đời mình với hành trang quý báu là lòng biết ơn sâu nặng với Bác Hồ, Đảng và Nhân dân miền Bắc, đã nỗ lực hết mình phụng sự đất nước, phụng sự Nhân dân để xứng đáng với công lao to lớn đó và cũng để xứng đáng với hy vọng, niềm tin của đồng bào miền Nam khi gởi con em mình ra miền Bắc trong thời kỳ đất nước bị chia cắt.